Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của trái đất ấm lên
18:36', 23/3/ 2009 (GMT+7)

Giáo sư Võ Quý, một trong ba đại sứ của Giờ trái đất Việt Nam, cho rằng việc tắt điện trong chiến dịch này chỉ kéo dài 60 phút nhưng có ý nghĩa lâu dài đối với nỗ lực chống lại hiện tượng ấm lên toàn cầu, mà Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

- Là người tâm huyết với việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, được nhận nhiều giải thưởng quốc tế, cảm giác của giáo sư khi trở thành một trong 3 đại sứ của Giờ trái đất Việt Nam?

 

Giáo sư Võ Quý, đại sứ chiến dịch Giờ trái đất Việt Nam. Ảnh: vacne.org.vn

 

- Là một vinh dự rất lớn đối với tôi, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Tôi nghĩ đợt vận động này chỉ diễn ra trong 60 phút, nhưng có ý nghĩa quan trọng và lâu dài là mọi người trên trái đất cùng đồng lòng, chung sức mới tạo nên một sức mạnh lớn có thể làm giảm được tốc độ nóng lên toàn cầu, làm nhẹ bớt sức tàn phá của thiên tai, giảm bớt những tổn thất khó lường của biến đổi khí hậu. Vì những lợi ích trực tiếp và gián tiếp của bản thân, cả xã hội và nhiều thế hệ con cháu mai sau, chúng ta tích cực hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất.

- Từng dành 6 tỷ đồng tiền thưởng của giải “Hành tinh xanh” cho công tác bảo vệ môi trường, trong chiến dịch Giờ trái đất 2009, Giáo sư sẽ có những hoạt động thiết thực gì?

- Tôi đang cố gắng cùng ca sĩ Mỹ Linh và MC Anh Tuấn (hai đại sứ khác của Giờ trái đất Việt Nam) góp phần mình động viên mọi người hưởng ứng đợt vận động quan trọng này, tiết kiệm điện nhằm giảm bớt việc phát thải khí nhà kính, góp phần với nhân loại ngăn chặn thảm hoạ do biến đổi khí hậu gây ra.

Tôi đã giáo dục con cháu tiết kiệm điện, tắt điện mỗi khi không cần thiết và tôi luôn gương mẫu để mọi người trong gia đình noi theo. Cùng với các đồng nghiệp, tôi tiếp tục những công việc liên quan đến bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, giúp các địa phương hồi phục và sử dụng lại hữu hiệu những vùng đất bị suy thoái do chất độc hoá học trong chiến tranh và tham gia đào tạo đội ngũ khoa học trẻ, góp phần nhỏ bé của mình giảm bớt tổn thất do nóng lên toàn cầu.

- Giáo sư nhận định thế nào về tác động của hiện tượng trái đất ấm dần lên đối với môi trường cũng như con người Việt Nam vào thời điểm hiện nay cũng như trong những năm tới?

- Tôi tin rằng hiện tượng trái đất đang ấm dần lên là rõ ràng, xác thực. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do con người tạo ra, hậu quả của các hoạt động phát triển kinh tế thiếu hiểu biết về các quy luật tự nhiên. Thiệt hại gây ra do nóng lên toàn cầu, không trừ nước nào trên thế giới, chủ yếu là những nước đang phát triển thuộc vùng châu Á nhiệt đới, trong đó có nước ta.

Giờ trái đất là chiến dịch toàn cầu của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng tắt đèn trong một giờ từ 20h30 đến 21h30 ngày 28/3 để ủng hộ nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Chiến dịch khởi xướng tại Sydney năm 2007 với sự tham gia của 2 triệu người. Năm 2008, hơn 50 triệu người trên thế giới tham gia. Năm 2009, Giờ trái đất hướng tới con số 1 tỷ người tại 1,000 thành phố tham gia.

Các nhà khoa học trên thế giới và trong nước khẳng định Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Hiện nay nhiệt độ trái đất mới tăng lên khoảng 0,7 độ C, mực nước biển dâng lên khoảng 20 cm, mà trong mấy năm qua, lũ lụt, hạn hán, bão tố ở nước ta đã xảy ra thường xuyên hơn với mức độ tàn phá nghiêm trọng hơn; triều cường ở TP HCM cũng nhiều hơn và cao hơn, gây nhiều rắc rối cho người dân thành phố.

Dự kiến, vào cuối thế kỷ 21, mà cũng có thể sớm hơn, mực nước biển có thể dâng cao 1 mét, Việt Nam sẽ mất hơn 12% diện tích đất đai, nơi cư trú của 23% số dân. Nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi sẽ ảnh hưởng nền nông nghiệp và nguồn nước. Thay đổi chế độ mưa có thể gây lũ nghiêm trọng vào mùa mưa, và hạn hán vào mùa khô. Gia tăng về cường độ và tần suất các cơn bão, giông tố gây lũ lớn và ngập lụt, lũ quét, trượt lở đất và xói mòn và còn rất nhiều tổn thất nghiêm trọng khác nữa mà chúng ta khó lường trước được.

- Ông nhìn nhận thế nào về ý thức bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam?

- Ý thức bảo vệ môi trường của người Việt Nam còn thấp, do không được tiếp cận với những nguồn thông tin mới. Điều hết sức quan trọng là phải có biện pháp tuyên truyền, giáo dục mọi người những kiến thức về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm tiêu dùng trong thời đại mới này, vì nguồn tài nguyên của nước ta là có hạn, mà nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người chúng ta và cả xã hội.

Trên thế giới hiện có 177 đại sứ của chiến dịch Giờ trái đất, gồm những người nổi tiếng trong các lĩnh vực như ban nhạc Coldplay, diễn viên Cate Blanchett, ca sĩ Alanis Morisette (Giờ trái đất Mỹ), cầu thủ Nuno Gomes (Giờ trái đất Bồ Đào Nha), ca sĩ Coco Lee, nghệ sĩ piano Lang Lang (Giờ trái đất Hong Kong), ca sĩ Yannick Noah (Giờ trái đất Pháp)...

Tôi tin rằng mọi người trong chúng ta, khi có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và tất cả cùng chung sức thực hiện, thì chúng ta có thể vượt qua được những khó khăn đang phải đối đầu.

- Để hạn chế ảnh hưởng này, mỗi người Việt Nam nói riêng và người dân thế giới nói chung cần có hành động như thế nào

- Sự biến đổi khí hậu toàn cầu, trái đất đang ấm dần lên là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất về môi trường mà nền văn minh nhân loại từng đối mặt từ trước đến nay. Xã hội loài người phải có nhận thức đúng đắn hơn về môi trường, để kịp thời có những thay đổi trong phong cách sống và cách tiêu thụ năng lượng sao giữ được môi trường trong lành và ổn định.

Mỗi người chúng ta tích cực thực hiện công việc trên, đồng thời khuyến khích, nhắc nhở những người khác cùng tham gia. Đừng chần chừ nữa, chúng ta phải hành động ngay khi còn chưa quá muộn. Đã đến lúc, ý thức bảo vệ môi trường phải trở thành một nét đạo đức quan trọng trong thời đại hiện nay.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ nhân điểm huyệt Thái Ngọc Kiến  (22/03/2009)
Gmail là dịch vụ đầu tiên cho phép thu lại e-mail vừa gửi  (22/03/2009)
Nữ cảnh sát vì sự bình yên của khu phố   (22/03/2009)
Giảm béo: Đừng lạm dụng chất chua  (20/03/2009)
Phú Quốc trồng rau sạch theo công nghệ Israel  (20/03/2009)
Thử nghiệm thành công xe ô tô bay  (20/03/2009)
Tốc độ đi bộ lý tưởng để giảm cân  (20/03/2009)
Từ 2009, Việt Nam triển khai Luật Đa dạng sinh học  (19/03/2009)
Nấm và trà xanh: Thần dược giảm ung thư vú  (19/03/2009)
Đưa công nghệ mới vào đồng ruộng  (19/03/2009)
Bệnh lao - hiểm họa của cộng đồng  (19/03/2009)
Xuất hiện bệnh quai bị ở Hoài Ân  (19/03/2009)
Phát hiện bất thường hệ thần kinh thai nhi qua MRI  (18/03/2009)
Chế tạo thành công máy phun thuốc nông nghiệp  (18/03/2009)
Anh: Giới trẻ lướt web nhiều gấp 3 lần mức phụ huynh ước lượng  (17/03/2009)