Từ nhiều năm qua, tình trạng bạo lực gia đình xảy ra không ít ở huyện Vĩnh Thạnh. Nhiều chị em vì xấu hổ, vì con cái nên ít khi báo cáo với chính quyền hoặc các tổ chức, đoàn thể ở địa phương để kịp thời ngăn chặn. Nhưng nay thì tình hình đã khác.
Theo ghi nhận từ các buổi tọa đàm về tình trạng bạo lực gia đình của các cấp Hội phụ nữ Vĩnh Thạnh tổ chức mới đây (nhân đợt tuyên truyền phổ biến Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình), nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình chủ yếu là do kinh tế khó khăn; con cái học hành sút kém; thành viên trong gia đình mắc tệ nạn xã hội; do những tập tục, những quan niệm lạc hậu hoặc người chồng gia trưởng; do các ông chồng uống rượu say không làm chủ được bản thân… Bạo lực gia đình xảy ra dưới nhiều hình thức: bạo lực tay chân, bạo lực bằng lời nói, bạo lực trong tình cảm và cả bạo lực tình dục. Các cặp vợ chồng cũng đều công nhận rằng, nguyên nhân bạo lực gia đình xuất phát từ cả hai phía, hoặc vợ hoặc chồng.
Gia đình chị H. (ở thôn Định Bình, thị trấn Vĩnh Thạnh) là một ví dụ. Sau mấy năm đầu chung sống hạnh phúc, vợ chồng chị bắt đầu có những bất hòa vì đời sống kinh tế khó khăn. Chồng chị thường xuyên uống rượu, cứ mỗi lần say về là sinh chuyện. Trong một lần như thế, chị H. đã bị chồng đánh gãy tay phải bó bột. Chị H. bỏ về nhà mẹ đẻ sống một tháng, sau đó quay lại tiếp tục chung sống cùng chồng. Lần đó, chị H. cũng đã có đơn gửi lên chính quyền và Hội LHPN huyện nhờ can thiệp, nhưng sau đó, chị lại chủ động rút đơn vì không muốn cảnh gia đình “tan đàn xẻ nghé, con cái gần mẹ xa cha”.
Bạo lực gia đình không chỉ có ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn xuất hiện ở những gia đình có đời sống ổn định, trình độ học vấn cao. Chuyện nhà anh T. chẳng hạn. Cả hai vợ chồng anh T. đều là công chức. Và cứ mỗi lần nhậu về là anh T. lại “triệu tập” cuộc họp gia đình mà không một thành viên nào được vắng mặt. Tối qua vừa họp, hôm nay vẫn họp và không loại trừ ngày mai lại họp tiếp nếu có ai đó rủ đi nhậu. Và tất nhiên những lần họp này chỉ có mình T. được nói, được phê bình các thành viên trong gia đình. Chuyện từ lâu cũng được nhắc đi nhắc lại. Cuộc họp kéo dài cho đến lúc T. mệt quá không thể mở mắt và không thể nói được nữa.
Chuyện nhà anh B. cũng khiến nhiều người biết chuyện vừa buồn cười, vừa tức giận. Cứ sau mỗi chầu nhậu túy lúy về, B. lại bắt cả gia đình 4 người lớn nhỏ phải cùng ngủ trên một chiếc giường chật chội bề ngang chỉ 1,2m. Mùa Hè cũng như mùa Đông, tất cả các thành viên đều phải răm rắp tuân theo. Bây giờ, khi sắm được điện thoại di động, B. lại thêm vào tiết mục “ca nhạc bắt buộc” từ điện thoại, ai lỡ ngủ quên thì được B. “dựng” dậy để tiếp tục nghe.
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Vĩnh Thạnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng chống bạo lực gia đình, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền. Phương pháp tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như: tọa đàm, sân khấu hóa… Các tổ hòa giải ở các chi hội có nhiều cách tuyên truyền, vận động, phân tích những điều tốt xấu đối với từng gia đình có bạo lực; phê phán kịch liệt những hành động bạo lực; khuyến khích, động viên các cặp vợ chồng có xung đột tự hòa giải với nhau.
Bên cạnh công tác hòa giải các mâu thuẫn, xung đột vợ chồng, Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh còn tổ chức tư vấn cho hội viên và người dân về kỹ năng ứng xử trong gia đình, phổ biến Luật Hôn nhân gia đình… Do đó, nhận thức của hội viên và quần chúng nhân dân về phòng chống bạo lực gia đình được nâng lên. Việc trong gia đình thì vợ chồng phải thống nhất với nhau để tránh xung đột. Do đó, nhiều gia đình trước đây có tình trạng bạo lực, nay đã được chấm dứt.
Đối với những gia đình có bạo lực, ngoài việc làm công tác hòa giải, các cấp Hội Phụ nữ ở Vĩnh Thạnh còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kiểm điểm, phê bình, Hội cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động can thiệp, nhằm giải tỏa các căng thẳng về tinh thần; hỗ trợ các gia đình nghèo từng bước ổn định đời sống thông qua các chương trình xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác. Bởi cuộc sống ổn định sẽ là nền tảng cho hạnh phúc gia đình.
|