Một nhóm các nhà khoa học thuộc trường đại học Hồng Kông và Học viện Sức khoẻ quốc gia Mỹ hôm 1.3 tuyên bố họ đã phát triển thành công một loại vaccine mới chủng ngừa vi rút cúm gia cầm H5N1 từ vaccine ngừa đậu mùa.
Loại vaccine mới đã chứng minh kết quả an toàn hơn trên chuột thí nghiệm so với vaccine ngừa cúm gia cầm đang có hiện nay. Nó cũng tạo ra phản ứng miễn dịch khá nhanh và tốt với chỉ 1 liều tiêm phòng duy nhất.
Ngoài ra, vaccine này còn có thêm một ưu điểm nữa là cho phép sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn vì nó có khả năng ứng dụng công nghệ sinh học nuôi cấy tế bào. Trong khi đó, phương pháp sản xuất vaccine hiện nay chiết xuất từ trứng gia cầm đòi hỏi thời gian lâu hơn, không đáp ứng được nhu cầu lớn khi xảy ra dịch.
Trang thiết bị dùng để chế tạo vaccine đậu mùa có thể chuyển sang sử dụng sản xuất vaccine ngừa cúm gia cầm một cách dễ dàng, thuận tiện, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Chủng vi rút cúm gia cầm H5N1 đã gây bệnh cho hàng trăm người trên thế giới trong vòng 10 năm qua. Tỉ lệ tử vong lên tới 60%.
Cho đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào chết vì lây cúm gia cầm từ người sang người. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn lo ngại vi rút cúm gia cầm có thể biến thể lây từ người sang người và sẽ gây đại dịch cúm trên toàn cầu.
Nhiều nhà khoa học đã và đang tích cực tìm kiếm cách thức bào chế vaccine ngừa cúm gia cầm hiệu quả nhằm ngăn chặn đại dịch cúm có thể xảy ra.
Trường đại học Hồng Kông là một trong những nơi dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu này. Nhóm nghiên cứu đang đặt tham vọng tạo ra một loại “vaccine ngừa cúm phổ biến” có khả năng khống chế mọi phân type cúm gia cầm thuộc chủng H5.
Công trình nghiên cứu nói trên của nhóm đã được đăng trên Tạp chí Miễn dịch học (Journal of Immunology) số ra tháng 3.
|