Hiệu quả lớn từ công trình nhỏ
9:37', 12/4/ 2009 (GMT+7)

Nhà vệ sinh, một hạng mục được xem là phụ trong các công trình xây dựng nhà ở, nhưng lại có ý nghĩa không “phụ” chút nào trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của một hợp phần thuộc Tiểu dự án cấp nước 9 thị trấn của tỉnh Bình Định đã giúp nhiều người dân ý thức hơn và có điều kiện tham gia bảo vệ môi trường, bắt đầu từ nhà mình.

 

Qua 2 năm triển khai dự án, chưa xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, cho vay sai mục đích, sai đối tượng.

- Trong ảnh: Nhóm trưởng nhóm tín dụng tiết kiệm thu tiền vốn và lãi vay, nộp về cho Ban quản lý quỹ thị trấn Tuy Phước.

 

* Nhà ở không có công trình vệ sinh

Có một thực tế đáng chú ý là dù sinh sống ở các thị trấn, nơi sự đô thị hóa diễn ra với tốc độ khá nhanh, nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn giữ thói quen không xây dựng và sử dụng các công trình vệ sinh.

Theo khảo sát của Hội LHPN tỉnh hồi đầu năm 2006, trong hơn 25.000 hộ ở 9 thị trấn thuộc 6 huyện trong tỉnh, có gần 11.400 hộ chưa có công trình vệ sinh tự hoại (chiếm hơn 45%). Đa số người dân còn dùng các loại nhà vệ sinh đơn sơ, tạm bợ và sử dụng giếng đào, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe.

Điều này một phần do thói quen, phần khác do nhận thức về vệ sinh môi trường của nhiều người còn hạn chế. Bởi nhiều hộ tuy có điều kiện kinh tế, nhưng vẫn không nghĩ đến chuyện xây nhà vệ sinh cho gia đình mình. Ở thị trấn Đập Đá (An Nhơn), có thời gian một bộ phận dân cư tập trung sử dụng nhà vệ sinh công cộng do thị trấn xây dựng, khiến nơi này quá tải và trở thành một “điểm đen” về môi trường. Ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), chỉ có 50% số hộ có công trình vệ sinh tự hoại, 15% số hộ chưa có công trình vệ sinh, số còn lại chỉ có công trình vệ sinh đơn sơ. Thị trấn Bình Dương (Phù Mỹ) trước đây cũng chỉ có chưa tới 50% số hộ có công trình vệ sinh tự hoại.

Để giúp người dân nâng cao nhận thức, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường hộ gia đình, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo thực hiện dự án của tỉnh giao cho Hội LHPN tỉnh triển khai “hợp phần vệ sinh A.2” - một nội dung trong Tiểu dự án cấp nước 9 thị trấn của tỉnh Bình Định (do Ngân hàng Thế giới tài trợ). Nội dung của hợp phần là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về vệ sinh môi trường và cho những người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà chưa có nhà vệ sinh được vay tiền để xây nhà vệ sinh. Số tiền mỗi hộ được vay là 4 triệu đồng, trả dần cả gốc và lãi (0,5%/tháng) trong 2 năm.

 

Nhờ được hỗ trợ từ dự án, gia đình bà Bùi Thị Ba (thị trấn Tuy Phước) đã xây dựng được nhà vệ sinh và nhà tắm.

 

* Thay đổi nhận thức và thói quen

Từ khi bắt đầu triển khai hợp phần dự án (2007) đến nay, bên cạnh việc truyền thông thay đổi hành vi về vệ sinh môi trường cho người dân, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách dự án, nhóm trưởng nhóm tín dụng tiết kiệm, Ban quản lý Quỹ quay vòng vốn của dự án đã thành lập hơn 100 nhóm tín dụng tiết kiệm và xét cho hơn 2.200 hộ vay, với tổng số vốn quay vòng là trên 8 tỉ đồng, để xây dựng công trình vệ sinh. Hợp phần dự án này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, vì thế hiệu quả mang lại khá tích cực.

Chị Nguyễn Thị Thống, nhóm trưởng nhóm tín dụng tiết kiệm Nam Phương Danh (thị trấn Đập Đá), nhận xét: “Đây là chương trình có ý nghĩa hết sức thiết thực, đặc biệt với phụ nữ nghèo. Từ khi dự án được triển khai, “điểm đen” về môi trường tại khu vực nhà vệ sinh công cộng thị trấn Đập Đá được giải tỏa triệt để”.

Còn chị Đỗ Thị Cường, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Bình Dương, thì cho biết: “Từ khi triển khai dự án đến nay, tỉ lệ hộ dân có nhà vệ sinh ở thị trấn tăng từ 48% lên 75%. Điều đáng ghi nhận hơn là hợp phần dự án này còn tác động đến cả những người vốn có điều kiện nhưng vẫn giữ thói quen không xây dựng và sử dụng nhà vệ sinh. Khi thấy người khác khó khăn hơn mình nhưng lại “văn minh” hơn trong chuyện này, thì họ cũng dần thay đổi thói quen, nếp nghĩ cũ”.

Ở thị trấn Tuy Phước, theo chị Phạm Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn, những lợi ích từ dự án quay vòng vốn vệ sinh môi trường hộ gia đình đã khiến chương trình này, có sức lan tỏa rộng trong dân cư. Ngoài số tiền được vay, nhiều hộ còn thêm tiền của mình vào để xây dựng công trình cho chắc chắn. Như hộ bà Bùi Thị Ba (thôn Công Chánh, thị trấn Tuy Phước), trước đây 6 người trong gia đình bà thường đi vệ sinh ở các gò đất trống. Sau khi được vay 4 triệu đồng, bà thêm tiền để xây dựng nhà vệ sinh và nhà tắm cho gia đình, với chi phí hơn 11 triệu đồng. Bà nói: “Hồi trước cứ nghĩ có nhà ở là được, không ai nghĩ đến chuyện làm nhà vệ sinh làm gì. Tới khi được dự án cho vay tiền, tui làm luôn nhà vệ sinh và nhà tắm, vì một lần làm là một lần khó”. Suy nghĩ của bà Ba cũng là suy nghĩ của khá nhiều thị dân sống ở các thị trấn nhưng vẫn còn quen với nếp sinh hoạt cũ ở nông thôn.

Theo đánh giá của Ban quản lý Quỹ vay vòng vốn vệ sinh môi trường hộ gia đình, qua 2 năm triển khai hợp phần dự án, chất lượng cuộc sống và nhận thức của nhiều người dân về vệ sinh môi trường liên quan đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe cộng đồng đã được nâng lên. Tỉ lệ hộ gia đình có công trình vệ sinh tự hoại tăng lên, tỉ lệ hộ có công trình vệ sinh đơn sơ hoặc chưa có đã giảm xuống. Nhiều hộ gia đình đã tự giác tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường; cải tạo các công trình vệ sinh, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp. Chính vì thế, nhiều ý kiến đã đề nghị tăng số lượng hộ được xét mỗi đợt giải ngân; đồng thời, sau khi kết thúc dự án ở các thị trấn (năm 2012) thì chuyển sang triển khai ở các xã, để giúp nâng cao nhận thức và cải thiện điều kiện vệ sinh hộ gia đình ở nông thôn.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
350 triệu USD cho trung tâm công nghệ vũ trụ Việt Nam  (10/04/2009)
Tại sao ta thấy người khác giới hấp dẫn  (10/04/2009)
1/3 học sinh Việt Nam bị thấp còi  (10/04/2009)
Thời tiết thay đổi thất thường, trẻ mắc bệnh viêm phổi gia tăng  (10/04/2009)
Trang bị máy phát hiện dư lượng hóa chất trong rau quả  (10/04/2009)
3G thay đổi cách dùng điện thoại di động  (09/04/2009)
Kiểm soát bệnh tiêu chảy ở trẻ em  (09/04/2009)
Ăn óc coi chừng... tai biến mạch máu não  (08/04/2009)
Tìm ra thuốc chữa bệnh thích ăn cắp  (08/04/2009)
Phát hiện loài rắn mới ở Cao Bằng  (08/04/2009)
Chợ mạng, nhộn nhịp về đêm  (07/04/2009)
Bí quyết để giặt sạch bằng máy  (07/04/2009)
"Cơn thiếu máu não thoáng qua": Dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ  (06/04/2009)
Truy cập internet tăng, xem TV giảm  (06/04/2009)
Làm gì khi bị tụt huyết áp?  (05/04/2009)