Viêm gan C - kẻ thù thầm lặng
13:15', 25/9/ 2008 (GMT+7)

Một trường hợp mắc bệnh viêm gan C được điều trị tại BVĐK tỉnh. Ảnh: Phương Vy

Phổ biến chỉ đứng sau viêm gan siêu vi B nhưng viêm gan siêu vi C lại dễ trở thành mạn tính và chưa có văc xin để phòng bệnh… Đây chính là những yếu tố nguy cơ khiến bệnh viêm gan siêu vi C được xem là kẻ thù thầm lặng.

* Lây truyền qua đường máu

Viêm gan C xuất hiện nhiều ở các nước Âu Mỹ, nơi thường xảy ra nạn tiêm chích. Ở nước ta, trong những năm gần đây, do nhu cầu làm đẹp, các thủ thuật thẩm mỹ, xăm hình và tiêm chích ngày càng nhiều… làm cho bệnh viêm gan siêu vi C có chiều hướng gia tăng nhanh chóng. 

Theo thống kê của khoa Nội tổng hợp, BVĐK tỉnh, bình quân mỗi năm khoa tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mắc bệnh viêm gan C. Từ đầu năm 2008 đến nay, số bệnh nhân nhập viện điều trị viêm gan C cao hơn 10 - 15% so với năm 2007. Bệnh nhân mắc bệnh viêm gan C chủ yếu là bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo.

Cũng tương tự như viêm gan B, viêm gan C lây truyền qua đường máu, chủ yếu là đường tiêm chích, đặc biệt là tiêm chích ma túy và các thủ thuật xăm hình, thẩm mỹ, hoặc nhổ răng ở những cơ sở mà dụng cụ tiệt trùng chưa đảm bảo, bệnh nhân sử dụng nhiều lần cùng một kim châm cứu. Nghĩa là việc không thể kiểm soát hết được các thủ thuật trong hành nghề cũng là một yếu tố nguy cơ cao truyền bệnh viêm gan C. Ngược lại với viêm gan B, con đường lây truyền viêm gan C từ mẹ sang con rất ít.

Bác sĩ Nguyễn Hoành Cường, Trưởng khoa Nội tổng hợp, BVĐK tỉnh, cho biết: “Viêm gan C khác viêm gan B về mặt lâm sàng, không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh cũng có thể mệt mỏi giống như cảm cúm, chán ăn, nhức đầu hoặc có các triệu chứng không đặc hiệu. Ở giai đoạn xơ gan, người bệnh có triệu chứng vàng mắt, vàng da, bụng to, hai chân phù, da sạm, ăn ít, tiểu ít, nước tiểu vàng. Còn xác định ung thư gan phải qua siêu âm, chụp CT mới thấy được các khối u, nhưng trường hợp này bệnh nhân đã bị suy kiệt sức khỏe và dễ dẫn đến tử vong. Viêm gan C chỉ phát hiện được qua các xét nghiệm như thử máu hoặc kiểm tra sức khỏe. Vì thế, nó được ví như một kẻ thù thầm lặng, chỉ đến khi bệnh chuyển sang xơ gan và ung thư gan người bệnh mới biết thì đã muộn”.

* Chưa có văc xin phòng bệnh

Một điều đáng chú ý là men gan của viêm gan C thay đổi thất thường, làm cho người bệnh và thầy thuốc chủ quan có thể bỏ sót trong vấn đề tầm soát bệnh.

Tại Hội thảo Gan Mật toàn quốc vừa được tổ chức tại TP Quy Nhơn vào cuối tháng 8, Giáo sư-tiến sĩ Hà Văn Mạo, Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam, cho biết: “Nếu người bệnh bị viêm gan B mạn tính chuyển sang xơ gan, ung thư gan tỷ lệ khoảng 20-30% thì ở viêm gan C tỷ lệ này là 60%. Trong khi ở miền Bắc phổ biến bệnh viêm gan B thì ngược lại các tỉnh phía Nam, bệnh viêm gan C lại nhiều hơn. Viêm gan C nguy hiểm hơn viêm gan B, nhưng nguy hiểm hơn nữa vì đến nay vẫn chưa có văc xin phòng bệnh”.

Những người trẻ và ở độ tuổi trung niên rất dễ mắc bệnh viêm gan C. Tiến triển của bệnh viêm gan C nhanh hơn viêm gan B nên thường bệnh nhân phát bệnh ung thư gan khi tuổi còn rất trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoành Cường, điều trị viêm gan C rất khó, phải phối hợp cùng lúc cả hai loại thuốc đắt tiền là thuốc uống Ribavirin và thuốc chích Interferon. Liệu trình điều trị viêm gan C trung bình 6 tháng, nên số tiền bỏ ra cho một bệnh nhân không dưới 30 triệu đồng, thậm chí có những phác đồ lên đến 100 triệu đồng. Vì vậy, việc điều trị bệnh viêm gan C trở thành gánh nặng cho người bệnh và gia đình họ.

Khi được điều trị khỏi, virut viêm gan C không hoạt động nữa, bệnh nhân vẫn sống bình thường, không lây lan, không có biến chứng. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh là 50 - 60%, thời gian sống của người bệnh được kéo dài trên 10, 20 năm. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh vẫn tái phát ở những người có sức đề kháng kém, người cao tuổi, uống nhiều rượu bia, mắc bệnh đái tháo đường…

Để phòng bệnh viêm gan C, cách tốt nhất là tránh lấy máu truyền trực tiếp từ người này sang người khác, đến cơ sở y tế có uy tín để mà làm các thủ thuật để tránh tình trạng lây lan virut qua các dụng cụ tiêm chích, thủ thuật làm đẹp… Đồng thời, duy trì chế độ ăn uống điều độ, thích hợp.

  • Phương Vy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Điện thoại Google chính thức xuất hiện trước công chúng  (24/09/2008)
“Ăn kiêng vô ích đối với người béo phì”  (24/09/2008)
Ăn ít muối - tốt cho sức khỏe  (23/09/2008)
Một phát hiện đáng sợ trong di truyền học  (23/09/2008)
Sữa nghi gây sỏi thận đã có mặt tại Việt Nam  (23/09/2008)
16,8% số trẻ mới sinh là con thứ ba  (20/09/2008)
Điện thoại di động điều khiển bằng sóng điện từ của não  (19/09/2008)
Dùng nước giếng khoan có thể bị nhiễm asen  (19/09/2008)
Mẹ tiêm phòng cúm, con cũng được miễn dịch  (19/09/2008)
Ngắm tranh đẹp giúp giảm đau  (18/09/2008)
Thông tin "thức ăn kỵ nhau": Giả mạo và phản khoa học!  (18/09/2008)
Việt Nam thử nghiệm thành công tạo tinh trùng từ tế bào gốc: Cơ hội cho đàn ông không có tinh trùng  (18/09/2008)
5 cách đơn giản giúp phụ nữ giảm nguy cơ chết sớm  (18/09/2008)
Thiết bị kiểm soát tiểu đường không xâm lấn mới   (18/09/2008)
Loài kiến 120 triệu tuổi  (17/09/2008)