Quai bị thường xảy ra vào mùa Đông Xuân và lứa tuổi dễ mắc bệnh là 5 đến 9 tuổi. Bệnh do virut gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị nâng đỡ và điều trị triệu chứng là chính.
Chỉ trong vòng hơn hai tháng, tại xã Ân Đức, Ân Tường Tây, Ân Phong và thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) đã có 120 trường hợp mắc bệnh quai bị.
Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hoài Ân, cho biết: “Khi phát hiện nhiều trẻ ở các trường mắc bệnh quai bị, nhà trường đã cho cách ly, cho trẻ nghỉ học để tránh lây bệnh cho trẻ khác. TTYT huyện đã tiến hành giám sát, triển khai truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng và xử lý môi trường bằng hóa chất Chloramin B”.
Điều đáng nói, sau khi tiếp xúc với virut quai bị khoảng 14 đến 24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, sốt, đau họng và đau góc hàm. Tuyến mang tai có thể sưng một hay hai bên. Nếu sưng cả hai bên thì hai tuyến có thể sưng không cùng lúc, tuyến hai bắt đầu sưng khi tuyến một đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm. Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không đỏ. Bệnh nhân có cảm giác khó nói, khó nuốt.
Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm: “Bệnh quai bị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm mào tinh hoàn, có thể xảy ra trước, trong hoặc sau khi sưng tuyến nước bọt và đôi khi ngay cả trong trường hợp không có sưng đau tuyến nước bọt. Đây là biến chứng thường gặp nhất, đặc biệt ở bé trai tuổi dậy thì và thanh niên. Người bệnh đột nhiên sốt cao, nhức đầu, mê sảng, ói mửa, đau bụng, tinh hoàn sưng to”.
Ngoài ra, viêm tụy, chiếm tỉ lệ 3-7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Người bệnh bị đau bụng nhiều, ói, có khi tụt huyết áp. Đối với những phụ nữ bị quai bị trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng. Ngoài ra, còn có một số biến chứng khác như viêm cơ tim, viêm tuyến giáp...
Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh quai bị mà không có triệu chứng bệnh lý, đây là những người có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo cách ly bệnh nhân khi phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ nuốt, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, cho uống thuốc Paracetamol để hạ sốt. Trường hợp viêm tinh hoàn, nên mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau. Nên tiêm vacxin để phòng bệnh quai bị để tránh mắc bệnh.
Trước tình hình bệnh quai bị ngày càng gia tăng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã đề nghị các TTYT, phòng y tế huyện khẩn trương đẩy mạnh hoạt động giám sát dịch tễ các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại địa bàn quản lý, chú ý giám sát tại các trường học, bệnh viện và trạm y tế; phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời...
|