Trên chiếc xe gắn máy, với bộ cần câu xếp tay gọn ghẽ, ít mồi, họ từ Quy Nhơn, thong thả xuôi về các gành, bãi, đầm ngoại vi thành phố. Tung sợi cước trên mặt nước và thư thái chờ đợi niềm vui từng chú cá quẫy đạp mắc câu đang là thú giải trí hấp dẫn người dân thành phố.
* Đi câu nào!
Không quá khó để tìm, chọn một địa điểm lý tưởng thả cần câu, bởi trông trước ngoảnh sau, ba mặt bốn bề bao bọc Quy Nhơn, đâu đâu cũng thấy những biển, đầm, gành, bãi. Quanh đầm Thị Nại, sông Hà Thanh, khu vực Bãi Xép, Hải Minh, Nhơn Lý… là những địa điểm quen thuộc mà dân câu cá giải trí thường chọn để buông cần.
|
Thú vui đi câu giải trí ngày càng được nhiều người chọn lựa. Ảnh: Sao Ly |
Câu ở địa điểm gần như quanh đầm Thị Nại, sông Hà Thanh, thì sáng sớm hay đợi xế chiều nắng ấm, đi câu trong khoảng nửa ngày. Đi câu xa ở Nhơn Lý, Hải Minh, Sông Cầu, Hòn Đất, Hòn Khô, Cát Tiến… người câu phải khởi hành quãng 5 giờ sáng, chuẩn bị đồ ăn nước uống dùng trong ngày. Nhóm câu lý tưởng độ 10 người, đi xe máy đến gửi ở xóm chài và thuê ghe của ngư dân chở đến địa điểm câu (các hòn, gành, cụm núi), hẹn giờ đón về, giá cả hai lượt đi và về khoảng 20 đến 30 ngàn đồng/người.
Câu gần thường là người trung niên, cán bộ hưu trí đã hạn chế về sức khỏe, muốn thư giãn và vận động nhẹ. Bộ phận thanh niên trẻ, khỏe, ưa khám phá những địa điểm, cảnh quan lạ và cách biệt thành phố thì chọn hình thức đi câu xa, chuẩn bị công phu, tốn kém hơn, nhưng hẳn nhiên cũng thú vị hơn.
Người đi câu lâu năm thường khuyên: Cần câu đắt tiền không giữ vai trò chính trong việc câu được nhiều cá hay cá lớn. Kiến thức cơ bản về sông nước cũng như thủ thuật câu mới là điều nên học hỏi, chuẩn bị. Hiện loại cần câu xếp tay của Trung Quốc hay Hàn Quốc giá 1,5 triệu đồng/bộ thường được nhiều người chọn sử dụng. Anh Trọng Nhân, một bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh, thâm niên trên dưới 15 năm trong làng câu, chia sẻ với tôi những kinh nghiệm khi đi câu: “Người câu có thể chủ động chọn cá mà mình muốn câu được qua việc chọn lưỡi câu và mồi thích hợp. Nếu mồi tôm sống (tôm đất, còn bơi) thì sẽ câu được những loại cá như cá mú, hồng, hanh, chẽm. Câu cá dìa, cá giò, cá róc thì dùng mồi rong hay cơm trộn chung với ruốc…”. Còn ông Nguyễn Ngọc Khuê (nhà ở đường Đống Đa) thì mách: “Lưỡi câu mới mua về còn hơi thẳng, ta dùng kiềm hách xéo qua bên phải một tí, để khi cá cắn mồi, giật mạnh lên, cá càng giãy giụa, lưỡi câu càng bám chặt. Đến nước ấy thì, mời chú mày lên bờ!”.
* Hòa mình vào thiên nhiên
Với những tay câu giải trí, thư giãn, mùa câu bắt đầu từ giữa tháng 2, khi trời bắt đầu ấm lên, cho đến giáp hè. Những buổi sáng cuối tuần, rất đông người tụ tập ở bến Hàm Tử, hay quanh các gánh cá, tôm vừa mới lên bờ khu vực chợ Đầm, vai đeo túi, họ ngồi tỉ mẩn chọn những con tôm đất tươi rói, nhảy tanh tách. Có đến ba phần đây là người đi câu đang chọn mồi.
Đại đa số người đi câu là công chức sau một tuần làm việc trí óc nặng nhọc, có nhu cầu giải tỏa căng thẳng. Anh Quốc Cường, nhân viên kế toán, cho biết: “Nhóm bạn chúng tôi gồm 12 người, độ tuổi 34, 35, công việc mỗi người tương đối căng thẳng. Cuối tuần mà lập “tao đàn” ở nhà ai hay tụ tập quán xá thể nào cũng sinh ra nhậu nhẹt, bù khú; sáng thứ hai lên cơ quan với trạng thái lừ đừ, mất đứt ngày đầu tuần làm việc không hiệu quả. Đã 5 năm nay, tháng đôi lần, chúng tôi tổ chức đi câu, địa điểm câu lâu lâu thay đổi, tạo hứng thú cho anh em”.
Chiều dạo ven bờ sông Hà Thanh, gặp bác Khuê và bác Lợi, đôi bạn già chung xóm ở phường Đống Đa (Quy Nhơn), ngồi thong thả buông câu. Bác Khuê cao hứng: “Hôm nay, trời gió, nước động, cá cắn câu ít; chứ gặp buổi gió yên, chiều chiều thế này cá rúc vô bụi, vô rìa, tha hồ giật. Thú lắm!”. Bác Lợi vừa móc mồi vừa góp chuyện: “Câu ở bờ sông, ven đầm, lâu lắm mới gặp con cá trộng trộng. Cá lớn khôn lắm, lúc nào cũng phải giữ cước thật căng, chứ dùn dây là nó giãy giụa rồi nhả câu mất”.
Thú đi câu giải trí lành mạnh như thế ngày càng được nhiều người chọn lựa vào cuối tuần.
|