Lạm dụng thuốc kháng sinh, thiếu kiến thức trong xử lý… là những nguyên nhân khiến bệnh tiêu chảy, dù rất phổ biến, vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.
|
Ngành y tế đang triển khai nhiều hoạt động nhằm kiểm soát bệnh tiêu chảy ở trẻ em.
|
* Hơn 40% trẻ bị tiêu chảy dùng kháng sinh
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Bệnh tiêu chảy rất phổ biến ở trẻ em. Gần đây, tình trạng trẻ nhập viện do bệnh tiêu chảy rất nhiều, đặc biệt là các trường hợp tiêu chảy té nước. Hiện tại, khoa Nhi của Bệnh viện đang điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân nhi mắc bệnh này”.
Kết quả một khảo sát bỏ túi của chúng tôi với một số bà mẹ có con bị bệnh tiêu chảy, cho thấy, hầu hết trẻ đã được điều trị tại nhà không theo đơn bác sĩ trước khi nhập viện. Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (ở huyện Phù Cát) cho biết, mỗi lần con bị tiêu chảy, chỉ cần ra hiệu thuốc mua vài liều thuốc uống vào là cầm ngay. Khi chúng tôi nói đến chuyện đến bác sĩ điều trị, chị Hạnh trần tình: “Bệnh viện thì xa, hai vợ chồng làm nông suốt ngày ở ngoài ruộng. Với lại, thằng nhỏ thường xuyên bị tiêu chảy, hễ mỗi chút lại vào bệnh viện thì tiền chịu gì thấu. Quen rồi, cứ ra hiệu thuốc là xong hết”.
Các nhà chuyên môn cảnh báo việc thiếu kiến thức của một bộ phận phụ huynh và nhân viên y tế đã dẫn tới tình trạng “lạm dụng” kháng sinh và thuốc cầm ỉa. Kết quả đánh giá thực trạng công tác phòng chống bệnh tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi tại Bình Định, do Viện Pasteur Nha Trang phối hợp với ngành y tế Bình Định thực hiện cuối năm 2008, tại một số địa phương trong tỉnh, cho thấy, có 40,4% số trẻ bị bệnh tiêu chảy đã có dùng kháng sinh, thậm chí có 18,2% trẻ đã dùng thuốc cầm ỉa.
Thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Đây là một thực trạng rất đáng báo động. Nhiều người vẫn dùng kháng sinh và thuốc cầm ỉa để cầm cơn tiêu chảy của trẻ, nhưng thực tế lại làm cho bệnh càng trầm trọng hơn”.
Đáng nói hơn, dù là bệnh phổ biến nhưng kiến thức nhận biết và cách thực hành xử lý bệnh của các bà mẹ đối với trẻ bị tiêu chảy còn rất ít. Trong số các bà mẹ được hỏi, chỉ có 55% bà mẹ biết bệnh tiêu chảy gây mắc nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi; 4,5% mà mẹ không biết đường lây của bệnh; thậm chí có 1% bà mẹ khẳng định rằng bệnh lây qua… đường ho.
|
Một trường hợp bệnh nhân nhi mắc bệnh tiêu chảy đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
|
* Tăng cường kiểm soát bệnh tiêu chảy ở trẻ em
Báo cáo của các cơ sở y tế trong tỉnh, mỗi năm tỉnh ta có khoảng 12.000 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi bị bệnh tiêu chảy. Nhưng, kết quả đánh giá của Viện Pasteur Nha Trang lại cho con số gấp 11,6 lần. Các bác sĩ cũng khẳng định đây mới là con số ước tính thống kê, thực tế, số trẻ mắc bệnh còn cao hơn rất nhiều.
Trước tình trạng này, cuối năm 2008, Bình Định đã được tổ chức PATH (một tổ chức phi chính phủ của Mỹ) tài trợ 129.983 USD để tăng cường công tác phòng chống bệnh tiêu chảy trẻ em, góp phần làm giảm số mắc, chết và giảm số trẻ suy dinh dưỡng do bệnh gây ra.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng lưu ý: trẻ bị tiêu chảy khi đi cầu trên 3 lần/ngày, phân lỏng toàn nước hoặc đi phân có nhầy máu. Tiêu chảy có hai trường hợp: tiêu chảy toàn nước và tiêu chảy mót rặn có máu (còn gọi là lỵ). Nếu trẻ có những dấu hiệu này thì nên cho trẻ uống nhiều nước và ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, bà mẹ phải rửa tay sạch trước và trong khi cho trẻ ăn. Đồng thời, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ. |
Hiện nay, ngành y tế đã khởi động các hoạt động tăng cường năng lực điều hành của cán bộ quản lý y tế và hệ thống giám sát bệnh các tuyến; đồng thời, chú trọng các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, nhằm nâng cao kiến thức, thực hành phòng chống bệnh tiêu chảy trong cộng đồng.
Đầu tháng 4 này, Sở Y tế đã tổ chức Hội thảo Chẩn đoán, Điều trị và Phòng chống bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Tại đây, các bác sĩ đã nhấn mạnh đến vấn đề bổ sung kẽm và Oresol có nồng độ thẩm thấu thấp, để điều trị bệnh nhân tiêu chảy hiệu quả. Theo đó, việc sử dụng Oresol có nồng độ thẩm thấu thấp và bổ sung kẽm sẽ làm giảm thời gian, mức độ của đợt tiêu chảy và có thể phòng ngừa được đợt mắc tiêu chảy mới trong vài tháng tiếp theo.
Thạc sĩ Lê Quang Hùng phân tích: “Biện pháp đơn giản này sẽ làm giảm đáng kể việc kê đơn kháng sinh và các thuốc chống tiêu chảy không rõ nguồn gốc khác, từ đó, giảm đáng kể tỉ lệ trẻ phải nhập viện điều trị do tiêu chảy”.
|