Bán trái cây dạo
9:47', 11/2/ 2009 (GMT+7)

Nửa buổi, xế chiều, những gánh trái cây lại đi ngang các con phố lớn. Phía sau những đôi quang gánh ấy là chuyện đời - chuyện nghề của người gánh hàng, vui có, buồn có. Nghe họ, để có dịp lắng lòng và suy ngẫm về cuộc sống, dù có khi là những điều tưởng nhỏ nhặt.

* Chuyện đời - chuyện nghề

Một phụ nữ đi xe máy dừng lại trước gánh trái cây trên vỉa hè đường Lê Lợi, đoạn gần chợ Lớn hỏi mua một ký vú sữa. Chị bán hàng xởi lởi chào mời và lựa cho khách, vừa lựa vừa khen những trái mình lựa rất ngon. “Ngon thật không, sao chị biết?” - khách hỏi. Chị bán hàng cười đáp: “Tôi bán trái cây từ năm 16 tuổi, nay 50 tuổi rồi, sao hổng biết”.

 

Gần 35 năm qua, chị Thanh vẫn gắn bó với nghề bán trái cây dạo. Ảnh: N.S

 

Chị tên là Nguyễn Thị Thanh, bán trái cây dạo ở Quy Nhơn từ năm 1975 đến nay. Gần 35 năm gắn bó với đôi giỏ đựng đầy trái cây và chiếc đòn gánh, bước chân chị đã rảo khắp các con đường quen thuộc: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... Chị kể, nhà chị vốn trước ở Quy Nhơn; sau lấy chồng, chị theo chồng về Tuy Phước, nhưng vẫn gắn bó với nghề bán trái cây ở thành phố. Trừ những ngày mùa phải lo việc đồng áng, còn lại, chị đều đi bán trái cây. Một ngày của chị bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng, đón xe buýt từ Phước Lộc xuống chợ Lớn Quy Nhơn mua trái cây từ các vựa. Trung bình, mỗi ngày, chị mua khoảng 50 đến 70 kg các loại. Xong, chị gánh đến đường Lê Lợi ngồi bán. Đến giữa buổi sáng, khi lượng hàng đã vơi đi một ít, chị bắt đầu gánh đi dạo qua các con phố. Đến trưa hoặc cùng lắm là xế thì chị bán hết và đón xe buýt về nhà.

Khác với chị Thanh một chút, chị Lê Thị Phương Diệp (KV 7, phường Lê Hồng Phong) bán cả ngày, từ sáng đến chiều tối. Do bị cận thị bẩm sinh, mắt kém, nên chị Diệp thường ngồi một chỗ nhiều hơn gánh đi dạo. Trước đây, chị buôn bán nhiều thứ, sau mới trụ lại với nghề này cho đến nay và cũng đã mười mấy năm rồi. Hỏi chuyện lời lãi, chị không giấu giếm: “Mỗi ngày tôi cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, ngày rằm, mùng một (âm lịch) thì nhiều hơn. Từ khi chợ Lớn cháy, tôi mất nhiều bạn hàng, giờ đang “gầy” lại”.

Cũng bán trái cây dạo, nhưng chị Hộ (KV 5, phường Đống Đa) thay vì gánh thì dùng xe đẩy. Chị kể: “Hồi trước tôi cũng gánh, nhưng nay bị thần kinh tọa, chân đau quá không gánh được, năm rồi mới mua cái xe đẩy để đi bán cho đỡ mệt”. Hàng ngày, chừng 5 giờ sáng, chị Hộ xuống chợ Lớn mua trái cây, rồi đẩy xe dạo các con phố quanh chợ. Đến chiều tối thì chị bán xong, gởi xe đẩy lại, về nhà. Những người cùng nghề hay khen chị buôn bán giỏi, bởi chiếc xe đẩy trái cây ấy là nguồn thu chính giúp chị nuôi bốn đứa con.

* Buồn - vui với nghề

Quy Nhơn có nhiều người bán trái cây dạo và tập trung ở các phố quanh chợ Lớn. Có lẽ nhịp sống sôi động của những con phố vốn thịnh việc buôn bán lâu đời, cùng những thói quen đặc trưng trong mua bán, ăn uống của người “kẻ chợ”, đã làm nên điều này.

Mỗi người bán trái cây dạo có những con phố quen và bạn hàng riêng của mình. Tuy không có chuyện tranh giành lẫn nhau, nhưng một người thường xuyên đi đường Trần Hưng Đạo sẽ không bán được nếu chuyển qua đi đường Phan Bội Châu và ngược lại, vì không có bạn hàng và không thông thuộc đặc điểm sinh hoạt, nhu cầu, thói quen người dân nơi đó.

Tuy mùa nào thức ấy nhưng  trừ ngày rằm, mùng một (âm lịch), các ngày còn lại, những gánh trái cây dạo thường không có nhiều loại, vì chủ yếu là bán cho người mua ăn. Vì thế, trái cây bán dạo không phải là loại một, to nhất, đẹp nhất như ở các sạp trong chợ, nhưng cũng phải là loại khá và ngon. Và một điều nữa là tuy phải gánh đi nhưng giá bán thì bằng và có khi còn mềm hơn giá trong chợ để bán được số lượng nhiều.

Cũng là bán dạo nhưng có người chỉ bán từ sáng tới trưa, có người bán từ xế đến chặp tối, và cũng có người bán nguyên ngày. Vì không có lô sạp nên hầu hết người bán dạo trái cây đều lấy lượng hàng vừa đủ để bán hết trong ngày. “Cuối ngày, có khi tui chấp nhận lỗ một chút để bán hết hàng, chứ để qua hôm sau trái cây héo hơn thì cũng vậy thôi” - một chị bán dạo trên đường Trần Hưng Đạo cho biết. 

Và cũng vì không có lô sạp nên Tết là thời điểm người bán trái cây dạo khá vất vả. Chị Thanh kể: “Tết vừa rồi tôi ở luôn dưới này bốn đêm. Tối bán đến khuya, ba đến bốn giờ sáng phải ra chợ lấy trái cây, mà hàng thì nhiều nên đêm phải thức canh chứ đâu có dám ngủ”.

Hỏi chuyện nghề, chị Diệp mơ màng nhớ: “Có ai thích bán trái cây dạo đâu. Lúc còn đi học, tôi ước sau này đi dạy, hay làm cô đỡ, y tá cũng được. Nhưng do hoàn cảnh gia đình, học hành không lên cao được, nên tôi mới phải đi buôn bán. Bây giờ mắt kém, buôn bán không bằng người ta, ít năm nữa chắc tôi cũng nghỉ. Dù vậy, phải biết hài lòng với những gì mình có thì mới sống được”.

Còn chị Thanh thì cười và giải thích cơ duyên gần 35 năm gắn bó với nghề của mình: “Hồi trẻ, tôi thích bán trái cây vì cũng là buôn bán nhưng nghề này sạch sẽ. Với lại, hồi con gái, ai hỏi tôi làm nghề gì, tôi thấy thích khi nói: Em bán trái cây”.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ai Cập tìm thấy 30 xác ướp trong một ngôi mộ cổ  (10/02/2009)
Bí quyết làm đẹp từ nước vo gạo  (10/02/2009)
Nước ép từ hoa của cây chua me đất có lợi cho tim mạch  (10/02/2009)
Nghe điện thoại khi đang sạc pin dễ cháy nổ  (09/02/2009)
Gạch điện mặt trời  (09/02/2009)
“Thời điểm vàng” đoán dị tật thai nhi  (09/02/2009)
Tạo thói quen ăn uống tốt cho trẻ từ tuổi ăn dặm  (08/02/2009)
Chồng chung   (07/02/2009)
Sức sống mãnh liệt của một thành phố nhỏ  (06/02/2009)
Sét đánh nhiều hơn vì khí thải ôtô  (06/02/2009)
Khám phá cơ chế chữa bệnh của tỏi  (05/02/2009)
Ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống hoa  (05/02/2009)
Trẻ cao hơn nếu mẹ phơi nắng hè khi mang bầu  (04/02/2009)
Miền Bắc bùng phát dịch sởi ở người lớn  (04/02/2009)
Bệnh trĩ: Càng e ngại, càng thêm nặng  (04/02/2009)