DỊCH CÚM A (H1N1) ĐANG DIỄN BIẾN PHỨC TẠP:
Ngành y tế chủ động ứng phó
11:31', 7/5/ 2009 (GMT+7)

Chỉ sau vài ngày xuất hiện và lây lan nhanh ở nhiều nước, Tổ chức Y tế thế giới đã phải nâng mức báo động dịch cúm A (H1N1) lên mức 5/6. Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngành y tế tỉnh đã chủ động dự phòng, sẵn sàng ứng phó.

 

Hiện nay, các trang thiết bị phòng chống dịch cúm A (H1N1) như máy thở đã được ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng. Ảnh: T.H

 

* Sẵn sàng nguồn lực

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh về phòng chống dịch cúm A (H1N1), lãnh đạo ngành y tế đã khẩn trương chỉ đạo công tác phòng chống dịch trong toàn ngành, với phương châm dự phòng chủ động, phát hiện sớm, bao vây, dập tắt dịch ngay từ đầu, không để lan rộng trong cộng đồng.

Bình Định là một trong những tỉnh đang triển khai dự án phòng chống cúm gia cầm H5N1, nên đã được trang bị khá đầy đủ nhân lực, trang thiết bị phòng chống dịch, thông tin liên lạc và truyền thông tại cộng đồng. Phương tiện vận chuyển cấp cứu, trang thiết bị chẩn đoán và điều trị của các bệnh viện (máy thở, monitoring, máy đo độ bão hòa oxy, X-quang, siêu âm, CT-scanner, MRI, máy xét nghiệm sinh hóa hiện đại, PCR…) đã được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau.

Hiện nay, tại kho dược của các bệnh viện và trạm y tế còn có hàng ngàn cơ số thuốc phòng chống dịch. Sở Y tế cũng đã rà soát lại nguồn thuốc men, hóa chất và bảo hộ dự trữ tại các kho dự trữ của tỉnh để tiếp tục phân bổ cho các đơn vị. Bên cạnh việc phân phối nguồn thuốc Tamiflu dự trữ khoảng 700 viên tại tuyến tỉnh cho các bệnh viện, Sở Y tế cũng đồng thời đề nghị Bộ Y tế và tỉnh bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị, bảo hộ, thuốc men và hóa chất dự trữ để khi có dịch sẽ cấp cho các bệnh viện và người dân.

Các trung tâm y tế đã thành lập các đội cấp cứu lưu động, phân công trực 24/24 giờ để thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh. Riêng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh và BVĐK Khu vực Bồng Sơn, BVĐK Khu vực Phú Phong sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân, trợ giúp cho tuyến dưới khi có nhu cầu.

Ngày 2.5, Sở Y tế cũng đã tổ chức họp Ban chỉ đạo và thành lập 4 tiểu ban chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Đến thời điểm này, ngành y tế đã sẵn sàng các nguồn lực để chủ động ứng phó với dịch. Sở cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống; đồng thời, quan tâm hỗ trợ kinh phí trang bị dụng cụ bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang, để khi có ca bệnh thì phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các phương tiện bảo hộ cho cộng đồng”.

* Đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch

Dịch cúm A (H1N1) được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất nghiêm trọng, thậm chí còn hơn cả dịch SARS năm 2003. Mức độ bùng phát và lây lan dịch rất nhanh. Bệnh do vi rút gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã đặt trọng tâm giám sát dịch chặt chẽ ở các cảng hàng không quốc tế, vùng cảng biển, cửa khẩu có giao lưu biên giới. Ở Bình Định, tuy không có cảng hàng không quốc tế, nhưng vẫn được đặt trong tình trạng dịch cúm A (H1N1) có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngành y tế cũng đã sẵn sàng phối hợp với Ga Hàng không Phù Cát, Cảng Quy Nhơn, Ga Diêu Trì, Sở Giao thông - Vận tải để tăng cường công tác kiểm dịch quốc tế tại những địa điểm “nhạy cảm”, cung cấp thông tin rộng rãi cho hành khách; đồng thời, thiết lập các phòng cách ly tại chỗ để kịp thời cách ly người nghi mắc bệnh trước khi vận chuyển về BVĐK tỉnh chẩn đoán và điều trị.

Dù đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng ngành y tế cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các triệu chứng của bệnh là các triệu chứng cảm cúm thông thường, để chẩn đoán xác định đòi hỏi phải có phương tiện kỹ thuật cao. Các nguồn lực mặc dù đã được chuẩn bị, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng một cách đầy đủ khi xảy ra đại dịch. Lực lượng ngành y tế và kiểm dịch còn mỏng, trong khi ý thức phòng chống dịch bệnh của một bộ phận người dân còn yếu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cang cho biết thêm: “Trong thời điểm này, quan trọng nhất là phải đẩy mạnh truyền thông đến từng người dân, đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng chống dịch”.

Chiều qua (ngày 6.5), Sở Y tế đã tổ chức tập huấn triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh về việc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H1N1) ở người cho lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, cán bộ nhân viên y tế các khoa Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm của các cơ sở điều trị, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng của các trung tâm y tế huyện, thành phố. Đây là một trong những hoạt động của ngành để chủ động và sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu điều trị kịp thời, hiệu quả trong công tác điều trị phòng chống dịch cúm A (H1N1).

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát hiện nguồn gốc của virus cúm A (H1N1)  (05/05/2009)
Bí mật xác voi ma mút 37.000 năm tuổi  (05/05/2009)
Gene là thủ phạm gây cơn tam bành  (05/05/2009)
Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về tấn công mạng  (04/05/2009)
“Thanh lọc” cơ thể bằng rau quả  (04/05/2009)
Kích thích hệ miễn dịch, tự chữa khỏi ung thư  (04/05/2009)
Việt Nam tự xét nghiệm được cúm A (H1N1)  (04/05/2009)
Ứng dụng đầu tiên máy chụp cộng hưởng từ hiện đại nhất   (03/05/2009)
Không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp   (03/05/2009)
Nghề giúp việc nhà   (03/05/2009)
Tìm nơi hò hẹn…   (02/05/2009)
Khi bạn đời chán tình dục  (01/05/2009)
Thêm cơ hội cho người nuôi gia cầm  (30/04/2009)
Hàn Quốc tuyên bố nhân bản được chó phát sáng  (29/04/2009)
Cúm lợn và các biện pháp phòng tránh  (28/04/2009)