1. Cùng chơi với bé
Các nhà khoa học khám phá ra cách tốt nhất để thực sự tham gia vào cuộc trò chuyện với con cái là cùng chơi với chúng vì qua trò chơi bạn sẽ khám phá ra rất nhiều điều thú vị về bọn trẻ. Bởi lẽ mỗi đứa trẻ có cách chơi khác nhau, có đứa chơi để đối mặt với thử thách, có bé lại chơi trò chơi như cách giúp bé làm quen với các kỹ năng xã hội. Và có những bé tìm thấy những điều vui vẻ trong các trò chơi. Còn bạn, hãy thử chơi cùng bé, chắc chắn bạn sẽ “gặt hái” được nhiều điều bất ngờ thú vị.
2. Viết nhật ký
Khi gặp một rắc rối nào đó với trẻ, thay vì la mắng, bạn hãy cố giữ bình tình, ghi lại lý do khiến bạn cảm thấy không hài lòng. Viết ra giấy sẽ giúp bạn không làm điều gì đó quá vội vàng, tránh làm tổn thương con bạn và cũng làm bạn có thêm thời gian suy nghĩ về những gì đã xảy ra. Chắc hẳn bạn sẽ bình tĩnh hơn trong việc giải quyết vấn đề. Cách làm này không thể biến bạn thành một người mẹ nóng tính, dễ cáu bẳn và không kiểm soát được mình.
3. Trao đổi kinh nghiệm với bạn bè
Khi có con cái bạn vẫn nên giữ các mối quan hệ với bạn bè. Trong các buổi tụ họp, nếu được đi cùng những đứa trẻ sẽ rất thích thú nếu các bà mẹ cùng kể về thời thơ ấu, về những hành động kỳ quặc, về những chuyện thú vị khi các mẹ còn nhỏ. Điều này khiến trẻ cảm nhận sự gần gũi giữa mình và mẹ. Hoặc nếu không, các bà mẹ có thể truyền cho nhau những kinh nghiệp dạy trẻ tốt và áp dụng trong hoàn cảnh của mình.
4. Hãy để cho con bạn tự chọn những gì chúng thích
Bạn thử cho trẻ tự chọn những gì chúng thích, kể cả điều bạn bạn cho là ngớ ngấn. Ví dụ như, một đứa trẻ thích mặc đúng những đồ chúng muốn chứ không thích mặc theo ý của bạn. Mỗi lần được tự chọn một trang phục, một quyển sách hoặc chọn cách trang trí phòng theo ý mình đồng nghĩa với việc trẻ phát triển được tính độc lập và cá tính riêng của mình. Bạn đừng cứng nhắc cho rằng các quyết định của mình bao giờ cũng đúng vì đôi khi trẻ em có cách giải quyết, xử lý và chọn lựa riêng biệt đúng với lứa tuổi của chúng.
5. Biết nói “Không” với trẻ
Trong những trường hợp cần thiết, bạn nên biết nói “Không” chắc chắn với trẻ. Những câu hỏi nghiêm túc, đúng đắn sẽ làm cho trẻ không vòi vĩnh hay nũng nịu. Tuy nhiên, dù nghiêm túc nhưng bạn vẫn cần phải có thái độ nhẹ nhàng khi từ chối trẻ điều gì đó và bạn cũng cần giải thích rõ cho trẻ vì sao lại là “Không” và khi nào sẽ là “Có”. Cách này giúp bạn thành một bà mẹ nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái và những đứa con bạn cũng sẽ học được không phải những gì chúng thích là đều có ngay được.
6. Thỉnh thoảng thay đổi không khí cho trẻ
Mọi người đều cho rằng bố mẹ tốt là những bố mẹ thường xuyên quan tâm tới con cái. Đó là sự thật. Bạn hãy dành thời gian để mắt và chăm sóc con cái. Khi có thời gian rảnh, ví dụ như cuối tuần hay các ngày lễ, bạn hãy cùng trẻ đổi không khí bằng cách đưa trẻ đi thăm các quang cảnh, chơi trong công viên, đi picnic… Các cuộc “đối gió” sẽ làm cho bạn và con mình trở nên gần gũi, dễ dàng chia sẻ mọi chuyện và cũng làm cho cuộc sống của con bạn không phải lúc nào cũng theo một khuôn khổ không gian cứng nhắc chỉ trong nhà và ở trường.
. Theo Gia đình. Net/aFamily
|