|
Lướt web tìm đồ là thói quen của nhiều bạn trẻ |
Từ 19 giờ trở đi, các ông, bà chủ shop trên mạng ôm riết lấy máy tính để giao dịch, chọn hàng và… mặc cả.
Muôn nẻo kiểu bán
Một số chợ đông khách là chodientu.vn, muare.vn, enbac.com, vatgia.com, 5giay.vn, rongbay.com... Ông Nguyễn Hữu Tuất - Giám đốc kỹ thuật Chodientu.vn cho biết, khoảng 20 giờ hàng ngày là thời điểm có nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nên lượng người truy cập lên đến 100.000.
Riêng tháng 12 hàng năm, có nhiều chương trình kích cầu nên số giao dịch thành công trên 20.000, với tổng số tiền giao dịch thành công 4,5 tỷ đồng.
Nhận xét về các chợ ảo duong_hn, nickname một thành viên trên diễn đàn TTVNOL cho rằng: “enbac.com có giao diện đẹp, rongbay.com mua bán điện thoại dễ, nếu muốn qua trung gian thì có chodientu.vn là yên tâm…”.
Mặt hàng trưng trên những trang web này rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, điện thoại cho tới đồ trang sức, kem trị mụn trứng cá, sữa, bao cao su.
Cách rao bán hàng tại các chợ này cũng rất vui nhộn: “Hết tiền tiêu, quà Valentine anh cũng bán” - chàng trai có biệt danh hiepkhachgiangho rao trên muare.vn. “Valentine, bạn tặng cái đồng hồ Automatic Longiness, em bán luôn cho nó nóng!!!(...). Tình trạng hàng mới 99,99 phần trăm, chỉ được em nó tháo ra từ trong hộp và đeo vào tay”.
Khách có thể xem, mặc cả thoải mái, người bán sẽ chuyển hàng đến tận nơi. Nếu thoả thuận thành công, hình thức thanh toán phổ biến là gặp mặt trao hàng. Giao dịch qua ATM và các phương thức thanh toán trực tuyến khác không được tin dùng vì sợ rủi ro.
Thu Trang, ở số 10, tổ 16, Nghĩa Đô, Hà Nội, là nhân viên kế toán, nhưng cô xem việc kinh doanh trên mạng như nghề tay trái. Trang cho biết, sẵn sàng chuyển hàng (những bộ quần áo thanh lý), giá trị từ 25 đến 50.000 đồng tận nơi người mua. “Đồ cũ không dùng để cũng phí, bán thế này vừa quen biết được nhiều người, vừa lấy chỗ đi lại, cũng như có thêm tiền” - Trang vui vẻ.
Năm bảy cách mua
Những người có thâm niên mua bán qua mạng đều khuyên rằng, để đảm bảo an toàn nên mua những mặt hàng có giá trị dưới một triệu đồng. Theo anh Nguyễn Dương (Cty Hà Nội Software), nếu hàng giá trị lớn phải xem xét độ tin cậy của chợ (website trung gian), cũng như người đăng tin. “Tốt hơn hết nên mua sau khi đã quen. Nếu giá bán quá rẻ, thì càng không nên mua, nhất là đồ vi tính”.
Việt Anh (104 Lạc Trung, Hà Nội), người thường xuyên mua bán hàng điện tử, vi tính qua mạng chia sẻ công thức: “Tham khảo nhiều topic + xem comment (ý kiến của những người mua hay của chuyên gia về mặt hàng đó) + giá = mua”.
Kể cả trước khi mua hàng cũng phải tỉnh, nhất là với hàng quần áo được hứa hẹn là của nước ngoài, nên thoả thuận trước về nhãn mác…
Mặc cả trên mạng cũng phải biết cách. Chị Lan Phương (90 Võ Thị Sáu, Hà Nội) cho rằng: “Đừng mặc cả bằng cách comment thẳng vào trang bán, tốt nhất nên mặc cả kín với người bán qua Y!M, gọi điện trực tiếp, nhắn tin”.
Để tránh bị lừa, người tiêu dùng có thể chọn những trang bán hàng uy tín và có hệ thống giữ hộ tiền người mua hoặc bảo hiểm tiền mua 100 phần trăm. Theo dân cư mạng, nếu chưa thật tin tưởng người bán, tốt nhất chọn hình thức thanh toán qua trung gian hoặc các hình thức bảo hiểm người mua.
. Theo TPO
|