|
Bệnh nhân Th. đang điều trị bệnh xuất huyết hoại tử do rượu gây ra |
90% viêm tuỵ cấp do rượu gây biến chứng xuất huyết hoại tử, làm bệnh nhân tử vong do choáng, truỵ tim mạch, suy thận nếu không được can thiệp kịp thời.
Một nạn nhân của rượu, mới 39 tuổi, ngụ tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), vừa tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Xuân Lộc do uống rượu quá nhiều. Theo người nhà, nạn nhân cùng với một người bạn đã uống hết 3 lít rượu thì ngất xỉu tại chỗ. Sau khi sơ cứu không được, người nhà đưa đến bệnh viện nhưng đã muộn. Các bác sĩ kết luận nạn nhân chết do nhồi máu cơ tim.
Rượu: Xuất huyết hoại tử
Tại Bệnh viện Thống Nhất - TPHCM, các bác sĩ vừa mổ thành công và đang theo dõi một ca viêm tuỵ cấp có nguyên nhân từ rượu. Bệnh nhân là anh Đ.V.Th, 27 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh - TPHCM. Trao đổi với chúng tôi bên giường bệnh, anh Th. cho biết chỉ uống vài ly (không say xỉn), về nhà vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng đến đêm thì bụng đau dữ dội, đau còn hơn đau đẻ – lời bệnh nhân này nói – sau đó bụng phình to rất nhanh như phụ nữ có thai. Máu tụ bầm từng mảng quanh rốn, đau nhức toàn thân không chịu xiết. Người nhà khẩn trương đưa vào bệnh viện huyện, rồi chuyển lên Bệnh viện Thống Nhất. Tổng chi phí điều trị thời gian qua cho bệnh nhân này đã hơn 80 triệu đồng.
Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ Lê Văn Quang, người trực tiếp mổ và theo dõi cho bệnh nhân Th., cho biết: “Đây là trường hợp may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần!”. Theo bác sĩ Lê Văn Quang, cách đây một tháng, Bệnh viện Thống Nhất cũng mổ một ca xuất huyết hoại tử do rượu (bệnh nhân 46 tuổi) nhưng sau hậu phẫu đã tử vong.
Bác sĩ Lê Văn Quang cho biết, khi viêm tuỵ cấp có nguyên nhân từ rượu sẽ dẫn đến biến chứng xuất huyết hoại tử. Tỉ lệ tử vong trong trường hợp này lên đến 90% do choáng, truỵ tim mạch, suy thận nếu không được can thiệp kịp thời. Trong những ngày đầu, bệnh nhân tử vong thường do suy chức năng các cơ quan như tim, phổi, thận. Tử vong sau tuần đầu tiên thường do nhiễm trùng. Thật sự, nhiễm trùng thứ phát là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất trong xuất huyết hoại tử. 10% may mắn còn sống sót phải đối diện với nhiều di chứng như suy kiệt, giảm cân, rò tuỵ...
Rượu và những hệ luỵ nhãn tiền ai cũng biết. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng có ý thức cảnh giác với rượu, bởi khi tham gia cuộc vui người ta quên hết tác hại của rượu. Điều tra chung của Bộ Y tế tại các cơ sở y tế cho thấy, có tới 60% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia gây ra; hơn 7% bệnh nhân tâm thần, 6% bệnh nhân viêm gan xuất phát từ việc uống quá nhiều rượu.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Nếu như trên các phương tiện truyền thông, thỉnh thoảng đưa tin những cái chết do uống phải rượu dỏm, ngộ độc methanol. Các bợm nhậu có thể lầm tưởng, yên tâm khi mình uống rượu, bia biết nguồn gốc xuất xứ và tử thần không bao giờ gõ cửa. Tuy nhiên trên thực tế, đằng sau thuốc lá, rượu, bia đang là những vấn đề thời sự nóng hổi của y học thế giới. Bởi, mỗi năm, ước tính trên toàn cầu đã sử dụng khoảng 150 tỉ lít bia và gần 15 tỉ lít rượu. Bình quân mỗi người tiêu thụ khoảng 15 lít bia, rượu/năm. Người thường xuyên sử dụng rượu, bia sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ.
Theo bác sĩ Trần Ánh Tuyết, Trưởng Khoa Nội tiêu hoá Bệnh viện Nhân dân Gia Định - TPHCM, rượu, bia không chỉ là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng viêm tuỵ cấp nói riêng, còn tác động tiêu cực lên nhiều chức năng khác của cơ thể nói chung.
Rượu, bia-chất xúc tác khiến cuộc sống thăng hoa. Nhưng nếu không kiểm soát được liều lượng thì chất xúc tác này sẽ trở thành thứ độc dược làm tổn thương tế bào gan, gây xơ gan. Lâu ngày sẽ khiến chức năng gan suy giảm và nền tảng để ung thư gan phát triển. Bên cạnh đó, bia, rượu trực tiếp được hấp thu qua màng ruột, với một liều lượng quá nhiều, các dịch vị trong đường tiêu hoá sẽ bị phá hỏng. Đặc biệt đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai thì các nghiên cứu đã chứng minh rằng nếu bà mẹ nghiện rượu, bia thì có 35% nguy cơ sinh ra trẻ bị khuyết tật.
Bên cạnh đó, rượu, bia còn tác động trực tiếp lên hệ thần kinh gây nên tình trạng rối loạn hành vi, cảm xúc. Người nghiện rượu, sức khoẻ tâm thần thường sa sút với những biểu hiện giảm trí nhớ, loạn thần, ảo giác, lo âu...
. Theo NLĐ
|