Ngâm thơ phòng bệnh
16:14', 20/4/ 2009 (GMT+7)

Cây bút trẻ Lê Thuỳ Vân trình diễn thơ

Nếu nhiều sử gia vẫn chưa thu thập đầy đủ dữ liệu về thi sĩ Homer, nhà thơ nổi tiếng ở Hi Lạp vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, thì một số thầy thuốc tin chắc như đinh đóng cột ông này phải khoẻ mạnh và sống thọ.

Lý do là vì nếu Homer nay đau mai yếu hay chết yểu thì đã không thể hoàn tất nhiều tập thơ dài đến thế. Chỉ nói riêng hai tác phẩm phổ biến là Iliad bao gồm 16.000 câu và Odyssey với hơn 12.000 câu thơ thì thừa hiểu thi sĩ ở thành Athens không chỉ mạnh về tinh thần mà phải khoẻ cả thể xác.

Các nhà nghiên cứu sở dĩ quả quyết như thế là do kết quả của một công trình nghiên cứu ở Đức cho thấy sức khoẻ được cải thiện rõ rệt ở người mỗi ngày đọc tập thơ Odyssey, đặc biệt là chức năng hô hấp và tuần hoàn. Cũng theo suy luận của thầy thuốc, Homer ngày xưa khoẻ mạnh là vì hằng ngày phải đọc đi đọc lại nhiều lần bản thảo. Cũng có thể vì thế mà nhiều “nhà văn” ở nước ta thường đau yếu vì chẳng mấy khi đọc lại bài viết trước khi đăng báo.

Bình thơ như tập dưỡng sinh

Theo quan sát của các nhà nghiên cứu, do âm vận và cú pháp độc đáo của tác giả nên người đọc thơ của Homer bắt buộc phải ngâm nga với giọng trầm và kéo dài. Người đọc vì thế không thể thở nhanh. Thêm vào đó, “thi sĩ” bắt buộc phải hít nhanh và sâu mỗi khi có dịp đến đoạn xuống hàng để tự tiếp hơi. Tập thơ lại rất dài nên buổi bình thơ vô tình trở thành giờ luyện tập kỹ thuật dưỡng sinh hô hấp.

Ngày nay, cũng nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực lão khoa nên tác dụng hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim qua động tác hít vào thật nhanh, giữ hơi rồi thở ra thật chậm đã được chứng minh từ lâu. Dễ hiểu thôi, vì động tác hít vào cho nhanh gây hưng phấn hệ thần kinh phó giao cảm trong khi động tác thở ra thật chậm ức chế hệ thần kinh giao cảm. Kết quả là huyết áp, nhịp tim được điều chỉnh theo kiểu hễ cao thì giảm, hễ thấp thì tăng, hễ nhanh thì bớt, hễ chậm thì hối thúc một cách vừa phải.

Nói cách khác, nhiều người có thể không cần uống thuốc nếu ngày nào cũng ngâm thơ vịnh nguyệt cho đủ liều lượng, chẳng hạn một bài sau bữa ăn. Cũng không nhất thiết phải ngâm thơ mới nên chuyện. Ngay cả thao tác tụng kinh cũng có tác dụng tương tự. Bằng chứng là, theo một công trình thống kê kéo dài nhiều năm ở Ý, tu sĩ siêng đọc kinh ít bị bệnh tim mạch hơn người còn quá tham sân si. Tất nhiên là chỉ khi tín đồ tụng đúng kinh chứ đừng ê a theo kiểu “ông sao tui vậy”!

Tài mệnh thương nhau

Thật ra mượn chuyện về Homer chỉ để... viết báo! Trên thực tế thao tác hô hấp trước sau vẫn là nhân tố quyết định trong tất cả kỹ thuật dưỡng sinh, từ khí công của Trung Quốc bước qua yoga của Ấn Độ. Tập kiểu nào tuỳ sở thích của mỗi người, nhưng có một điều chắc chắn là không phương pháp nào có thể hiệu quả nếu người tập không hiểu cách thở sao cho đúng để đừng hết thở!

Nhiều người có thể không cần uống thuốc nếu ngày nào cũng ngâm thơ vịnh nguyệt đủ liều lượng

Nếu chú trọng vào “hàng nội chất lượng cao” thì ở nước mình có phương pháp dưỡng sinh của cố bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Trọng điểm của phương pháp này cũng là cách thở 3, 4 thì tuỳ theo nhu cầu luyện tập. Ai muốn học thở theo kiểu “made in Vietnam” có thể đến tập với PGS.TS Phạm Huy Hùng, khoa y học cổ truyền thuộc Đại học Y dược TP.HCM, 221B Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình.

Mấy ai ngâm thơ mà nín thở! Nếu như thầy thuốc nghiên cứu về Homer có lý thì quý độc giả đang có vấn đề với huyết áp, với mạch vành, với stress còn đợi gì nữa mà không thủ sẵn cho mình một tập Truyện Kiều để mượn lời thơ của thi hào họ Nguyễn mà sửa nhẹ thành:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh chắc gì ghét nhau.

. Theo BS Lương Lễ Hoàng/Tuổi Trẻ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tìm ra vật chất cứng hơn thép 10 tỷ lần  (20/04/2009)
Loài thực vật mới mang tên Obama  (20/04/2009)
Phòng chống ung thư bằng gấc  (19/04/2009)
Internet sẽ sớm lấn át TV trong các gia đình  (19/04/2009)
Những phụ nữ khuyết tật và khát vọng được học  (19/04/2009)
6 bí quyết của một bà mẹ tuyệt vời  (17/04/2009)
Vén màn bí ẩn xác chết tươi nguyên sau 89 năm  (17/04/2009)
Những động tác cấm kỵ với người già   (17/04/2009)
Xác định được hợp chất ngừa cúm gia cầm  (16/04/2009)
Nỗi buồn tốt cho sức khoẻ  (15/04/2009)
Chăm sóc sức khoẻ: Đúng mà sai  (14/04/2009)
Thực phẩm trị rụng tóc  (13/04/2009)
Thử nghiệm thành công thuốc cai thuốc lá  (13/04/2009)
Ngừa ung thư dạ dày bằng… súp lơ chỉ trong 2 tháng  (13/04/2009)
Dân công sở nên ăn uống như thế nào?  (12/04/2009)