|
Với “siêu” mắt kính sinh học, trong tương lai, người bị tật ở mắt như cận thị, viễn thị, đục thủy tinh thể sẽ không cần ngày nào cũng phải nhớ đeo kính hay dùng kính sát tròng như hiện nay |
Phẫu thuật cấy ghép mắt sinh học giúp cho một người 45 tuổi có được thị lực giống như một người 25 tuổi hứa hẹn sẽ trở thành hiện thực trong vòng 5 năm nữa.
“Siêu” mắt kính sinh học sẽ có khả năng điều chỉnh tật cận thị lẫn viễn thị. Người bị mắc 2 kiểu khuyết tật về mắt này sẽ không còn phụ thuộc vào cặp mắt kính thông thường vốn dày cộm và gây nhiều bất tiện.
Chưa hết, những bệnh nhân nào đã trải qua phẫu thuật cấy ghép mắt sinh học sẽ không bị đục thủy tinh thể khi về già. Mỗi cuộc phẫu thuật cấy ghép mắt sinh học chỉ kéo dài khoảng nửa tiếng.
Trên đây là báo cáo kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học thuộc trường đại học Aston ở Birmingham (Anh) do Giáo sư James Wolffsohn dẫn đầu. Báo cáo đã được gửi đến Hiệp hội Festival khoa học Anh.
Ý tưởng nghiên cứu đều dựa trên sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay. Đó là kỹ thuật cấy ghép những thấu kính nhựa nhỏ vào mắt sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Kỹ thuật này cho phép bệnh nhân nhìn thấy rõ hơn nhưng không chữa được tật cận thị hay viễn thị của họ.
Trên thị trường hiện nay cũng đã có nhiều loại mắt kính dẻo hơn chỉ chữa được một trong 2 tật ở mắt là cận thị và viễn thị. Phẫu thuật bằng tia laser cũng chỉ dừng lại ở kết quả tương tự.
Vì vậy, các nhà khoa học hiện nay đang cố gắng phát minh ra một loại “siêu” mắt kính mềm dẻo hơn, có khả năng co giãn, thay đổi hình dạng theo cơ của mắt và điều chỉnh tiêu cự sao cho giúp mắt thấy được các vật ở gần, ở xa và mọi điểm ở giữa khoảng cách đó.
“Siêu” mắt kính này có thể được cấy vào mắt thông qua một thủ thuật đơn giản thay thế cho thủy tinh thể đã bị hư của mắt.
Dự kiến, “siêu” mắt kính sinh học sẽ có mặt trên thị trường trong vòng 5-10 năm nữa với giá khoảng 2.000 bảng Anh/cặp.
|