Bệnh viện… sẵn sàng đón Tết
14:35', 22/1/ 2009 (GMT+7)

Khi không khí rộn ràng, tất bật của ngày cận Tết tràn ngập khắp phố phường, ùa vào từng gia đình là lúc các bệnh viện tất bật với công việc trực tết và chăm lo những bệnh nhân phải ở lại “ăn tết”.

 

Khoa Hồi sức cấp cứu ngoại là đơn vị thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải trong ngày tết. Ảnh: Bảo Nguyên

 

* “Trực chiến” ở bệnh viện

Những ngày cuối cùng của năm cũ. Tại khoa Hồi sức cấp cứu ngoại, BVĐK tỉnh, các bác sĩ (BS), điều dưỡng vẫn đang vật lộn với công việc, động viên và chăm sóc bệnh nhân. Mỗi người một việc, đều đặn trong trật tự và khẩn trương.

Càng cận tết, lượng bệnh nhân nặng vào khoa càng đông do tai nạn giao thông, bệnh tật… Mọi năm, khoa chỉ cấp cứu 17-20 ca bệnh/ngày nhưng năm nay số ca bệnh phẫu thuật lên đến gần 50 ca/ngày. Các y, BS phải mướt mồ hôi gồng mình phẫu thuật cả ngày lẫn đêm. Đến thời điểm này, tại khoa còn có hơn 30 bệnh nhân nặng chưa có dấu hiệu ổn định sức khỏe. Vì thế, nỗi vất vả của các y, BS ở đây càng tăng lên gấp bội.

BS Nguyễn Văn Huấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu ngoại, BVĐK tỉnh, cho biết: “Trong những ngày này, khoa đã có sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị máy móc và thuốc men sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. Bên cạnh lịch trực chính, khoa còn bố trí lực lượng trực dự bị đề phòng trường hợp cấp cứu hàng loạt. Tất cả nhân viên đều báo cáo cho lãnh đạo khoa biết tình hình trực trong ngày bằng điện thoại. Các loại máy móc, thuốc men cũng được dự phòng đủ dùng trước và sau tết 2 tuần”.

Kinh nghiệm cho thấy những ngày tết, khoa Hồi sức cấp cứu ngoại thường xuyên quá tải bởi lượng bệnh nhân nặng ở lại khoa cộng với những trường hợp tai nạn bất ngờ liên tục nhập viện. Ngoài số bệnh nhân trong tỉnh, bệnh viện cũng thu hút rất nhiều bệnh nhân ở tỉnh bạn đến điều trị như Phú Yên, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai… Phần đông bệnh nhân nặng, đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc, điều trị tích cực. Mỗi ngày, tại khoa phải có 14 người trực liên tục.

Theo ghi nhận của chúng tôi, kế hoạch chuẩn bị phục vụ tết năm nay của các bệnh viện chu đáo hơn mọi năm. Các bệnh viện tuyến huyện cũng đã sẵn sàng, xe ô tô cứu thương luôn túc trực và lên đường khi có bệnh nhân nặng cần phải chuyển viện lên tuyến trên.

* Để tết như... ở nhà

Ngoài việc tổ chức trực, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, trong dịp tết, các bệnh viện cũng cố gắng hết sức lo cho những bệnh nhân không may mắn phải “ăn tết” tại bệnh viện được đón một cái tết ấm cúng.

BS Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, cho biết: “Dự kiến, tết này có khoảng 20 bệnh nhân phải “ăn tết” trong bệnh viện. Phần lớn, họ là những bệnh nhân nghèo, lang thang, cơ nhỡ, bệnh nhân cấp cứu…”.

Đêm 30, ngoài 100.000 đồng/người do UBND huyện hỗ trợ, lãnh đạo bệnh viện sẽ thăm, tặng quà cho tất cả bệnh nhân. Bệnh viện còn có quỹ từ thiện hỗ trợ bữa ăn cho tất cả bệnh nhân nghèo, lang thang, cơ nhỡ. Đêm giao thừa, bệnh nhân và nhân viên y tế cùng quây quần bên nhau, cũng đầy đủ trái cây, bánh kẹo…

Không chỉ có các bệnh viện đa khoa tất bật lo tết cho bệnh nhân nội trú mà các bệnh viện chuyên khoa cũng đã có kế hoạch để lo tết cho những bệnh nhân rất “đặc biệt”. Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần là một cơ sở y tế đặc thù nên việc chuẩn bị tết cho các bệnh nhân ở đây vất vả hơn các bệnh viện khác. Bệnh nhân không đủ tỉnh táo để nhận biết xung quanh nên đòi hỏi số y, BS và điều dưỡng trực tết cũng phải tăng lên để đảm bảo chăm sóc, điều trị tốt nhất cho người bệnh. 

* ...và những nỗi niềm

Ngày tết, nhân viên y tế cũng có thêm khoản này, khoản nọ. Ở Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, bình quân thu nhập tăng thêm của mỗi cán bộ nhân viên khoảng 650.000 đồng/tháng. Ngoài mức tiền trực tết được hưởng theo quy định là 67.000 đồng/ngày, bệnh viện còn phụ cấp thêm 70.000 đồng/ngày.

Nhưng, như BS Lê Thái Bình tâm sự: với những người trực Tết, dù có ưu đãi như thế nào đi nữa thì họ vẫn không khỏi chạnh lòng vì sự thiệt thòi. Đêm giao thừa, hay ba ngày Tết vui vẻ, nhiều cán bộ nhân viên y tế tâm sự mong được một cái Tết bình yên nhưng gần như cả đời vẫn không thực hiện được. Bởi vốn đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, nghĩa là họ phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề mà xã hội đã tôn vinh và dành riêng cho họ.

Áp lực ngày tết rất nặng ở bộ phận cấp cứu ngoại, bởi ngoài lượng bệnh nhân đông, họ còn chịu đựng cả những bệnh nhân và người nhà quá khích gây rối, dọa nạt. Chị Nguyễn Thị Hoàng, điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu ngoại, BVĐK tỉnh, tâm sự: “Cận tết, công việc rất nhiều. Hết chăm sóc bệnh nhân nặng lại xoay sang bệnh nhân mới vào nhập viện. Cánh nhân viên chúng tôi cứ xoay mòng mòng, đâu còn cảm giác đêm giao thừa hay ngày tết, lắm khi tủi thân…”.

  • Bảo Nguyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện ăn uống trong ngày tết  (22/01/2009)
Phát minh giúp người mù nhìn bằng ngón tay  (20/01/2009)
Phát hiện protein quan trọng trong mắt xích truyền bệnh sốt rét từ muỗi sang người  (19/01/2009)
Bí quyết sống lâu, sống khỏe, sống vui  (19/01/2009)
Bí ẩn hiện tượng song sinh  (19/01/2009)
Giả thuyết mới về nguyên nhân biến mất của khủng long  (19/01/2009)
Tết Nguyên đán sẽ rét đậm và có mưa phùn  (18/01/2009)
Bình Định có tỉ lệ cao về bệnh sán lá gan lớn ở người  (17/01/2009)
Tủ lạnh mini không tốn điện  (16/01/2009)
Không còn cấm chuyển nhượng tên miền  (16/01/2009)
Cắt ruột thừa không cần mổ ổ bụng  (16/01/2009)
Gặp gỡ cô bé “thông minh nhất thế giới”  (16/01/2009)
"Bệnh tiêu chảy cấp có thể bùng phát trở lại dịp Tết"  (15/01/2009)
Miền Bắc: Rét đậm từ nay đến Tết Nguyên đán  (15/01/2009)
Bí mật đằng sau một cuộc sống khoẻ mạnh thọ lâu  (15/01/2009)