Khi con yêu sớm…
9:17', 25/4/ 2009 (GMT+7)

Thay vì cấm đoán hay thả lỏng, các nhà tâm lý khuyên các ông bố bà mẹ nên đến với trẻ bằng tư cách một người bạn, để hiểu, chia sẻ và giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 

Nếu phát hiện con có dấu hiệu yêu, cha mẹ nên bình tĩnh quan sát xem liệu đó là tình yêu hay chỉ là những “rung cảm” nhất thời (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: V.L

 

* Sớm nắng...

Có những đứa con từng là niềm tự hào của cha mẹ về sự ngoan ngoãn, biết nghe lời nhưng đến khi trái tim của các cô cậu biết “rung rinh” trước người khác giới, thì lại trở nên khó bảo, khiến các bậc làm cha, làm mẹ đứng ngồi không yên...

Chị X, mẹ của N.A, 13 tuổi, chia sẻ, sáng nào cũng phải gọi hai ba lần cu cậu mới chịu dậy rồi vội vội vàng vàng rửa mặt, vuốt sơ mái tóc và đi học. N.A là lớp trưởng, học giỏi nhất nhì trường, vậy mà một lần tình cờ, chị X phát hiện trong cặp sách của cậu có chiếc nhẫn vàng và một lá thư. Tìm hiểu kỹ, chị “giật thót” vì con trai mình đang “để ý” một cô bạn học cùng lớp. Sợ con yêu sớm ảnh hưởng đến sức khỏe và chuyện học hành nhưng chị cũng chưa vội đưa ra quyết định gì. Chị âm thầm theo dõi sự thay đổi tâm lý của con.

Cách đây hơn nửa tháng, một bà mẹ hoảng hốt gọi điện thoại “cầu cứu” Trung tâm tư vấn Tuổi Thanh Xuân. Số là, cô con gái đầu của chị mới học lớp 11 đã bắt đầu yêu. Vì điều kiện công tác, cả hai vợ chồng đều bận nên anh chị không có thời gian để thường xuyên gần gũi và tâm sự với con. Chỉ đến khi cô con gái có những thay đổi bất thường trong kết quả học tập lẫn cách ứng xử, chị mới tìm hiểu và biết chuyện. Gia đình chị chỉ biết người thanh niên đó lớn tuổi hơn con gái rất nhiều lại không học hành, nghề ngỗng gì.

Anh chị hết ngọt nhạt tỉ tê đến đe nẹt, cô con gái vẫn quyết không dứt bỏ mối tình. Nghĩ không xong, chị xin chuyển trường cho con vào học ở TP. Hồ Chí Minh. Cũng chưa yên tâm, chị xin nghỉ việc ở cơ quan, cùng con đi học. Được một thời gian, thấy con lại ngoan hiền, chị mới quay về. Từ đó, đều đặn hàng tháng, chị gửi một khoản tiền vào cho con bồi dưỡng và chi phí chuyện học. Nào ngờ, một người quen của gia đình ở TP. Hồ Chí Minh gọi điện về “mách” với chị rằng: con gái chị vẫn yêu và đang “nuôi” cậu thanh niên đó trong… nhà. Thất vọng, chị dùng biện pháp mạnh với con, đưa về Quy Nhơn kèm cặp đi học mỗi ngày. Vài tháng sau, lại thấy con ngoan hiền trở lại nhưng rồi chưa kịp mừng, con gái lại tiếp tục giở chứng…

* “Cấm” hay “cởi”

Theo các chuyên gia tâm lý, diễn biến tâm sinh lý trẻ em là sản phẩm của sự tương tác văn hóa, xã hội. Nền văn hóa hiện đại cùng với những yếu tố về giới tính, tình dục luôn tác động vào nhận thức và thái độ của các em, dễ khiến các em có biểu hiện rung động sớm hơn so với tuổi thực của mình.

Bước vào tuổi dậy thì trẻ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý từ một đứa trẻ thành một thiếu nữ hay chàng trai và bắt đầu có rung động đầu đời. Con có điệu đà một chút, làm dáng một chút... thì cũng là điều bình thường. Nếu phát hiện con có dấu hiệu yêu, cha mẹ nên bình tĩnh quan sát xem liệu đó là tình yêu hay chỉ là những “rung cảm” nhất thời. Trẻ càng căng thẳng, sự phản ứng càng mãnh liệt theo kiểu chống đối để bảo vệ tình yêu. Thay vì cấm đoán một cách bạo liệt, nên đến với trẻ bằng tư cách của một người bạn, tôn trọng, lắng nghe, biết góp ý khi cần thiết để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này.

P, một cô bé đang tuổi mộng mơ, đã bỏ nhà ra đi do bị cha mẹ phản đối vì cho rằng cô yêu quá sớm. “Em biết đó chỉ là những rung động đầu đời, chưa hẳn đã là tình yêu, nhưng giá như mẹ em chịu tìm hiểu và chia sẻ thay vì cấm đoán gay gắt thì có lẽ em đã không làm như vậy” - P tâm sự. Tình yêu không thành, nhưng điều P mệt mỏi hơn cả là cách phản đối của mẹ đối với P và người yêu.

Theo chị Nguyễn Thị Sanh, tư vấn viên của Trung tâm tư vấn Tuổi Thanh Xuân, lứa tuổi vị thành niên đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp về tâm sinh lý, các vấn đề quan trọng của trẻ thường xuất phát từ mối quan hệ. Ở lứa tuổi này, trẻ đã bắt đầu yêu và cảm nhận được tình yêu. Tuy nhiên, do suy nghĩ chưa chín chắn, tình yêu rất dễ tạo nên những chấn động tâm lý tiêu cực, đưa trẻ đến với những hành vi dại dột. Chị Sanh phân tích: Nếu không khéo léo, cha mẹ sẽ rất khó để hiểu và nắm bắt được nhu cầu tâm lý để giúp con định hướng cách ứng xử của mình. Tùy theo tâm trạng của con mà có cách cư xử, tránh xoi mói, coi thường chuyện tình cảm của con. Cha mẹ có thể kể cho con nghe về chuyện tình cảm của mình để con thấy được sự đồng cảm, thoải mái, đáng tin cậy từ cha mẹ, từ đó dần giúp con nhận ra con đường đúng.

Thái độ “cởi mở” và “nghiêm khắc” đúng lúc của các bậc cha mẹ đối với chuyện yêu sớm của trẻ sẽ giúp trẻ trưởng thành hơn trong tình yêu và nhất là, không để lại những hậu quả đáng tiếc.

  • Bảo Nguyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ung thư: Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả  (24/04/2009)
Lần đầu tiên nối thành công bàn tay đứt lìa  (24/04/2009)
Phát hiện 2 hành tinh có đặc điểm tương tự Trái Đất  (23/04/2009)
Cơ hội kinh doanh từ 3G  (23/04/2009)
Nhai kẹo cao su có thể giúp trẻ học tốt hơn   (23/04/2009)
Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hoài Nhơn   (23/04/2009)
Ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả   (23/04/2009)
Ngày trái đất và “thế hệ xanh”  (22/04/2009)
Phát hiện hang động lớn nhất thế giới  (22/04/2009)
Điều trị ung thư bằng... sữa của con gái  (22/04/2009)
Làm sao để rau sống vô trùng?  (22/04/2009)
Gia tăng bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan lớn  (22/04/2009)
Uống rượu nhiều có nguy cơ bị teo não  (21/04/2009)
Bill Gatess tài trợ cho nông dân Việt Nam học máy tính  (21/04/2009)
Nhập viện do trồng cây cảnh trong nhà  (20/04/2009)