|
Bác sĩ tư vấn cách dùng thuốc cho bệnh nhân. |
Theo báo cáo kết quả điều tra y tế quốc gia, có tới 27,4% người dân tự mua thuốc điều trị bệnh. Điều đó cho thấy, người dân vẫn chưa có ý thức sử dụng thuốc an toàn. Uống thuốc không theo đơn của bác sỹ, không đúng với bệnh rất dễ bị dị ứng ở dạng cấp tính (sốc phản vệ) - nguy cơ cao dẫn đến tử vong.
Con số giật mình
Thống kê của Bệnh viện Bạch Mai: có tới 10% trong tỷ lệ 7% dân số dị ứng thuốc ở dạng cấp tính. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ dị ứng thuốc ngày càng cao, theo các chuyên gia ngành dị ứng và miễn dịch lâm sàng, là do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường nên việc quản lý, nhập và bán thuốc gặp nhiều khó khăn. Thuốc kém chất lượng, quá hạn sử dụng thậm chí cả thuốc giả vẫn được lưu hành. Nhiều bác sỹ kê đơn thuốc chưa đúng chỉ định, chưa quan tâm đến các đặc điểm tương tác, tương kị và dị ứng thuốc. Đặc biệt, nhiều người tự ý dùng thuốc điều trị đã bị tai biến do thuốc, nhất là dị ứng thuốc, càng gia tăng. Cũng có nhiều người bị phản ứng với thuốc là do có cơ địa dị ứng, nghĩa là bố mẹ và bản thân đã hoặc đang có các bệnh dị ứng. GS-TSKH Nguyễn Năng An cho biết, các loại thuốc có nguy cơ gây dị ứng cao là Penicillin: 16,72%, tiếp đến là Ampicillin: 9,31% và một số khác cũng có tỷ lệ nhất định (Tetracyclin, Trimazol, Beseptol…). Trong 123 loại thuốc gây dị ứng, kháng sinh là nhóm thuốc gây phiền toái nhiều nhất: 53,36%, thuốc chống viêm giảm sốt (9,32%), Vitamin (7,24%), thuốc chống lao (6,55%). Địa phương có tỷ lệ bệnh nhân dị ứng thuốc cao nhất là Hải Phòng với 9,30%, sau đó là TP Hồ Chí Minh (8,85%), Hòa Bình (8,30%), Hà Nội (7,05%)...
Xử lý thế nào?
Mọi loại thuốc đều có thể gây dị ứng, ngay cả thuốc bổ hay các vitamin và thậm chí cả thuốc chống dị ứng. Vì thế, mọi người hãy chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết và theo đơn của bác sỹ; không nên tự ý mua thuốc điều trị; không dùng thuốc mất nhãn mác, thuốc đã chuyển màu, quá hạn; không mua thuốc ở những nơi không tin cậy tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Khi bị dự ứng, nếu sớm đến cơ sở y tế sẽ tránh được những tai biến. Khi vừa hoặc đang dùng thuốc mà thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường như ban đỏ, mẩn ngứa, nổi mày đay, sốt, khó thở, tím tái, tim đập nhanh, hồi hộp, ngất xỉu, da đỏ như tôm luộc, nổi mụn trên da… thì có nghĩa đã bị phản ứng với thuốc. Tại Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai) - đơn vị đầu ngành về dị ứng đã tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng thuốc rất nặng. Đơn cử như trường hợp xuất huyết 2 chân do dị ứng thuốc Ampicillin viên; loét, trợt da toàn thân giống như bỏng nặng do uống thuốc nam (gọi là hội chứng Lyell); lở loét bàn tay, chân đến tận xương do dị ứng thuốc Penicillin bôi ngoài da; nhiều bỏng nước nổi trên da, loét mắt, mũi, miệng do tra thuốc nhỏ mắt Chloramphenicol; phù mặt do dùng thuốc hạ sốt, giảm đau Analgin… Nhập viện muộn đồng nghĩa với kết quả điều trị sẽ không cao. Điều này đã được cảnh báo, tuy nhiên công tác tuyên truyền cho người dân biết cách sử dụng thuốc an toàn cũng như tìm đến cơ sở y tế điều trị sớm nếu bị phản ứng thuốc ở tuyến y tế cơ sở hiện nay vẫn gần như bỏ ngỏ... Theo GS Nguyễn Năng An, cán bộ y tế cũng ít được đào tạo lại để cập nhật kiến thức về các loại thuốc mới nhằm kê đơn hợp lý, đem lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh. Thực trạng ấy cần có giải pháp khắc phục từ cả 2 phía: bác sĩ và bệnh nhân.
. Theo HNM |