Quang gánh đậu non
9:45', 15/3/ 2009 (GMT+7)

Đôi quang gánh kĩu kịt đưa nhịp theo bước đi của người bán cùng tiếng rao “Ai đậu không...” sẽ níu chân người nghe bằng một chén đậu non mát lòng vào giữa buổi. Không nhiều người biết rằng từ gánh đậu ấy của mẹ, nhiều đứa trẻ đã được lớn lên, no ấm, trưởng thành, nhiều gia đình không phải thiếu cơm lạt mắm vào mùa giáp hạt. 

* Nghề “mẹ truyền con nối”

“Phải dẻo chân như ngựa”, “áo mới tinh mà hai vai thì rách hết”, đó là cái cách mà bà Đoàn Thị Ngãi (69 tuổi, ở xóm 3, thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn), người có gần 40 năm bán đậu non, nói về nghề của mình.

 

Gánh đậu non đã giúp gia đình chị Năm Yến nuôi hai con học đại học. Ảnh: N.S

 

Ở Tây Sơn, thôn Phú Thọ được biết đến như một địa phương có nghề truyền thống của phụ nữ là nấu đậu non. Theo bà Ngãi, nghề này đến nay đã được truyền lại cho thế hệ thứ ba trong làng. Bà Hà Thị Sáu (xóm 3), chị em dâu với bà Ngãi, kể rằng khi về làm dâu, bà và bà Ngãi được mẹ chồng truyền cho nghề này. Rồi, bà Sáu lại truyền nghề cho các con dâu và con gái của mình.

Bây giờ, bà Sáu không còn sức để làm và gánh đậu đi bán hàng ngày như 40 năm qua bà vẫn làm. Tuy vậy, do nhớ nghề nên thứ bảy, chủ nhật, bà lại xay xay nấu nấu, rồi quang gánh xuống thị trấn Phú Phong, rảo bước qua những con đường quen, rao “Ai đậu không...”.

Để có những chén đậu non ăn vào mát và khỏe người, người làm đậu phải trải qua nhiều công đoạn. Nào lựa đậu loại tốt, phơi khô, ngâm, vo, xay, lược bỏ xác, nấu... Đậu nấu xong, được cho vào vò đất, chờ đông lại. Tuy nhiên, cái vất vả đáng nói nhất của nghề này chính là ở chỗ phải gánh đi bán dạo. Một gánh đậu gồm vò đậu và thùng đựng lỉnh kỉnh chén, thau nước, hũ đường... nặng chừng 30  đến 35kg. Mà người bán đậu nào cũng mỗi ngày hai bận sớm chiều gánh hai vò như vậy. Cứ gánh đi rao dọc các con phố, mệt thì nghỉ chân, cho đến khi hết đậu thì về. Bà Trần Thị Nghỉ, người cũng đã có thâm niên mấy chục năm trong nghề nấu đậu non, kể: “Gà gáy đã phải dậy xay đậu, nấu đậu, chuẩn bị cho gánh đậu sáng. Bán xong, trưa về lại loay hoay nấu để có gánh đậu chiều. Ngày nào cũng xoay vần như vậy”.

Theo bà Ngãi, chừng chục năm trở về trước, Phú Thọ có khoảng vài chục người bán đậu non. Đó là những năm mà phụ nữ nông thôn chưa có nhiều cơ hội việc làm như bây giờ, các thứ quà vặt, bánh trái khi ấy cũng chưa nhiều. Lúc đó, những gánh đậu đã giúp người dân nơi đây xoay xở cuộc sống.

* Gánh đậu nuôi con

Bà Hà Thị Sáu kể rằng, chồng bà mất để lại cho bà bảy đứa con. Khi ấy, cuộc sống khó khăn đến mức bà chỉ có mỗi một bộ quần áo lành lặn để dành mặc khi đi chợ, còn về nhà thì phải bận đồ rách. Vậy mà, cũng nhờ gánh đậu, bà nuôi nổi các con. Thực ra thì ngoài đậu, cũng như các nông dân khác, bà cũng làm thêm ít sào ruộng, nuôi vài con heo, con bò, nhưng chính gánh đậu đã giúp bà vượt qua nhiều khó khăn, túng thiếu trong cuộc sống. Bà nói: “Nghề đậu non có cái hay là ngày nào cũng có tiền. Nếu tính theo thời giá bây giờ thì bán hai gánh đậu sẽ lời khoảng 100 ngàn đồng. Hồi đó, tiền lời từ gánh đậu sáng tui để đi chợ, gánh chiều thì để dành mua phân vãi ruộng, lo đám tiệc, lo cho con cái...”.

Bà Đoàn Thị Ngãi cũng công nhận rằng nhờ phần lớn vào gánh đậu mà bà nuôi được năm người con khôn lớn. Nhiều phụ nữ khác ở Tây Phú cũng đã từng gánh đậu bán dạo mà nuôi được con ăn học, trưởng thành.

Tuy nhiên, bây giờ ở thôn Phú Thọ không còn nhiều người theo nghề đậu non. Những người lớn tuổi như bà Ngãi, bà Nghỉ, bà Sáu... hầu hết đã nghỉ bán vì yếu sức. Còn những người trẻ như các cô con dâu và con gái của bà Sáu thì cũng chỉ nấu đậu bán vào những ngày nông nhàn, rảnh rỗi. Còn lại, họ phải đi làm ruộng hoặc làm những công việc khác như làm phân bò, làm gạch...

Theo những người trong nghề, hiện Phú Thọ còn chưa tới chục người bán đậu, kể cả người làm theo kiểu chuyên nghiệp, tức ngày nào cũng bán và người chỉ bán lúc nông nhàn. Trong số ít những người gắn bó miệt mài với nghề hiện có chị Năm Yến (xóm 5, thôn Phú Thọ). Chị Yến năm nay 42 tuổi và mới theo nghề 12 năm nay. Chồng chị làm ruộng, rảnh thì đi làm mướn, còn chị ngày nào cũng làm đậu bán. Hai vò đậu cho chị mỗi ngày hơn 100 ngàn đồng tiền lãi. Và họ đang nuôi hai con học đại học ở Quy Nhơn và TP Hồ Chí Minh. Nói về nghề của mình, chị Yến tâm sự: “Nghề nào cũng có cái khổ của nó và mình phải biết lấy đó làm niềm vui thì mới gắn bó với nghề được. Tôi thích nghề này và sẽ làm cho đến khi nào không gánh đi nổi nữa thì thôi”.

Nói về nghề truyền thống của phụ nữ quê mình, những người lớn tuổi ở Phú Thọ cho rằng phụ nữ bây giờ có nhiều sự lựa chọn hơn trong công việc, như đi làm công nhân lò gạch hoặc đầu tư thâm canh cho đồng ruộng, chứ không chỉ biết mỗi nghề nấu đậu non. Tuy vậy, có người bỏ nghề thì cũng có người mới theo nghề nhưng rất yêu thích công việc của mình, như chị Năm Yến. Rồi cũng đã có người từ các xã khác đến đây để học nghề, dù không nhiều. Điều đó chứng tỏ, nghề đậu non vẫn còn chỗ đứng của mình trong đời sống.

Sáng chiều, những chị, những cô gánh đậu non vẫn đi rao dọc các đường phố. Hai vai áo họ cũ sờn và bước chân thì thoăn thoắt. Cũng như nhiều phụ nữ khác, họ tảo tần vì họ đang có một gia đình để lo toan và yêu thương.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
10 thói quen “huỷ hoại” sức khoẻ  (13/03/2009)
Trạm không gian ISS sơ tán khẩn cấp  (13/03/2009)
Tiến gần một bước đến cái đích “đọc được ý nghĩ” con người  (13/03/2009)
Người có trí nhớ phi thường tiết lộ bí quyết nhớ 500 con số bất kỳ  (12/03/2009)
Tuổi tác người cha ảnh hưởng tới trí tuệ con cái  (12/03/2009)
Những dấu hiệu bạn cần đi khám ngay  (11/03/2009)
Sao Diêm vương có bầu khí quyển lộn ngược  (11/03/2009)
Phát hiện thú vị về “chuyện yêu”  (10/03/2009)
Thuốc kéo dài tuổi thanh xuân  (10/03/2009)
Dùng nước tinh khiết lợi hay hại?  (10/03/2009)
5 thói quen làm chúng ta nhanh già  (09/03/2009)
Rút ngắn thời gian nhân giống hoa ly  (09/03/2009)
Vụ án xe Lexus và tiếng thở dài của GS Nguyễn Lân Dũng  (09/03/2009)
Nga kêu gọi chống chạy đua vũ trang không gian  (08/03/2009)
Các nhà khoa học Mỹ loại bỏ thành công gien ung thư khỏi tế bào gốc  (08/03/2009)