Nghề giúp việc nhà
9:29', 3/5/ 2009 (GMT+7)

Không đơn giản chỉ là chuyện ứng xử bình đẳng giữa người thuê lao động và người lao động, mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Để có được điều đó, trước tiên cần một cái nhìn đúng của cả hai phía về nghề mới mẻ này.

 

Nhu cầu người giúp việc nhà trong xã hội rất lớn.

Ảnh: Tìm người giúp việc trên một diễn đàn của website www.webtretho.com.

 

* Nhu cầu lớn

Cuộc sống ngày càng khá giả đi kèm với áp lực công việc khiến nhu cầu cần người giúp việc nhà trong xã hội ngày càng cao. Có người giúp việc, những người bận rộn công việc bên ngoài có thể yên tâm về chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Những bà mẹ trẻ cũng đỡ vất vả hơn trong việc vừa đi làm vừa chăm con mọn.

Chị Phương, ở phường Ngô Mây (Quy Nhơn) cho biết, con trai của chị đã đầy năm và từ lúc cháu 4 tháng đến nay, chị đã thuê người trông trẻ ở nhà. Chị kể: “Người tôi thuê là một em sinh viên học đại học tại chức. Ban ngày em đến nhà trông cháu giúp tôi, tối về đi học. Có người giúp việc “đỡ chân đỡ tay” cho tôi rất nhiều, từ việc cho cháu ăn, chơi với cháu, ru cháu ngủ. Chiều đi làm về, tôi chỉ tắm cho cháu là xong”.   

Còn với chị Ly, nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quy Nhơn) có cơ sở sản xuất tại nhà, đồng thời, chị lại có con nhỏ, nên rất nhiều việc chị Ly phải nhờ người giúp việc như: đi chợ, nấu ăn cho thợ, dọn dẹp nhà cửa, trông em bé. Chị nói: “Nếu không có người giúp việc thì tôi sẽ gặp nhiều khó khăn vì việc sản xuất, kinh doanh cũng như việc nhà rất nhiều”.

Bà Võ Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm dạy nghề phụ nữ (Hội LHPN tỉnh) cho biết: Nhu cầu người giúp việc nhà ở tỉnh ta là rất lớn và hiện cung không đủ cầu. Chính vì thế, năm 2008, Trung tâm đã mở một lớp đào tạo nghề giúp việc gia đình cho 20 học viên là hội viên phụ nữ ở các huyện trong tỉnh. Ngoài việc học lý thuyết theo từng phần như: chăm sóc em bé, người già, người ốm, nấu ăn, dọn vệ sinh... học viên còn được hướng dẫn sử dụng các loại dụng cụ, đồ điện gia dụng như: bàn ủi, máy giặt, máy hút bụi... 

 

Nhu cầu xã hội đối với nghề giúp việc làm ngày càng cao.  Ảnh: S.T.M
 

* Cần một cái nhìn thoáng hơn

Sự phân công lao động trong xã hội đang ngày càng sâu sắc theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và giúp việc nhà cũng được xem là một nghề như bao nghề khác. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều người chưa có cái nhìn đúng và khách quan về công việc này.

Nhiều người hiện vẫn mang tư tưởng làm nghề giúp việc nhà là thấp kém. Minh chứng cho điều này, bà Võ Thị Tuyết kể: Lớp dạy nghề giúp việc nhà do Trung tâm mở vào năm ngoái là một chương trình hay nhưng khâu tuyển sinh thì đầy gian nan, vì nhiều người vẫn còn mặc cảm. Các cán bộ phụ nữ xã, thôn phải đi tuyên truyền, vận động nhiều thì các chị mới đến lớp. Rồi trong quá trình học, giảng viên phải luôn giảng giải rằng, đây cũng là một nghề như các nghề khác. Học nghề này sẽ giúp các chị có việc làm ổn định lâu dài hoặc cũng có thể nhận làm những công việc thời vụ như chăm sóc người ốm, em bé, tăng thu nhập gia đình.

Tương tự, một trung tâm giới thiệu việc làm ở TP Hồ Chí Minh cũng đã dùng các từ ngữ đồng nghĩa để thu hút người lao động cho các công việc liên quan đến quét dọn, giúp việc nhà. Ví dụ, thay vì nói “nhân viên tạp vụ”, họ gọi bằng “nhân viên làm sạch văn phòng”; tương tự, họ tuyển “quản gia” thay cho “người giúp việc nhà”... Việc “tung hứng” câu từ này đã đem lại hiệu quả khi trung tâm tuyển được nhiều lao động trong lĩnh vực này. Rõ ràng, cùng một công việc nhưng việc thay đổi cách gọi đã giúp thay đổi cách nghĩ của nhiều người. 

Còn với gia chủ - người thuê lao động, ngoài những người nhận thức được vấn đề thì cũng còn nhiều người phân biệt chủ- tớ với người giúp việc. Có người hay lên giọng sai khiến, quát nạt người giúp việc, thậm chí xúc phạm họ khi họ vô tình làm sai điều gì đó. Có người quá phân biệt đối xử với người giúp việc trong ăn uống, sinh hoạt. Cũng có người bị mất tài sản và chưa suy xét kỹ, đã vội nghi ngờ người giúp việc lấy cắp... Những cách ứng xử đó đã ít nhiều làm tổn thương người giúp việc.

Như đã nói ở trên, giờ đây giúp việc nhà cũng được xem như một nghề, một công việc mang lại thu nhập cho người lao động. Và nhu cầu xã hội trong lĩnh vực này đang ngày càng cao. Vì thế, rất cần một thái độ ứng xử thật chuyên nghiệp giữa người giúp việc và người thuê lao động. Ngoài việc thực hiện đúng những điều khoản đã giao kèo, ký hợp đồng với nhau, một tấm chân tình là điều mà cả gia chủ và người giúp việc nên có, để đối đãi với nhau. Như mới đây, Báo Sài Gòn Tiếp thị có mở chuyên mục “Cảm ơn người giúp việc”, giúp bạn đọc nói lời tri ân với người giúp việc. Đọc chuyên mục này để thấy, một khi người giúp việc và gia chủ hiểu mình và hiểu nhau, thì mối quan hệ của họ sẽ ngày càng khăng khít, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

  • Minh Khương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tìm nơi hò hẹn…   (02/05/2009)
Khi bạn đời chán tình dục  (01/05/2009)
Thêm cơ hội cho người nuôi gia cầm  (30/04/2009)
Hàn Quốc tuyên bố nhân bản được chó phát sáng  (29/04/2009)
Cúm lợn và các biện pháp phòng tránh  (28/04/2009)
Đợt nghỉ lễ 30.4-1.5: Khắp nơi có mưa, dông  (28/04/2009)
Đam mê lành mạnh “diệt” nghiện game online  (27/04/2009)
Nước khoáng, không phải ai cũng nên uống  (27/04/2009)
Dịch cúm heo hoành hành trên người ở Mexico có nguy cơ nguy hiểm hơn SARS!  (27/04/2009)
Nga bác bỏ dự báo "Ngày tận thế 22.9.2012"  (26/04/2009)
WHO: Cúm lợn có thể trở thành đại dịch  (26/04/2009)
Món ngon theo người đi xa…   (26/04/2009)
Khi con yêu sớm…  (25/04/2009)
Ung thư: Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả  (24/04/2009)
Lần đầu tiên nối thành công bàn tay đứt lìa  (24/04/2009)