|
Ăn nhiều đồ ăn sẵn không có lợi cho hệ tiêu hoá của trẻ. |
Gần Tết, dù bận mua sắm, trang trí nhà cửa, chị Hoà vẫn không quên dự trữ thuốc rối loạn tiêu hoá cho cậu con trai 5 tuổi. Nhớ lại năm ngoái, một tuần nghỉ Tết thì có tới 3 ngày con bị tiêu chảy, rồi sút nửa kg, chị vẫn sợ.
Bé Tôm con trai chị bình thường vốn ăn rất ngoan nhưng cứ đến Tết ở nhà với mẹ là nhất định không chịu ăn cơm, cháo gì, chỉ suốt ngày rí rách bánh kẹo, nước ngọt. Mùng 3 Tết năm ngoái Tôm bị tiêu chảy liên tục làm cả nhà tán loạn. Nhìn con sọp đi, chị Hoà xót ruột lắm.
Tuy nhiên, khi cho con đi học trở lại, chị thấy các bạn cùng lớp với Tôm đều trông có vẻ sụt cân. Bố mẹ của mấy bé chia sẻ rằng tình trạng con họ cũng chẳng khác mấy so với Tôm. Các bé chỉ thích mặc quần áo đẹp đi chơi, mải mê đến quên ăn quên ngủ.
Con không chịu ăn, hay ăn quá nhiều bánh kẹo, chất béo, uống nước ngọt... gây rối loạn tiêu hoá là nỗi lo thường trực của các bà mẹ trong dịp Tết. Theo bác sĩ Hoàng Thị Mai Dung, Trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi trung ương, những thói quen ăn uống trong dịp Tết có nhiều yếu tố không có lợi cho tiêu hoá của trẻ.
Trong những ngày này, các gia đình hay dự trữ nhiều đồ hộp, đồ làm sẵn như giò, chả, nem... và cho trẻ ăn. Các thức này thường chứa phụ gia bảo quản, nếu ăn ít thì không sao nhưng ăn nhiều sẽ gây rối loạn tiêu hoá bởi chất bảo quản có tác dụng ức chế vi khuẩn phát triển, kể cả vi khuẩn có lợi, vì thế nếu trẻ ăn nhiều có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón.
Ngoài ra, những loại nước ngọt, nước uống có ga rất sẵn trong nhà và trẻ rất thích thú cũng không tốt, vì gây ức chế dịch vị dạ dày, giảm sự tiết dịch tiêu hoá, làm đầy bụng, chán ăn.
Các loại bánh kẹo ê hề cũng sẽ hấp dẫn trẻ hơn là những đồ ăn như cơm, rau, thịt...
Theo bác sĩ Dung, trong những ngày Tết, dù bận bịu tiếp khách, vui chơi, bố mẹ cũng cần dành thời gian quan tâm, chăm sóc trẻ và lưu ý những điểm sau để đề phòng rối loạn tiêu hoá cho bé trong dịp này:
Duy trì giờ giấc ăn uống nhất định của bé: Thay đổi lịch sinh hoạt, giờ ăn, ngủ chính là nguyên nhân khiến nhiều bé biếng ăn. Đi chơi nhiều, ngủ muộn, dậy muộn... làm nhiều bà mẹ ngại nấu nướng, cho con ăn vội, ăn cùng đồ người lớn hoặc không vào giờ như ngày thường. Những điều này đều không tốt cho sự hấp thu và tiêu hoá của bé. Vì thế, bạn nên chú ý cho con ăn đúng giờ, không nên thay đổi quá nhiều so với ngày thường.
Tăng cường ăn rau trái: Trong những ngày lễ Tết, các món ăn trong nhiều gia đình thường là xào, nấu, giàu đạm và chất béo hơn bình thường. Ăn quá nhiều đạm, ít rau sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hoá cũng như hệ thần kinh của trẻ. Vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị giò, thịt, bánh... các bà mẹ cũng cần tích trữ rau và quả tươi trong nhà và bổ sung vào khẩu phần ăn của trẻ trong những ngày Tết.
Ngoài ra, trong dịp này, khi thời tiết hanh khô, trẻ chạy nhảy vui chơi nhiều nên dễ háo nước, bạn có thể ép nước dứa, nước dưa hấu, cam nóng, nước bưởi... cho con uống.
Hạn chế đồ ăn sẵn: Dù bận rộn, các mẹ cũng nên chịu khó vào bếp nấu các món mới, món ngon cho trẻ. Các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn sẵn, đồ ăn nấu đi nấu lại nhiều lần... đều có hại cho đường ruột của trẻ, nhất là trẻ nhỏ.
Xử trí khi con bị rối loạn tiêu hoá trong dịp Tết:
Nếu bé bị tiêu chảy: Bạn cần theo dõi tình trạng sức khoẻ của con, nếu xác định chính xác bé bị tiêu chảy do thực phẩm, bạn có thể tự xử trí ở nhà bằng cách:
- Cho bé uống oreson pha với nước sôi để nguội theo đúng tỷ lệ để bù nước và điện giải.
- Cho trẻ ăn thức ăn mềm, có thể chia nhỏ làm nhiều bữa, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm là: đạm, tinh bột, rau xanh, dầu mỡ trong khẩu phần ăn của bé. Nước nấu cà rốt, sữa chua... sẽ rất tốt cho bé trong thời kỳ này nên bạn có thể cho con dùng thêm.
- Tuyệt đối không tự ý cho bé uống thuốc cầm tiêu chảy vì như thế khiến các chất độc không được thải ra ngoài, càng hại cho sức khoẻ của bé.
Sau những cách trên, nếu thấy bé không đỡ, có dấu hiệu mệt lả, mất nước thì bố mẹ phải đưa con đến cơ sở y tế khám ngay.
Với bé bị táo bón: Trường hợp này cũng hay xảy ra khi các bé ăn quá nhiều đạm, chất béo, đường... mà ít ăn rau, uống nước. Các bậc phụ huynh không nên lạm dụng thuốc thụt cho trẻ mà nên cho con ăn nhiều rau xanh, nhất là các loại rau nhuận tràng như mùng tơi, rau lang. Ngoài ra, khoai lang, đu đủ hay các loại nước ép từ quả tươi nước cam, nước dứa... cũng tốt cho hệ tiêu hoá của bé. Nếu sau vài ngày thấy tình trạng bé không cải thiện bố mẹ cũng cần đưa trẻ đến bác sĩ.
. Theo VnExpress |