“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng…”. Những tưởng cái sự cay đắng “chồng chung” ấy chỉ có ở thời xưa, thế nhưng trong xã hội hiện đại vẫn tồn tại những trường hợp như thế vì nhiều lẽ…
* Bị phụ thuộc kinh tế...
Ông Q. và chị H. (phường Đống Đa, Quy Nhơn) kết hôn đã lâu và có hai người con. Chị H. ở nhà nội trợ, còn ông Q. chuyên bỏ cà phê cho các quán giải khát. Những lần đi bỏ hàng, ông Q. đã quen với một nữ tiếp viên nữ quê ở miền Nam. Ông nói mình chưa có gia đình, muốn lấy cô làm vợ.
|
Sống cảnh chồng chung, người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: www.kenh14.vn |
Ông đã nhờ một người chú họ của mình và thuê luôn “dàn họ” là các bác xế xe ôm vào nhà cha mẹ cô gái xin cưới. Đám cưới rình rang diễn ra trước sự chứng kiến của họ nhà gái. Chuyện có lẽ sẽ chẳng bị lộ nếu như ông chú họ kia không hối hận, kể lại mọi sự tình với người cháu dâu. Chị H. lúc này mới “té ngửa”, vội vàng vào quê của tình địch làm cho ra lẽ trong tình trạng… sự đã rồi. Ông Q. vừa năn nỉ chị H. để yên cho “vợ bé” sinh nở, vừa dọa sẽ “cắt nguồn viện trợ” của cả nhà nếu chị làm to chuyện. Bị phụ thuộc kinh tế, chị H. đành chấp nhận. Mâu thuẫn vợ chồng giữa ông Q và chị H. ngày càng tăng khi chị thấy mình bị chia sẻ tình cảm lẫn tiền bạc. Ông Q. đã nhiều lần đánh đập vợ vì không cho ông công khai đi lại với “vợ bé”. “Chị H. không dám ly hôn vì sợ bị mất tài sản, sợ không ai chu cấp cho mấy đứa con học đại học do bản thân chị không có việc làm…” - một chị cán bộ phụ nữ phường cho biết.
Trong thực tế, trường hợp “đi không nỡ, ở không xong” như chị H. không hiếm. Nguyên nhân chính khiến họ không dám ly hôn vì bị lệ thuộc hoàn toàn kinh tế vào chồng; sợ ly hôn sẽ không có ai chu cấp tiền nuôi con; nhưng có trường hợp vì tiếc số tài sản cả đời chắt chiu phải bị chia đôi.
* Và những lý do khác...
Và còn có những lý do khác nữa, khiến người trong cuộc chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chịu cảnh “chồng chung”, như chị Quỳnh Nhi (phường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn).
Chị Nhi không có khả năng sinh nở, trong khi nhà chồng lại rất mong có cháu nối dõi tông đường. Những lần thường xuyên đi công tác ở Khu công nghiệp Phú Tài, chồng chị đã quen với một cô thợ gội đầu “chịu sinh con” cho anh. Theo sự phán quyết của mẹ chồng, chính chị Nhi là người rước mẹ con cô ta từ bệnh viện về để chăm bẵm. Chị Nhi vừa đi làm, vừa chăm nom con chồng nhưng chỉ cần làm điều gì không vừa ý “thằng cháu nội” thì bị mẹ chồng mắng chẳng tiếc lời. Bà còn xúi con trai ly dị vợ. Đã vậy, chị còn bị người vợ hờ kia cậy thế có con, thường hay cạnh khóe, bắt nạt. Bạn bè, người thân khuyên Nhi ly hôn, song chị cam chịu: “Chắc tại số mình thế. Bỏ chồng chắc đã thay đổi được gì!”.
Một số phụ nữ tình duyên trắc trở, không hạnh phúc đã chấp nhận làm “vợ hờ” để được cảm thông, chia sẻ và đôi khi để được chu cấp tài chính. Chị Hạnh, buôn bán ở chợ Đầm, hiện đang sống kiểu “già nhân ngãi non vợ chồng” với một người đàn ông đã vợ con đuề huề, tâm sự: “Tôi đã từng có chồng nên bây giờ sợ lắm cái cảnh bị thượng cẳng chân hạ cẳng tay, thà sống kiểu này còn hơn. Hợp thì tiếp tục, không hợp chia tay, chẳng phiền lụy gì đến ai…”.
* Hệ lụy
Chị Hạnh nói vậy, nhưng hàng xóm vẫn thường xuyên chứng kiến cảnh chị bị vợ, con cái của nhân tình đến nhục mạ, thậm chí còn “động tay, động chân”. Những lúc ấy, ông chồng hờ chỉ biết lánh mặt đi chỗ khác.
Những đứa con được sinh ra trong mối quan hệ không chính thức cũng phải chịu nhiều ấm ức, sống trong mặc cảm vì “thân phận không rõ ràng”. Anh Đỗ Văn Minh, 24 tuổi, được sinh ra trong một hoàn cảnh như thế, tâm sự: “Ngày nhỏ tôi luôn bị bạn bè, người đời trêu chọc. Nói thật, thương thì thương, nhưng tôi chẳng có chút tôn trọng nào đối với ba tôi…”.
Sống trong cảnh “chồng chung”, chịu nhiều thiệt thòi nhất không ai khác hơn là những phụ nữ và những đứa con. Đáng chê trách hơn cả là trong xã hội hiện đại ngày nay vẫn có những ông chồng, dù luật pháp đã quy định hôn nhân một vợ một chồng, vẫn thích “đèo bòng” gây bao hệ lụy.
|