Vài năm trở lại đây, khi sóng điện thoại di động (ĐTDĐ) phủ gần như kín địa bàn cả tỉnh, thì chuyện người dân nông thôn dùng ĐTDĐ đã trở nên phổ biến hơn. Quanh chuyện xài “dế” của người nông dân chân chất cũng có lắm điều thú vị…
|
Điện thoại di động không còn là một thứ xa lạ với người dân nông thôn. Ảnh: Nguyễn Văn Trang |
* Nhu cầu tất yếu
Đối với người làm ăn, buôn bán, ĐTDĐ là một phương tiện không thể thiếu. Anh Bảy Quốc (xã Hoài Hảo, Hoài Nhơn) làm nghề buôn heo, thu nhập cũng khá. Những ngày đầu ĐTDĐ phủ sóng ở Hoài Nhơn, để cạnh tranh với các thương lái có mối quan hệ rộng, anh phải sắm ngay một chiếc “Nó kìa” (Nokia) màn hình đen trắng. Anh nói: “Mình chỉ dùng để nghe gọi thôi, chứ có nghe nhạc, xem phim đâu mà mua máy hạng sang. Với lại, lỡ cái “cục gạch” này có rớt cũng chẳng hề hấn gì”. Từ dạo có “dế”, anh củng cố và tạo lập được nhiều mối quen, công việc làm ăn cũng khấm khá hẳn lên.
Không chỉ giới trẻ, người già cũng “vào cuộc”. Bác Sáu tôi ở Hoài Ân, con cháu làm ăn xa, bắt cho bác cái điện thoại bàn để tiện liên lạc. Sau mấy lần tranh cãi với “ông bưu điện” vì bảng tính cước của bác có mấy số lạ huơ lạ hoắc, bác cương quyết không dùng nữa. Bác bảo con: “Bây mua cho tao cái di động nào đàng hoàng một chút. Không đàng hoàng tao hổng xài!”. Trời, ai mà phân biệt được di động “đàng hoàng” với di động không “đàng hoàng”. Vậy là mọi người quyết định mua cho bà cái Nokia N73 sắc hồng óng ánh, có trổ hoa lá cành phía sau nhìn rất... “đàng hoàng”. Máy mang về, bác biểu anh chị chụp hình mấy đứa cháu nội, lưu vô máy, để lâu lâu nhớ cháu mở ra coi cho đỡ thèm. Có “dế”, lại thêm cái khổ là phải sắm cặp kính lão mới, nặng “đô” hơn để đọc tin nhắn. Mỗi lần nhìn bác dán cái điện thoại sát mắt, sao mà thương quá!
Giới trẻ nhiều người chọn ĐTDĐ như một phương tiện để khoe mẽ hay “hót” với nhau. Người già thường không thế. Điện thoại của hãng nào không quan trọng. Điều cần nhất là với chiếc máy be bé ấy, các cụ ông, cụ bà vẫn kết nối được với con cháu, để thấy con cháu vẫn hiện hữu gần gũi bên mình.
Cách chọn “dế” của người nông thôn có gì đặc biệt? Theo chị Trương Thị Kim Thu (phụ trách Cửa hàng Thanh Trực 2, Trung tâm Thương mại Quy Nhơn): trước đây, khi ĐTDĐ mới được đưa về nông thôn, người dân có xu hướng chọn những mẫu điện thoại giá rẻ, số khác thì chuộng dòng điện thoại đa chức năng có thẻ nhớ do Trung Quốc sản xuất. Hiện nay, với tâm lý “ăn chắc mặc bền”, người dân chủ yếu tin dùng ĐTDĐ của các hãng lớn có chế độ bảo hành tốt.
Khi mua ĐTDĐ, người dân quê đã biết chú ý đến điều kiện bảo hành. Song, vẫn còn nhiều người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, phải phụ thuộc vào định hướng của nhân viên bán hàng, nên vẫn có trường hợp mua phải những loại máy “dỏm”.
* 1.001 chuyện xài “dế”
|
“A lô! Má nó hở, tui đang ở ngoài đồng nè!”. Ảnh: ST |
Một lần về quê, bà bạn của má tôi đến chơi. Trong câu chuyện “thập cẩm”, tôi nghe được chuyện sắm ĐTDĐ cho con trai của bà. “Thằng con tui mới lên cấp ba, đòi ba má sắm cho được cái N82, nếu không, nó sẽ theo bạn bè đi bụi”. Người mẹ tội nghiệp cưng cậu quý tử, phải lén chồng chiều ý con. Có “dế” xịn, cậu ấm đâm chểnh mảng học hành. Có lần, thấy con trai cùng thằng bạn học chung lớp cứ vào phòng đóng cửa rù rì to nhỏ. Ông bố tò mò lén xem thử. Tưởng chúng tập trung học nhóm học tổ, té ra chúng nó toàn bình luận chuyện phòng the từ những đoạn phim “tươi mát” được tải về trên chiếc điện thoại. Ông tịch thu ngay, nện cho cu cậu một trận. Bà vợ cũng bị mắng “con hư tại mẹ”.
Đối với người nông dân chân chất, cái ĐTDĐ đôi khi cũng gây ra lắm nỗi phiền toái. “Dế” xịn chưa đủ, phải có nhạc chuông… độc mới “ép-phê”. Có ông mới mua ĐTDĐ, khi đến chỗ đông người thường nhắn tin về nhà kêu vợ gọi lại để “giựt le” bằng một vài kiểu chuông đỏng đảnh đại loại như: “Anh ơi điện thoại kìa, chuông điện thoại reo kìa anh!” hoặc “Anh ơi, anh à, em nhớ anh lắm, nghe điện thoại của em đi anh!”... Cũng chính vì mấy tiếng chuông có giọng nói đỏng đảnh của phụ nữ đã làm cho mấy bà vợ quê nổi máu ghen, mắng chồng ỏm tỏi.
Còn nhớ, đầu những năm 2000, ở cái xóm nhỏ của tôi, người nào tậu được “dế” là “oách” lắm. Thế mới có chuyện, một anh thợ hồ, đi đâu không biết, cứ về đến đầu xóm là móc ĐTDĐ ra alô. Nhiều lần, vừa đi xe máy vừa mải nói chuyện điện thoại, anh tông vào con gà chạy qua đường, ngã chỏng gọng. Còn nhiều vụ tai nạn giao thông khác trên các tuyến đường nông thôn xảy ra mà nguyên nhân cũng chỉ vì những “Hai lúa” chạy xe lượn lờ, một tay lái, một tay nghe ĐTDĐ.
Đến giờ, người dân quê tôi vẫn lưu truyền câu chuyện của bà Hai Mứt. Chả là, sắp Tết, anh con trai dẫn bạn gái về ra mắt. Mọi việc vẫn suôn sẻ cho đến chạng vạng, khi cô gái đi tắm. Bà cụ đang loay hoay trong bếp, chợt nghe tiếng chuột kêu trong buồng. Theo thói quen, bà lấy gậy đập lia lịa vào chỗ phát ra tiếng kêu. Tiếng kêu im bặt. Bà chắc mầm đã đánh chết một con chuột to. Đến lúc cô gái tắm xong, vào lục túi xách, mới tá hỏa vì cái O2 mới tậu bể nát. Cô dỗi bỏ ra hiên, anh con trai vừa dỗ dành người yêu, vừa trách mẹ sao vô ý. Giờ họ đã thành vợ chồng, bà có hai đứa cháu nội kháu khỉnh. Mỗi lần có ai nhắc lại chuyện xưa, bà lại lỏn lẻn cười.
ĐTDĐ đang thâm nhập vào mọi ngõ ngách, tiếp cận với mọi đối tượng. Ngoài những cái tiện lợi mà nó đem lại, cũng có lắm nỗi lo. Sắm “dế” khi nhu cầu không thật sự cần thiết, gây lãng phí tiền bạc; rồi tận dụng cái hiện đại của ĐTDĐ để truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Hay nhiều bạn trẻ đang đánh giá một con người qua sự sành điệu, qua cái ĐTDĐ đời mới cầm trên tay… Đó là những điều mà chúng ta cần xem lại. Tuy nhiên, cũng cần có cái nhìn thoáng hơn về việc dùng ĐTDĐ của người nông thôn. Bởi như mọi người, họ cũng có quyền tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Và có nên không, khi nhiều người tỏ ra khó chịu khi chứng kiến những cảnh đại loại như có bác nông dân nào đó nói oang oang vào ĐTDĐ giữa siêu thị đông người?
|