Cuộc suy thoái kinh tế đang diễn ra không chỉ gây lên tình trạng sa thải nhân công nghiêm trọng, buộc hàng triệu người Mỹ phải bước ra khỏi ngôi nhà từng là nơi cư ngụ của họ. Vốn nổi tiếng tiêu xài thoải mái, “siêu cường quốc” này, giờ phải học cách chi tiêu tiết kiệm. Có thể nói, xã hội Mỹ đang thay đổi dữ dội dưới tác động từ vấn đề kinh tế.
|
Tại Mỹ, nghề sửa giày đang làm ăn phát đạt trong thời khủng hoảng.
|
Thực phẩm rẻ, thức ăn nhanh “lên ngôi”
Cuộc đụng độ giữa lối sống Mỹ hiện đại và một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ năm 1930 đã gây ra những hệ luỵ ít ai ngờ. Đơn cử như tại vùng Alpine- bang Utah, một trường học đã phải huỷ toàn bộ lớp 6 và gộp những đứa trẻ ở lớp này với lớp 7 để giảm bớt chi phí. Cơ quan Bưu chính Mỹ đang cân nhắc việc cắt giảm hoạt động đưa thư xuống còn tuần/một lần cho đỡ tốn kém. Trong lúc đó phần lớn các trường trung học ở New York sẽ giảm bớt số trò chơi mà các đội thể thao của họ tham gia thi đấu trong năm nay.
Suy thoái kinh tế dường như cũng khiến người Mỹ “xích lại” gần nhau hơn, số vụ ly hôn giảm đáng kể. Hiệp hội các luật sư liên quan tới vấn đề hôn nhân Mỹ cho hay: Số ca ly dị ở nước này đã giảm đi rõ rệt, do nhiều người không thể tự trang trải cho bản thân nếu sống một mình. Larry Curry, một chuyên gia về tâm lý gia đình cho biết: Suy thoái kinh tế dường như đã đẩy các cặp vợ chồng gần nhau hơn trước, họ bớt cãi vã và đã chịu nhường nhịn nhau để cùng chung sống...
Các nghiên cứu cũng cho thấy, khủng hoảng tài chính đang khiến người Mỹ mập ra. Không ít người cho biết họ đã ăn nhiều hơn để giảm bớt căng thẳng do suy thoái gây ra. Vì thế, các thực phẩm rẻ và đồ ăn nhanh được tiêu thụ mạnh chưa từng thấy.
Bớt xử tử cho đỡ… tốn kém!
Sau nhiều năm tranh cãi liên quan tới vấn đề đạo đức trong việc xử tử tù nhân, cuối cùng nhiều bang ở Mỹ đã cân nhắc việc ngưng án tử hình, không phải do các nhà làm luật thấy day dứt lương tâm mà vì... quá tốn kém. Theo ước tính của các chuyên gia, tiến trình xử tử một người, dù chỉ kéo dài 10 phút, nhưng có chi phí đắt hơn 10 lần so với việc giam giữ chung thân một tù nhân. Đó là chưa kể tới việc hoạt động kháng án của tử tù có thể khiến chính quyền bang phải xì ra những khoản tiền khổng lồ liên quan tới phí pháp lý. Việc giam giữ và canh gác các tử tù cũng tốn kém hơn nhiều so với các tù nhân thông thường.
Vì lẽ đó, tại bang Kansas, nghị sĩ Caroline McGinn của đảng Cộng hoà đã đề xuất đạo luật đề nghị bãi bỏ án tử hình từ tháng 7 năm nay nhằm giảm thâm hụt ngân sách bang. Tương tự, các chính trị gia bang New Mexico cũng hy vọng sẽ thông qua đạo luật bỏ án tử hình trong năm nay. Bang này mới chỉ xử tử một tù nhân trong 30 năm qua và hiện có hai người chờ được xử tử. Dự kiến, bang sẽ tiết kiệm được 1 triệu USD nếu đạo luật được thông qua.
Đơn cử như bang Michigan đã phải chi mỗi năm 32.491 USD cho việc ăn ở, và các dịch vụ khác cho một tù nhân. Số tiền này nhiều gấp 4 lần rưỡi số tiền bang này chi cho việc giáo dục mỗi trẻ em hàng năm.
Trước khoản thâm hụt ngân sách bang lên tới 1,6 tỷ USD, Thống đốc bang Michigan Jennifer Granholm đang lên kế hoạch trả tự do cho 12.000 tù nhân tại các nhà giam của bang. Để làm việc đó, bà Thống đốc đã tăng số thành viên trong hội đồng tha bổng tù nhân của bang từ 10 lên 15 người và họ có trách nhiệm rà soát và tha sớm những tù nhân mắc các tội không liên quan tới bạo lực và đã thực hiện mức hình phạt tối thiểu.
Sau khi thả bớt tù nhân, chính quyền bang tin rằng họ có thể đóng cửa vài trại giam và cho nghỉ việc khoảng 1.000 giám thị, tiết kiệm khoảng 120 triệu USD cho năm tài khoá 2009-2010. Ít nhất 6 bang đã cân nhắc hoặc bắt đầu thực hiện chương trình phóng thích tù nhân để hạn chế thâm hụt ngân sách phình to.
|
Nhiều tù nhân sẽ được trả tự do để giảm bớt gánh nặng ngân sách.
|
Tổng thống cũng không “thoát”
Vấn đề kinh tế còn gây ảnh hưởng tới cả giới lãnh đạo cấp cao ở Mỹ.
Vào cuối tháng 2, Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu Bộ Quốc phòng xem xét lại chi phí chế tạo những chiếc trực thăng Marine One dành riêng để phục vụ ông. Quyết định được đưa ra sau khi có lời than phiền rằng việc sản xuất những chiếc máy bay này ngốn một khoản tiền kỷ lục. Theo đó, Hải quân đã đặt hàng hãng Lockheed Martin chế tạo 28 chiếc trực thăng. Chi phí ban đầu cho dự án này vốn là 6 tỉ USD, đã tăng vọt lên 11,2 tỉ USD.
Mỗi chiếc trực thăng giờ đã có chi phí khoảng 400 triệu USD, tức là nhiều hơn cả chi phí chuyển đổi hai chiếc Boeing 747 trở thành Không lực một. Các trực thăng mới sẽ được xây dựng dựa trên mẫu EH - 101 của Lockheed. Thế hệ trực thăng mới được cho là sẽ cung cấp cho ông Obama sự bảo vệ tốt hơn, tầm bay lớn hơn các mẫu Sikorsky hiện nay, một số đã có tuổi đời gần 40 năm.
Làm vườn thời khủng hoảng- Lợi cả đôi đường
Nhằm tiết kiệm chi phí sinh hoạt, nhiều người Mỹ đã trở lại với truyền thống khi trồng rau ở sân sau nhà họ. Các cuộc khảo sát công nghiệp gần đây cho thấy có một sự tăng trưởng với tốc độ hai con số trong bộ phận những người làm vườn nghiệp dư. Các công ty nhận chuyển hạt giống qua đường bưu điện cũng lâm vào cảnh “cháy” nhiều loại hàng như như giống hành tây, cà chua và tiêu.
Những người cổ suý cho việc làm vườn, đã gọi xu hướng mới này là “làm vườn thời khủng hoảng” và họ hy vọng nó sẽ trở thành thứ gì đó giống phong trào làm vườn thời hậu thế chiến thứ hai.
Theo thống kê của Hội làm vườn quốc gia, một vườn rau được chăm bón tốt có thể mang lại thu nhập trung bình 500 USD/năm. Một nghiên cứu khác do công ty kinh doanh hạt giống Burpee Seeds cho hay, cứ mỗi 50 USD đổ vào hoạt động làm vườn, người ta có thể thu được số sản phẩm trị giá 1.250 USD. Đó quả là một món tiền không nhỏ trong thời khủng hoảng hiện nay.
|
Chị Adriana Martinez, một kế toán người Mỹ, đã tiết kiệm được 40 USD mỗi tuần kể từ khi trồng rau ở sân sau nhà chị.
|
Miễn nhiễm với khủng hoảng
Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn như thế này, vẫn có những người ăn nên làm ra. Thợ sửa giày, thợ sửa quần áo và các tiệm sửa xe ở Mỹ hiện đang ngập trong hàng núi công việc. Thay vì mua một đôi giày mới, bộ cánh mới hay chiếc xe mới, người ta chỉ việc lôi đồ cũ ra và sửa.
Tại tiệm sửa giày Mount Lookout ở Cincinnati, bang Ohio, anh Matt Switzer cho biết tiệm của anh đã phải nhận tới 100 đơn đặt hàng một ngày. “Rất nhiều người tới và nói rằng thà họ bỏ 40 USD để sửa một đôi giày còn hơn chi 100 USD cho một đôi mới” - anh nói. Còn Brooke Wilson, một thợ sửa giày ở Dallas cho biết, hoạt động kinh doanh của chị đã tăng 75% kể từ cuối năm ngoái...
Không chỉ có giày dép, quần áo đắt tiền cũng được mang ra sửa. Theo Viện dịch vụ giày dép Hoa Kỳ, việc người dân mang giày cũ đi sửa không chỉ đem lại lợi ích cho túi tiền của họ mà còn cho cả môi trường. Được biết khoảng 7.000 tiệm sửa giày ở Mỹ đã giúp người dân không ném bỏ ra các bãi rác 62 triệu đôi giày mỗi năm. Nhưng với những khách hàng như bà Ciel Phukay, môi trường rõ ràng không phải là nguyên nhân để bà sửa đôi giày cũ. “Giờ ai cũng gặp khó khăn. Chẳng ai có đủ tiền để mua thứ gì nên tất cả đều phải sửa đồ đang có để sử dụng, thay vì phải mua những món đồ mới” - bà Phukay thổ lộ.
|