Những phụ nữ khuyết tật và khát vọng được học
9:49', 19/4/ 2009 (GMT+7)

Sự học, mà là vừa đi làm vừa đi học, đối với người bình thường đã vất vả, với người khuyết tật lại có phần nhọc nhằn hơn. Tuy nhiên, không ai trong số những người khuyết tật tôi đã gặp nói rằng họ chán nản, dù rằng khó khăn của cuộc sống thường nhật đôi khi cũng khiến họ trĩu nặng những mối lo.

 

Chị Điểm với công việc bán hàng lưu niệm tại Khu Du lịch Ghềnh Ráng.
 

* Vừa làm, vừa học

Cứ 7 giờ sáng hàng ngày là Lê Thị Điểm (27 tuổi, quê ở Tây Sơn) lại đạp xe đến Khu Du lịch Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) rồi đi bộ lên dốc, đến khu vực các gian hàng lưu niệm. Đã gần một năm nay, công việc của Điểm là bán hàng lưu niệm- những sản phẩm bằng thổ cẩm, do người khuyết tật ở Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga làm ra - cho khách du lịch đến Ghềnh Ráng.

Điểm chỉ còn tay trái. Tay phải của chị đã bị phỏng từ hồi nhỏ, trong một lần học bài ngủ quên, chiếc đèn dầu bị đổ, gây cháy. Vốn mê tin học nên Điểm đã theo học và tốt nghiệp Trung cấp tin học. Trong những lần lui tới Cơ sở Nguyễn Nga chơi, thấy có nhiều khách nước ngoài đến đây, Điểm nghĩ rằng mình cần đi học ngoại ngữ để có thể đáp ứng yêu cầu cuộc sống, nếu không muốn tụt hậu. Người bình thường mà tụt hậu đã khó khăn, huống chi là người khuyết tật.

Vậy là chị đăng ký học đại học tại chức tiếng Anh. Ban ngày đi làm, tối về đi học (trước khi bán hàng lưu niệm tại Khu Du lịch Ghềnh Ráng, Điểm đã trải qua nhiều công việc như: photo, đánh máy văn bản, làm găng tay y tế). Bây giờ, tiếng Anh giúp Điểm có thể chào hỏi, giới thiệu với khách nước ngoài đến mua hàng về Cơ sở Nguyễn Nga, về những sản phẩm do người khuyết tật làm ra.

Điểm nói rằng thật sự mình không thích tiếng Anh lắm, chị chỉ mê tin học thôi, nhưng vì nhu cầu cuộc sống, công việc, chị cố gắng yêu môn học này. Nghĩa là Điểm không có được nhiều sự lựa chọn như những người bình thường khác. Nghĩa là chị phải nỗ lực rất nhiều trong việc học.

Còn chị Nguyễn Diệu Lý (quê Tuy Phước) thì hè này sẽ tốt nghiệp Đại học tại chức tiếng Anh. Trước đây, Lý làm kế toán ở Cơ sở Nguyễn Nga, đến khi Nguyễn Nga chuyển giao cơ sở dạy trẻ khuyết tật cho Trường Dạy nghề Bình Định, chị được giữ lại Trường, tiếp tục làm kế toán. Lý may mắn có người chồng thương yêu và thông cảm với mình. Thế nên, dù có giai đoạn chị vừa đi làm, vừa đi học, vừa nuôi con nhỏ (Lý bị mất tay phải do tai nạn lúc nhỏ), nhưng chị bảo cũng không cực lắm, dù có bận rộn. Chị kể: “Ban ngày tôi đi làm thì bà nội trông giúp cháu. Buổi tối, tôi cố gắng chuẩn bị hết các “thủ tục” cho bé, rồi giao con cho chồng và đến lớp”.

Cũng như nhiều bạn bè khác, Lý chọn môn tiếng Anh bởi thời gian còn làm ở Cơ sở Nguyễn Nga, chị thấy tiếng Anh thật cần thiết, giúp chị có thể giao tiếp với khách nước ngoài đến thăm cơ sở. Còn bây giờ, tuy công việc không ứng dụng ngoại ngữ nhiều, nhưng Lý bảo, chị cũng không hề nản và xem ngoại ngữ là kiến thức phụ trợ. “Mà học để sau này dạy con mình cũng tốt chứ sao!” - chị cười rồi kể về cậu con trai 5 tuổi của mình.

 

Chị Lý (phải) và chị Sa đang trao đổi công việc tại cơ quan.
 

* Phải hơn hoặc bằng người bình thường

Cơ sở Nguyễn Nga có một nhóm sinh viên khuyết tật, tập hợp những người khuyết tật đang đi làm tại Cơ sở hoặc sinh hoạt tại Chi hội Người khuyết tật Nguyễn Nga và đi học thêm đại học tại chức. Hiện nhóm có 15 thành viên, trong đó có 13 người là nữ. Ngoài chị Lý, chị Điểm, còn có chị Sang, ban ngày làm nhân viên bán hàng lưu niệm ở Life Resort, tối đi học đại học tại chức ngoại ngữ. Chị Phan Thị Sa cũng học cùng lớp với chị Lý và là đồng nghiệp của Lý với công việc là nhân viên hành chính của Trường Dạy nghề Bình Định. Nhiều chị khác vừa học vừa làm những công việc thời vụ, như nhận gia công mặt hàng dây đeo tay bằng thổ cẩm (khi có đơn hàng). Và không chỉ học ngoại ngữ, nhiều chị còn học những ngành khác nhằm nâng cao bằng cấp đã có, hoặc để phục vụ cho công việc hiện tại, hay vì yêu thích, như: quản trị kinh doanh, kế toán, công nghệ thông tin.

Nói về nhóm sinh viên khuyết tật này, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Chủ Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga, cho biết: “Tôi nói với các em rằng mình là người khuyết tật thì phải hơn hoặc bằng người bình thường về kỹ năng và tri thức thì mới tồn tại được. Vì thế, em nào mà có bằng THPT là tôi đều động viên các em đi học. Tôi cố gắng vận động các nhà hảo tâm giúp học phí cho các em. Hiện các em sinh viên được nhận học bổng hai lần/năm với mức từ 120 - 160 USD/em/năm học tùy theo mức học phí. Tôi cũng đang có kế hoạch củng cố lại CLB Sinh viên khuyết tật để có chỗ cho các em giao lưu, cũng như động viên các em cố gắng trong học tập, công việc”.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
6 bí quyết của một bà mẹ tuyệt vời  (17/04/2009)
Vén màn bí ẩn xác chết tươi nguyên sau 89 năm  (17/04/2009)
Những động tác cấm kỵ với người già   (17/04/2009)
Xác định được hợp chất ngừa cúm gia cầm  (16/04/2009)
Nỗi buồn tốt cho sức khoẻ  (15/04/2009)
Chăm sóc sức khoẻ: Đúng mà sai  (14/04/2009)
Thực phẩm trị rụng tóc  (13/04/2009)
Thử nghiệm thành công thuốc cai thuốc lá  (13/04/2009)
Ngừa ung thư dạ dày bằng… súp lơ chỉ trong 2 tháng  (13/04/2009)
Dân công sở nên ăn uống như thế nào?  (12/04/2009)
Hiệu quả lớn từ công trình nhỏ   (12/04/2009)
350 triệu USD cho trung tâm công nghệ vũ trụ Việt Nam  (10/04/2009)
Tại sao ta thấy người khác giới hấp dẫn  (10/04/2009)
1/3 học sinh Việt Nam bị thấp còi  (10/04/2009)
Thời tiết thay đổi thất thường, trẻ mắc bệnh viêm phổi gia tăng  (10/04/2009)