|
Anh Nguyễn Hùng Thanh, chủ cơ sở massage (bìa trái) đang hướng dẫn KTV massage cho khách. Em |
Trang năm nay 17 tuổi, làm nghề đã 2 năm. Quê Trang ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Từ khi lọt lòng, mắt Trang đã bị mờ. Gia đình làm nông, đông anh em, lại không muốn làm gánh nặng cho mọi người, nên Trang xin học nghề massage, bắt đầu cuộc sống tự lập. Trước khi đến Quy Nhơn, Trang đã làm việc tại TP Đà Nẵng một năm. Lương bình quân của Trang hiện khoảng 1 triệu đồng/tháng. “Chỉ đủ để chi tiền ăn uống; nhưng với người khiếm thị như tụi em, tự nuôi sống được mình đã là hạnh phúc lắm rồi…”- Trang nói.
“Ông chủ” cơ sở tên là Nguyễn Hùng Thanh, cho biết: Hiện có 6 KTV khiếm thị, quê ở các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Trị và Bình Định đang làm việc tại đây. Anh Thanh 35 tuổi, quê ở xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, hiện là Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh. Khi lên 4 tuổi, anh Thanh vĩnh viễn không còn thấy ánh sáng bởi di chứng của bệnh sởi. Có năng khiếu về đàn ghi ta, anh tích cực tham gia các phong trào văn nghệ của xã, của huyện. Năm 1993, Huyện Đoàn Hoài Nhơn giới thiệu anh đi học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng). Vào trường, anh học văn hóa và học thêm chuyên ngành phục hồi chức năng, xoa bóp bấm huyệt.
Năm 2006, tốt nghiệp sư phạm âm nhạc (hệ trung cấp), anh Thanh về công tác tại Hội Người mù TP Đà Nẵng; đồng thời, mở cơ sở massage khiếm thị tại đây. Tuy vậy, anh vẫn mong trở về quê hương làm việc. Năm 2008, anh về Quy Nhơn, mở cơ sở massage khiếm thị ở đường Nguyễn Hữu Thọ. Tuy nhiên, khu vực này vắng khách, thu không đủ bù chi. Bởi vậy, anh Thanh chuyển về số 155 đường Trần Cao Vân; khách đến đông hơn, giá thuê mặt bằng lại tương đối “mềm”.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, Huế… dịch vụ massage của người khiếm thị khá phát triển. Tuy nhiên, ở Quy Nhơn, đây là cơ sở đầu tiên.
Anh Phan Ngọc Thế Nhân, một khách hàng thường đến đây massage, nhận xét: “Mỗi lần mệt mỏi, tôi thường đến đây xông hơi, massage giải mỏi, xả stress và thấy rất hiệu quả. Nhân viên ở đây có kỹ thuật tốt, nhiệt tình. Tôi đã giới thiệu khá nhiều người đến đây. Dù cơ sở vật chất ở đây chưa được tiện nghi, thoải mái lắm, nhưng mình phải biết thông cảm. Ở Quy Nhơn, khách có nhu cầu massage theo đúng nghĩa rất lớn….”. Giá một suất massage 45 phút là 35 ngàn đồng, xông hơi: 20 ngàn đồng; trong đó, KTV được hưởng một nửa. Mức lương bình quân của các KTV từ 1-1,4 triệu đồng/tháng, tùy theo số lượng khách.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có 5.424 người khuyết tật về mắt. Trong đó, có 2.698 người mù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần được trợ cấp thường xuyên hàng tháng với số tiền khoảng 300 triệu đồng/tháng. Với hầu hết người khiếm thị, việc học nghề cũng như tìm được việc làm rất khó khăn. Theo anh Thanh, nghề xoa bóp, bấm huyệt, phục hồi chức năng cơ thể là một trong những việc làm thích hợp đối với người khiếm thị, bởi thời học nghề không lâu (khoảng 3 tháng) và có thể cầm tay chỉ việc.
Bà Đặng Thị Hồng Vân, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Năm 2009, tỉnh đã hỗ trợ chi phí cử 6 người khiếm thị ở các địa phương trong tỉnh đi Huế, Phú Yên học xoa bóp, bấm huyệt phục hồi chức năng cơ thể để về truyền dạy lại cho người khiếm thị trong tỉnh. Trong số này, có 5 người được cấp chứng chỉ; 1 người còn lại vì lý do sức khỏe nên không thể theo học. |
Anh Cao Như Ý, quê ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, đến học và làm nghề tại cơ sở này từ năm 2009, tâm sự: “Dù có thể kiếm sống được từ công việc đánh đàn organ ở các đám cưới, đám tiệc tại quê nhà, nhưng tôi thích học nghề xoa bóp, bấm huyệt, vì nghĩ sẽ ổn định hơn…”. Anh Ý còn giới thiệu em Nguyễn Văn Trường, 15 tuổi, cùng quê, vào học. Nhà Trường có 4 anh em thì đã 3 người bị khiếm thị; trong đó, 2 bị mù hẳn. Trường may mắn hơn khi thấy mờ mờ tỏ tỏ. Cha em là thương binh, bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường.
Ngoài 6 KTV đang làm việc, cơ sở đang đào tạo thêm 3 người nữa. Sáng, họ đi bán tăm, đũa tre; chiều về học xoa bóp bấm huyệt. Anh Thanh cho biết, đây là hướng thử nghiệm của cơ sở, nếu hiệu quả thì sau này sẽ nhân rộng mô hình sản xuất tăm tre, chổi đót và dạy massage cho người khiếm thị trong tỉnh.