Nước khoáng, không phải ai cũng nên uống
15:13', 27/4/ 2009 (GMT+7)

Nước khoáng có những chất khoáng cần cho cơ thể, với tỷ lệ cân đối sẽ có hiệu quả tốt phòng, chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng sản phẩm nước khoáng không đúng cách cũng có thể gây bệnh cho cơ thể.

Nước khoáng trị bệnh

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng quốc gia khẳng định, sử dụng nước khoáng theo đúng hướng dẫn sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng chống bệnh tật. Đặc biệt, với những loại nước khoáng có hàm lượng khoáng cao sẽ có tác dụng như một loại thuốc chữa bệnh. Điều này có nghĩa việc sử dụng như thế nào, liều lượng ra sao phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Theo PGS Ninh, mỗi loại nước khoáng tự nhiên đều có hàm lượng chất khoáng riêng. Với loại có hàm lượng khoáng vài trăm ml/l được gọi là nước khoáng giải khát, còn những loại có hàm lượng khoáng trên 1.000mg được xem là nước khoáng trị bệnh và phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc. Như với những người bị loãng xương, việc uống nước khoáng giàu canxi rất hữu ích để bổ sung canxi cho cơ thể. Nhưng ngược lại, với những  người bị sỏi thận canxi thì không nên uống nhiều nước có canxi.

TS Hoàng Kim Thanh, Giám Đốc Trung tâm truyền thông Viện Dinh Dưỡng cho rằng, những thành phần có trong nước khoáng như canxi, magiê, kẽm, fluor... đều là những thành phần không thể thiếu đối với cơ thể. Thiếu những chất này sức khỏe mỗi người chắc chắn bị ảnh hưởng. Ví như thiếu fluor sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng, cụ thể là men răng, ngà răng, khiến răng yếu và dễ sâu hơn. Hay thiếu canxi thì ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển và duy trì độ bền của xương.

Trong khi đó, các khoáng chất đi vào cơ thể qua đường uống khoảng 50%, ngoài ra là từ các nguồn thực phẩm dinh dưỡng khác. Vì thế, việc bổ sung khoáng chất vào nguồn nước là vô cùng quan trọng nhưng ở mức độ nào thì lại phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của mỗi người.

Không được dùng thay nước

Tuy khoáng chất có vai trò vô cùng quan trọng với cơ thể nhưng nếu quá lạm dụng, nó cũng gây những hậu quả xấu cho sức khỏe. Trên thực tế, không phải ai cũng dùng được nước khoáng, nhất là nước có hàm lượng khoáng cao. Vì nếu thừa khoáng chất trong cơ thể cũng gây những bệnh nguy hiểm không kém gì thiếu khoáng chất.

Vì vậy, TS Thanh khuyên, người tiêu dùng không nên dùng nước khoáng thay nước, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là nhiều loại nước khoáng phổ biến trên thị trường hiện nay có hàm lượng khoáng rất cao trên 1.500 mg/lít (thậm chí 2.000 - 3.000 mg/lít), như một số loại nước của Vĩnh Hảo, Quang Hanh, Đa Kai... nhưng lại không được ghi trên bao bì khiến người tiêu dùng không biết, vẫn sử dụng hàng ngày. Điều này là rất nguy hiểm, vì nếu hàm lượng khoáng cao trên 1.000mg/lít thì có thể nói đó là một loại thuốc chữa bệnh và phải tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Dùng nhiều sản phẩm này dẫn đến thừa khoáng chất không có lợi cho sức khỏe.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Đăng ký & Chứng nhận, Cục Quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, Quyết định 1626 ban hành năm 1997 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường về nước khoáng thiên nhiên đóng chai không giới hạn về hàm lượng khoáng tối đa và tối thiểu là một kẽ hở. Vì nó dẫn đến hiện tượng sản phẩm có hàm lượng khoáng quá cao không được cảnh báo, không có hướng dẫn cụ thể trên nhãn cho người tiêu dùng gây nguy hại cho người tiêu dùng.

“Như với canxi, cơ thể mỗi người chỉ có thể tiếp nhận liều tối đa là 2.500mg/ngày. Trong khi đó, chế độ ăn trung bình cung cấp khoảng 500 - 700mg/mg người trưởng thành. Còn nước uống bình thường cung cấp khoảng 10 - 20mg Ca/lít. Nếu uống nước khoáng có quá nhiều can xi có thể gây ức chế hấp thu vi khoáng khác như sắt, kẽm, magiê, thậm chí còn gây sỏi thận cho người sử dụng”, PGS Ninh dẫn chứng.

Ngoài ra, vi khoáng như kẽm nếu quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc kẽm cấp tính với biểu hiện đau vùng thượng vị, chóng mặt và nôn mửa. Còn Fluor là chất khoáng quan trọng tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng, giúp men răng cứng hơn. Nhưng nếu sử dụng fluor không đúng có thể dẫn đến ngộ độc fluor. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng nước khoáng cần phải có sự xem xét hợp lý ở mỗi người, tránh tình trạng thừa hay thiếu vi khoáng.

. Theo Dân Trí

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dịch cúm heo hoành hành trên người ở Mexico có nguy cơ nguy hiểm hơn SARS!  (27/04/2009)
Nga bác bỏ dự báo "Ngày tận thế 22.9.2012"  (26/04/2009)
WHO: Cúm lợn có thể trở thành đại dịch  (26/04/2009)
Món ngon theo người đi xa…   (26/04/2009)
Khi con yêu sớm…  (25/04/2009)
Ung thư: Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả  (24/04/2009)
Lần đầu tiên nối thành công bàn tay đứt lìa  (24/04/2009)
Phát hiện 2 hành tinh có đặc điểm tương tự Trái Đất  (23/04/2009)
Cơ hội kinh doanh từ 3G  (23/04/2009)
Nhai kẹo cao su có thể giúp trẻ học tốt hơn   (23/04/2009)
Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hoài Nhơn   (23/04/2009)
Ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả   (23/04/2009)
Ngày trái đất và “thế hệ xanh”  (22/04/2009)
Phát hiện hang động lớn nhất thế giới  (22/04/2009)
Điều trị ung thư bằng... sữa của con gái  (22/04/2009)