Bệnh lao - hiểm họa của cộng đồng
9:34', 19/3/ 2009 (GMT+7)

Không chỉ lao kháng thuốc và tái phát, mà ngay cả những bất cập trong việc điều trị bệnh nhân, cũng làm cho bệnh lao ngày càng nguy hiểm hơn trong cộng đồng.

 

Điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao - Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: Thu Hiền

 

* Nguồn lây nguy hiểm

Theo PGS-TS. Đinh Ngọc Sĩ, Giám đốc Bệnh viện Lao - Bệnh Phổi Trung ương, cả nước hiện có khoảng 3,8% bệnh nhân lao bị kháng thuốc, trong đó tỉ lệ bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc tăng ngày một nhanh. Mức 3,8% chưa phải là cao so với thế giới nhưng đây là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gia tăng bệnh lao trong cộng đồng.

Ở Bình Định, ngành y tế chưa có điều kiện trang bị labo xét nghiệm để làm kháng sinh đồ xác định bệnh nhân lao kháng thuốc. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân lao tái phát chiếm tới 6%/năm. Theo Bệnh viện Chuyên khoa Lao - Bệnh phổi tỉnh (BVCKL&BP), hàng năm tại Bình Định phát hiện khoảng 6% trường hợp lao tái phát. Cụ thể, năm 2007 phát hiện 1.084 trường hợp mắc lao thì có 146 ca tái phát, chiếm tỉ lệ 7,4%. Năm 2008, bệnh viện phát hiện 1.072 trường hợp mắc lao thì có 124 trường hợp tái phát, chiếm tỉ lệ 6,2%. Đây là số bệnh nhân mắc bệnh lao đã được điều trị nhưng tái phát trở lại và là nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng sự lây lan của bệnh lao trong cộng đồng. Và chắc chắn, trong số những bệnh nhân tái phát có khá nhiều bệnh nhân kháng ít nhất là hai loại thuốc trở lên.

Bác sĩ Đỗ Phúc Thanh, Phó Giám đốc BVL&BP, cho biết: “Lao kháng thuốc nguy hiểm hơn HIV. Chỉ cần một người mắc thì có thể lây cho 10 đến 15 người theo đường hô hấp nên vấn đề dự phòng rất khó khăn. Vì thế, nếu không ngăn chặn kịp thời rất có thể sẽ xuất hiện chủng vi khuẩn lao kháng siêu thuốc, trở thành hiểm họa cực kỳ nguy hiểm đối với cộng đồng. Mặt khác, những bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa không được phát hiện và điều trị kịp thời cũng là nguyên nhân khiến cho quá trình điều trị thất bại do lao kháng thuốc tăng lên”.

Có rất nhiều nguyên nhân lao kháng thuốc, trong đó, việc điều trị không đúng phác đồ là nguyên nhân quan trọng. Điều đáng nói, hiện nay, thị trường thuốc điều trị bệnh lao chưa được quản lý chặt chẽ, thuốc kém chất lượng trôi nổi trên thị trường nhiều, nên một số người mắc bệnh tự ý mua thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ và tự điều trị không theo phác đồ, dẫn đến bệnh nhờn thuốc, phát sinh chủng vi khuẩn kháng thuốc. Mặt khác, tư tưởng kỳ thị, thành kiến với những người mắc bệnh lao cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho những người mắc bệnh lao có tâm lý sợ hãi, không dám đến cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm.

* Bất cập trong điều trị bệnh nhân

Không chỉ lao kháng thuốc và tái phát mà ngay cả những bất cập trong việc điều trị bệnh nhân cũng làm cho bệnh lao ngày càng nguy hiểm hơn trong cộng đồng.

Quy định hiện nay, người bệnh muốn đến khám tại BVL&BP phải có giấy giới thiệu nơi đăng ký ban đầu thì mới được thanh toán tiền khám bệnh. Nghĩa là, những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa muốn khám bệnh lao và bệnh phổi, phải qua bệnh viện tuyến huyện để lấy giấy giới thiệu, rồi mới được chuyển đến BVL&BP để khám.

Tuy nhiên, ngoài việc phải đi lại tốn kém và mất thời gian, trong thời gian qua, một số bệnh viện tuyến huyện đã có tình trạng giữ bệnh nhân nghi nhiễm lao lại điều trị, khi điều trị không khỏi mới chuyển bệnh nhân lên bệnh viện chuyên khoa thì bệnh nhân đã nặng, bị suy hô hấp, tràn khí màng phổi.

Bác sĩ Đỗ Phúc Thanh phân tích: “Chúng tôi thường xuyên cấp cứu những trường hợp bệnh nhân đã qua điều trị nhưng không khỏi mà bệnh ngày càng nặng hơn. Có nhiều bệnh nhân đã nằm điều trị ở bệnh viện tuyến huyện hai tuần liên tục mới được chuyển lên bệnh viện chuyên khoa, thậm chí có một số bệnh nhân bệnh nặng mới được chuyển viện. Đối với những trường hợp mắc bệnh lao, các cơ sở y tế cần phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị càng sớm càng tốt”. 

Trước những bất cập nói trên, BVL&BP đã có tờ trình Sở Y tế về việc bỏ quy định giấy giới thiệu giấy chuyển viện đối với bệnh nhân có thẻ BHYT mắc bệnh lao, để việc điều trị bệnh được tốt hơn, tránh tình trạng kháng thuốc hay bỏ điều trị. Đồng thời, đề nghị các đơn vị chuyển sớm khi có trường hợp xét nghiệm BK đờm, X quang tổn thương phổi nghi lao để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh nhân nặng và lây lan trong cộng đồng.

  • Hiền-Phương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xuất hiện bệnh quai bị ở Hoài Ân  (19/03/2009)
Phát hiện bất thường hệ thần kinh thai nhi qua MRI  (18/03/2009)
Chế tạo thành công máy phun thuốc nông nghiệp  (18/03/2009)
Anh: Giới trẻ lướt web nhiều gấp 3 lần mức phụ huynh ước lượng  (17/03/2009)
10 hiểu sai về giấc ngủ của bé  (17/03/2009)
Việt Nam sẽ xét nghiệm dầu gội Johnson’s Baby  (17/03/2009)
Nữ hoàng Cleopatra là “người gốc Phi”  (17/03/2009)
Những quan niệm sai lầm khi sử dụng trứng  (16/03/2009)
Hậu quả khôn lường từ rượu  (15/03/2009)
Tạo giống gà mới mang gen khủng long  (15/03/2009)
Quang gánh đậu non   (15/03/2009)
10 thói quen “huỷ hoại” sức khoẻ  (13/03/2009)
Trạm không gian ISS sơ tán khẩn cấp  (13/03/2009)
Tiến gần một bước đến cái đích “đọc được ý nghĩ” con người  (13/03/2009)
Người có trí nhớ phi thường tiết lộ bí quyết nhớ 500 con số bất kỳ  (12/03/2009)