|
Ảnh:softpedia.com. |
Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện thêm nhiều bằng chứng cho thấy, hoạt động của núi lửa có thể đã tiêu diệt toàn bộ khủng long trên trái đất chứ không phải do thiên thạch rơi như các giả thuyết trước đó.
Tình trạng tuyệt chủng trên diện rộng cách đây khoảng 65 triệu năm chấm dứt sự thống trị của khủng long trên Trái đất và cũng tiêu diệt hoàn toàn 70% loài sinh vật trên hành tinh vào thời điểm đó.
Giả thuyết về việc khủng long tuyệt chủng do tác động của vụ va chạm giữa Trái đất với một thiên thạch khổng lồ được nhà vật lý Luis Walter Alvarez đưa ra vào năm 1980, theo đó vụ va chạm một hố lớn mang tên Chicxulub ở bán đảo Yucatan của Mexico. Nhà địa vật lý Glen Penfield đã tìm thấy hố Chicxulub trong một chuyến tìm kiếm dầu mỏ. Chiếc hố khổng lồ này có niên đại khoảng 65 triệu năm, trùng với thời điểm khủng long tuyệt chủng.
Tuy nhiên trong vài thập kỷ gần đây nhiều nhà khoa học cho rằng thay đổi khí hậu và hoạt động của núi lửa cũng có thể là nguyên nhân khiến khủng long tuyệt chủng. Một trong những người ủng hộ giả thiết về núi lửa là nhà địa chất học Gerta Keller của Đại học Princeton (Mỹ). Bà cho rằng khí sulfur dioxide (SO2) thoát ra từ các ngọn núi lửa tại Ấn Độ trong kỷ Phấn trắng đã tiêu diệt toàn bộ khủng long.
Gerta chỉ ra rằng, vào khoảng 63 đến 67 triệu năm trước, Trái đất từng chứng kiến sự xuất hiện của hàng trăm núi lửa khổng lồ. Nham thạch của chúng tạo nên vùng cao nguyên Deccan mênh mông ở Ấn Độ ngày nay. Theo ước tính của Gerta thì ban đầu nham thạch bao phủ một khu vực có diện tích lên tới 1,5 triệu km vuông (lớn hơn 2 lần diện tích bang Texas của Mỹ).
Khi hoạt động, núi lửa giải phóng SO2, bụi và nhiều loại khí khác vào khí quyển khiến khí hậu Trái đất thay đổi. Sự tương tác giữa SO2 với không khí khiến nhiệt độ bề mặt hành tinh giảm xuống và tạo ra mưa axit. Đó là hai thay đổi không có lợi đối với khủng long.
Sau khi giả thiết về núi lửa được công bố, nhiều nhà khoa học cho rằng sự kết hợp giữa thiên thạch và núi lửa có thể là một khả năng. Theo họ thì vụ va chạm giữa địa cầu với một thiên thạch khổng lồ là sự kiện xảy ra sau, nhưng đóng vai trò là “nhát chém cuối cùng” để đưa toàn bộ khủng long về thế giới bên kia.
Gerta và cộng sự nghiên cứu các dữ liệu địa chất ở Ấn Độ, bang Texas và Mexico để xác định vai trò của núi lửa đối với sự tuyệt chủng của khủng long. Sau khi xem xét các lớp trầm tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy tác động mà thiên thạch gây nên xảy ra vào khoảng 300 nghìn năm trước khi khủng long tuyệt chủng.
“Trong khi đó thì tác động của vùng nham thạch Deccan xảy ra ngay trước thời điểm khủng long tuyệt chủng”, Vincent Courtillot, một nhà địa vật lý của Đại học Paris (Pháp) và tham gia nhóm nghiên cứu, khẳng định.
Theo Gerta và Vincent thì khủng long bị tiêu diệt gần hết ngay sau đợt phun trào nham thạch đầu tiên. Hai đợt phun trào sau đó khiến chúng không thể phục hồi. Đến đợt thứ thư thì khủng long biến mất hoàn toàn. Vincent đã so sánh khối lượng SO2 được giải phóng khỏi hố Chicxulub và vùng nham thạch Deccan. Ông nhận thấy các ngọn núi lửa phun ra nhiều SO2 hơn.
Chẳng hạn, sự phun trào của núi lửa Pinatubo vào năm 1991 khiến bầu khí quyển của địa cầu tiếp nhận khoảng 17 triệu tấn sulfur dioxide (SO2). Hố Chicxulub cũng giải phóng từ 50 tới 500 tỷ tấn SO2, nhưng lượng SO2 thoát ra từ các ngọn núi lửa tạo nên vùng nham thạch Deccan lên tới 10 nghìn tỷ tấn.
Dựa trên những so sánh đó, Vincent cho rằng khả năng núi lửa đẩy khủng long vào tình trạng tuyệt chủng là rất lớn. "Chúng ta đã đánh giá thấp tác động của núi lửa và đánh giá quá cao vai trò của thiên thạch", Gertas phát biểu.
. Theo VnExpress/Livescience |