|
Cúm lợn có nguy cơ thành đại dịch. |
Trước tình hình dịch cúm ở lợn đang lan rộng tại một số nước trên thế giới khiến dư luận lo ngại, TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế gửi bài viết về bệnh cúm lợn và một số biện pháp phòng bệnh qua các tài liệu mới nhất của WHO.
Bệnh cúm ở lợn là gì?
Bệnh cúm ở lợn là một bệnh nhiễm vi rút đường hô hấp cấp tính của lợn và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh gây ra bởi một trong nhiều chủng vi rút cúm A của lợn.
Vi rút lây lan trong đàn lợn thông qua đường hô hấp (do hít phải các hạt nhỏ li ti bắn ra từ đường hô hấp của lợn nhiễm bệnh) hoặc qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp trong đàn lợn với nhau.
Đã phát hiện có tình trạng lợn nhiễm trùng không biểu hiện triệu chứng (lợn lành mang vi rút). Dịch ở lợn xảy ra quanh năm, ở những vùng ôn đới tỷ lệ mắc bệnh thường cao vào mùa Thu – Đông. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm vắcxin cúm lợn thường xuyên cho đàn lợn của nước họ.
Phân týp cúm H1N1 là phân týp phổ biến nhất trong số các loại vi rút cúm ở lợn, ngoài ra, các phân týp khác cũng lưu hành ở lợn như: H1N2, H3N1, H3N2. Lợn cũng có khả năng bị nhiễm vi rút cúm gia cầm và vi rút cúm thường ở người.
Vi rút cúm lợn H3N2 đã được cho rằng có nguồn gốc từ vi rút cúm từ người lây truyền sang. Đôi khi, lợn có thể bị nhiễm nhiều loại vi rút cúm trong cùng một thời điểm (cúm lợn, cúm người, cúm gia cầm…). Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi vật liệu di truyền giữa các loại vi rút cúm với nhau trong cơ thể lợn, và kết quả sẽ xuất hiện một loại vi rút cúm mới có chứa vật liệu di truyền từ nhiều loại vi rút khác nhau.
Mặc dù vi rút cúm lợn thường chỉ gây nhiễm đặc hiệu cho lợn, tuy nhiên trong một điều kiện nào đó nó có thể vượt qua hàng rào loài để gây bệnh cho người.
Vi-rút cúm lợn có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ con người?
Những vụ dịch và những trường hợp mắc bệnh cúm lợn tản phát ở người đã từng được ghi nhận trên thế giới. Triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm lợn ở người nhìn chung tương tự như bệnh cúm thường ở người với những biểu hiện lâm sàng rất rộng, từ nhiễm trùng không triệu chứng tới viêm phổi nặng và tử vong.
Do biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm lợn ở người rất giống với bệnh cúm thường và những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác, vì vậy, phần lớn các ca bệnh cúm lợn ở người là được xác định một cách tình cờ thông qua hệ thống giám sát cúm thường xuyên. Những trường hợp cúm lợn ở người nhẹ hoặc không triệu chứng thường không được ghi nhận và báo cáo, do vậy mức độ ảnh hưởng thực sự của cúm lợn đến sức khỏe con người là chưa được đánh giá đầy đủ.
Cúm lợn ở người đã từng được phát hiện ở đâu?
Từ năm 2007 đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận các ca cúm lợn ở người tại Mỹ và Tây Ban Nha.
Bệnh cúm lợn được lây truyền sang người như thế nào?
Thông thường, người bị nhiễm vi rút là do tiếp xúc với lợn bị bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp không phát hiện được tiền sử phơi nhiễm giữa người bị bệnh với lợn hoặc với môi trường liên quan đến lợn. Lây truyền người – người trong bệnh cúm lợn ở người cũng đã xảy ra ở một số trường hợp trong quá khứ, tuy nhiên thường chỉ hạn chế ở những người tiếp xúc gần gũi với nhau.
Có an toàn khi ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn không?
Câu trả lời là có, vì nếu thịt lợn và các sản phẩm từ lợn được chế biến và đun nấu đúng cách thì cúm lợn không có khả năng lây truyền sang người do vi rút cúm lợn bị giết chết ở 70 độ C.
Dịch cúm ở lợn đã xảy ra ở những nước nào?
Do bệnh cúm lợn là bệnh không bắt buộc phải báo cáo cho Tổ chức Thú y Quốc tế, chính vì vậy phân bố quốc tế của bệnh cúm lợn vẫn chưa được xác định đầy đủ. Bệnh cúm ở lợn được cho là lưu hành ở Mỹ, ngoài ra cũng ghi nhận tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu (bao gồm Vương Quốc Anh, Thuỵ Điển, Italia), Châu Phi (Kenya) và một vài vùng khác ở Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản).
Liệu cúm lợn có khả năng gây đại dịch ở người không?
Nhiều khả năng hầu hết mọi người là không có miễn dịch với vi rút cúm lợn, đặc biệt là những người không thường xuyên tiếp xúc với lợn. Nếu một vi rút cúm lợn biến đổi hoặc tái tổ hợp với các loại vi rút cúm khác tạo ra một chủng vi rút cúm mới có khả năng lây truyền từ người sang người thì nó có thể gây đại dịch.
Hậu quả của đại dịch gây ra bởi vi rút cúm này là rất khó dự đoán, nó tuỳ thuộc vào độc lực của vi rút, tình trạng miễn dịch của cộng đồng, khả năng bảo vệ chéo của kháng thể vi rút cúm thường có sẵn trong cơ thể người, cũng như yếu tố cơ địa của từng cá thể. Vi rút cúm lợn có thể tái tổ hợp với vi rút cúm thường ở người để biến đổi thành một loại vi rút có khả năng gây đại dịch.
Vắc-xin cúm người có khả năng bảo vệ chống lại vi rút cúm lợn không?
Do các loại vi rút cúm thường biến đổi rất nhanh, do đó, việc sử dụng vắc xin phù hợp với các chủng vi rút đang lưu hành là rất quan trọng để bảo vệ người được tiêm vắc xin. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới phải phân tích và lựa chọn chủng vi rút để sản xuất vắc xin 2 lần một năm, một lần cho mùa đông của Bắc bán cầu và một lần cho khu vực Nam bán cầu.
Vắc xin cúm mùa hiện tại được sản xuất dựa trên các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới không bao gồm vi rút cúm lợn, chính vì vậy không biết vắc xin cúm mùa hiện tại có khả năng tạo miễn dịch chéo chống lại vi rút cúm lợn đang lưu hành tại Mỹ và Mexico hay không. Tổ chức Y tế thế giới đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để đánh giá và chỉ có thể đưa ra được các khuyến nghị về vấn đề này trong thời gian tới.
Thuốc nào để điều trị bệnh cúm lợn ở người?
Các thuốc kháng vi rút hiện tại để điều trị bệnh cúm thường được cho là cũng có hiệu quả trong phòng và điều trị bệnh cúm lợn ở người. Có 2 loại thuốc kháng vi rút thường được sử dụng: 1) adamantanes (amantadine và remantadine); 2) Thuốc ức chế men neuraminidase (oseltamivir và zanamivir).
Hầu hết những ca cúm lợn ở người được báo cáo trước đây đều khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị gì. Qua theo dõi thấy rằng một vài chủng vi rút cúm đã kháng với thuốc kháng vi rút, điều này làm hạn chế hiệu quả trong việc phòng và điều trị bệnh cúm.
Chủng vi rút cúm hiện tại phân lập được từ những bệnh nhân cúm lợn ở người tại Mỹ được xác định vẫn còn nhạy cảm với oselatmivir and zanamivir nhưng đã kháng với amantadine và remantadine.
Tuy nhiên, những thông tin hiện tại là chưa đủ để có thể đưa ra được khuyến nghị về việc sử dụng thuốc kháng vi rút trong phòng và điều trị bệnh cúm lợn ở người trong giai đoạn hiện nay. Các thầy thuốc lâm sàng phải tự đưa ra quyết định dựa vào các đánh giá về triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học, cũng như phải cân nhắc về hiệu quả giữa cái lợi và cái hại của việc dùng thuốc kháng vi rút cho bệnh nhân.
Đối với vụ dịch cúm lợn ở người đang xảy ra tại Mỹ và Mexico, nhà chức trách của những nước này đang khuyến nghị việc sử dụng oseltamivir hay zanamivir trong phòng và điều trị bệnh (các nước này dựa vào phân tích tính nhạy cảm của vi rút đối với các thuốc trên tại thời điểm hiện tại).
Bạn nên làm gì nếu bạn thường xuyên phải tiếp xúc với lợn?
Phần lớn người bị mắc bệnh là do tiếp xúc gần gũi với lợn bị bệnh. Chính vì vậy cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người với lợn ốm. Tuyệt đối không giết mổ, chế biến hay tiêu thụ lợn ốm, chết. Cần báo cho cơ quan thú y ngay tình trạng lợn ốm, chết để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý tiêu huỷ lợn ốm/chết đúng quy định.
Vấn đề vệ sinh và phòng hộ cá nhân là rất quan trọng đối với những người có tiếp xúc với lợn, đặc biệt trong quá trình giết mổ và chế biến sau giết mổ (đeo khẩu trang, kính, mũ, găng tay, đi ủng và mặc quần áo bảo hộ).
Cúm lợn không có khả năng lây truyền sang người qua đường ăn uống nếu thịt lợn và các sản phẩm từ lợn được chế biến và nấu đúng cách vì vi rút cúm lợn sẽ bị giết chết ở 700C.
Phòng lây nhiễm bệnh cúm lợn từ người sang người như thế nào?
1. Tránh những tiếp xúc với người có triệu chứng như mệt mỏi, sốt và ho. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính…
2. Rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch thường xuyên.
3. Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi.
4. Sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi, họng, mắt hàng ngày như súc miệng bằng nước sát khuẩn (nước muối loãng, dung dịch TB, Listerin…) hoặc dung dịch nước tỏi. Rỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, hoặc các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường là cần thiết và hiệu quả trong phòng bệnh.
5. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực nghi có dịch.
6. Không cho trẻ em dùng chung đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng trong khu vực nghi có dịch.
7. Giữ ấm không để bị nhiễm lạnh (mặc đủ ấm, tránh nước mưa, tránh bị ướt…).
8. Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể.
Nếu trong nhà có một người nghi mắc bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ của cơ quan y tế, cần:
1. Cách ly người bị bệnh tai một khu vực nhất định trong nhà. Nếu phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang bịt kín mồm và mũi, giữ khoảng cách tối thiểu hơn 1 mét.
2. Người bệnh cần đeo khẩu trang bịt kín mồm và mũi.
3. Rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân.
4. Tăng cường thông khí trong khu vực nhà có bệnh nhân bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ.
5. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường.
Bạn cần làm gì khi nghi bị mắc bệnh cúm lợn?
Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng người mệt mỏi, sốt cao, ho và/hoặc đau họng, bạn cần:
1. Thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
2. Ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người.
3. Nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
4. Đeo khẩu trang, bịt kín mồm và mũi thường xuyên.
5. Che kín mồm, mũi trước khi ho và hắt hơi bằng giấy thấm mềm, sau đó huỷ bỏ giấy đúng cách.
6. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên, đặc biệt sau khi ho và hắt hơi.
7. Thông báo cho gia đình và bạn bè biết về tình trạng sức khoẻ của mình, yêu cầu hạn chế người đến thăm. Nếu cần phải ra ngoài để mua bán cho sinh hoạt hàng ngày, nên đề nghị người thân giúp đỡ, tránh tiếp xúc với bên ngoài.
. Theo VNN |