|
Tạo ra tinh trùng từ mô tinh hoàn chuột - Nghiên cứu có ý nghĩa to lớn của các nhà khoa học Việt Nam. |
Một sự kiện khoa học khá ấn tượng lần đầu tiên được các nhà khoa học Việt Nam công bố, đó là nghiên cứu và thử nghiệm thành công việc tạo ra tinh trùng từ tế bào gốc thu nhận từ tinh hoàn chuột. Công trình khoa học này đã được các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM) nghiên cứu và đang được dư luận quan tâm bởi có triển vọng tạo cơ hội cho những người đàn ông không có tinh trùng.
Biệt hóa tế bào mầm trên chuột tạo ra tinh trùng
Cách đây 2 năm, các nhà khoa học Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM) đã manh nha nghiên cứu nhằm tạo ra tinh trùng với mục đích lâu dài sẽ có ý nghĩa to lớn trong phục vụ con người. Tuy nhiên, “hành trình” cho công cuộc nghiên cứu này không phải đơn giản, bởi chưa có tiền lệ ở Việt Nam và khó khăn trong các điều kiện nhân lực, vật lực.
Mặc dù vậy, tin tưởng vào khả năng vốn có sau những thành công trong nghiên cứu tế bào gốc, Th.S Phan Kim Ngọc cùng các cộng sự của nhóm nghiên cứu Phạm Văn Phúc, Trương Định, Huỳnh Thị Lệ Duyên đã mạnh dạn triển khai đề tài “Biệt hóa in vitro các tế bào mầm từ mảnh mô tinh hoàn chuột”.
Nhóm nghiên cứu đã lấy một mảnh mô nhỏ trên tinh hoàn chuột để thu nhận một số tế bào mầm (germ cell - một dạng tế bào gốc – stem cell), đưa vào phòng thí nghiệm. Thực hiện nuôi các tế bào đó và lần lượt sử dụng nhiều tác nhân, hóa chất để thử khả năng biệt hóa của các tế bào này.
Sau những lần thử nghiệm thất bại, nhiều bài học đã được rút ra và cuối cùng các nhà khoa học cũng đã thành công khi tìm được một số hóa chất quan trọng có tác động tích cực đến quá trình biệt hóa của tế bào mầm thành tinh trùng, trong đó có hormone FSH và testosteron.
Theo nhóm nghiên cứu, khi nuôi cấy trong môi trường đặc biệt trong phòng thí nghiệm với nồng độ FSH là 50 IU/L và testosteron là 1 M/ml thì tỷ lệ thành công đạt cao nhất (46,33% - nghĩa là cứ lấy 100 tế bào mầm cho nuôi cấy và biệt hóa thì sẽ thu được khoảng 46 tế bào tinh trùng).
Còn theo một số chuyên gia về công nghệ sinh học và tế bào, tỷ lệ này là khá cao trong hỗ trợ sinh sản, có thể thụ tinh với trứng để phát triển thành phôi trong ống nghiệm.
Cơ hội cho đàn ông không có tinh trùng
Kết quả thử nghiệm thành công nói trên đang mở ra cơ hội và triển vọng trong việc ứng dụng phục vụ cho con người, và hơn hết là có thể điều trị cho những trường hợp đàn ông không có tinh trùng dẫn đến vô sinh.
Một số bác sĩ chuyên khoa sinh sản cho rằng, công trình nghiên cứu tạo ra tinh trùng này góp phần rất lớn để ứng dụng ngay vào điều trị, đồng thời hỗ trợ cho các bước tiếp theo của các công trình nghiên cứu điều trị vô sinh mà hiện các bệnh viện phụ sản đang mày mò triển khai. Đồng thời, các bệnh viện phụ sản sẵn sàng hợp tác để đưa kết quả nghiên cứu trên vào ứng dụng.
Theo nhóm nghiên cứu nói trên, dự kiến trong tháng 9 này các nhà khoa học sẽ tiến hành cho các tinh trùng biệt hóa từ tế bào mầm vào thụ tinh trong ống nghiệm để tạo ra chuột con. Khi giai đoạn này thành công tốt đẹp, tạo ra được những con chuột khỏe mạnh sẽ tiến hành thử nghiệm trên người để giúp điều trị vô sinh ở những người đàn ông không có khả năng tạo ra tinh trùng.
Qua dự tính của nhóm nghiên cứu, chỉ với kinh phí khoảng từ 1,5 - 2 tỷ đồng là có thể tiến hành thí nghiệm với ít nhất 10 trường hợp trên người. Thời gian thử nghiệm sẽ kéo dài khoảng 2-3 năm. Sau khi thử nghiệm thành công, có thể áp dụng điều trị cho các trường hợp hiếm muộn với chi phí rẻ hơn nhiều.
Hiện nay nhóm các nhà khoa học Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (Trường ĐH Khoa học tự nhiên ĐH QG TPHCM) đang có kế hoạch phối hợp cùng Bệnh viện Từ Dũ tiến hành phác thảo các dự án xin phép tiến hành thí nghiệm kết quả nói trên đối với người.
Nếu dự án này được thông qua và tiếp tục thành công sẽ là cơ hội rất lớn cho nhiều trường hợp đàn ông không có tinh trùng hoặc tinh trùng không đủ khả năng sinh thụ thai.
. Theo SGGP
>> Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa nghiên cứu tế bào gốc vào chương trình khoa học – công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước. Trong giai đoạn 2006-2010, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt chương trình “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học”, với mục tiêu hướng đến nghiên cứu ứng dụng rộng rãi có hiệu quả công nghệ tế bào thực vật, công nghệ hạt nhân tạo, phôi vô tính cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu... sản xuất một số hợp chất hữu cơ thực vật thứ cấp cho chăn nuôi thú y và y dược; nghiên cứu làm chủ công nghệ nhân nuôi tế bào gốc phục vụ điều trị bệnh hiểm nghèo: ung thư, tim mạch, giác mạc mắt.. Bước đầu tạo động vật có các yếu tố phù hợp cho công tác cây ghép nội tạng;…
>> Một số đề tài, dự án về nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai:
- Nhóm nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc từ màng dây rốn để điều trị các tổn thương da và các vết thương mãn tính lâu liền.
- Dự án nhóm nghiên cứu biệt hóa tế bào gốc từ dây rốn thành tế bào cơ tim và tế bào thần kinh.
- Dự án nhóm nghiên cứu thành lập ngân hàng tế bào gốc màng dây rốn cho cộng đồng tại Công ty Dược MekoPhar (TPHCM).
- Dự án nhóm nghiên cứu ứng dụng từ màng dây rốn trong điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa của gan và bệnh ưa chảy máu nhóm A (Bệnh viện Nhi Trung ương).
- Dự án nhóm nghiên cứu sử dụng tế bào gốc từ màng dây rốn phối hợp phương pháp thủy châm cứu để điều trị các bệnh thần kinh ngoại vi chi dưới (Bệnh viện Châm cứu Trung ương)... | |