Đi khám bệnh về, người vẫn còn mệt mỏi, bà Thoa đi vào giường nằm nghỉ. Bà với tay lấy hai viên thuốc doxycyclin vừa được bác sĩ kê cho vào miệng và chiêu nó cùng với một ngụm nước trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi. Uống xong thuốc bà yên tâm nằm ngủ...
Sáng hôm sau dậy, bà thấy họng mình đau như có gai đâm, đau hơn cả lúc chưa đi khám bệnh. Con cháu lại một lần nữa phải đưa bà đi bệnh viện để khám. Bác sĩ kết luận: Nguyên nhân do bà Thoa uống thuốc với quá ít nước lại uống với tư thế không đúng. Thuốc không trôi được xuống dạ dày mà đọng lại ở thực quản. Vỏ thuốc bị vỡ ra, hoạt chất bám vào thực quản gây kích ứng. Nếu để lâu sẽ gây viêm loét thực quản.
Uống thuốc, nghe tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nó lại ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc. Nếu uống thuốc không đúng cách còn gây ra các hậu quả khôn lường như trường hợp của bà Thoa.
Trong mọi trường hợp, nước là đồ uống thích hợp nhất cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương kỵ khi hoà tan thuốc. Các nhà dược học cho biết: nước làm thuốc dễ dàng trôi từ thực quản xuống dạ dày, tránh sự đọng viên thuốc hoặc hoạt chất lại thành thực quản và nhờ đó giảm tác dụng gây kích ứng và gây loét của một số thuốc như quinin, erythromycin, doxycyclin, sắt, aspirin... Điều này đặc biệt quan trọng với người già vì ở đối tượng này lượng dịch tiết ít và thành thực quản khô nên khó dẫn thuốc. Nước còn có tác dụng làm tăng độ hoà tan của thuốc, giúp cho thuốc khuếch tán đến khắp bề mặt ống tiêu hóa và do đó tạo điều kiện cho sự hấp thu tốt hơn.
Như vậy, nước có ảnh hưởng lớn tới những thuốc có độ tan thấp như amoxycilin, theophylin... Lượng nước nhiều sẽ giúp thuốc bài xuất nhanh qua thận và do đó giảm được độc tính của nhiều loại thuốc như cyclophosphamid, hoặc giảm tác dụng phụ tạo sỏi của các sulfamid. Nói chung lượng nước cần để uống thuốc phải từ 100 - 200ml. Không nên nuốt chửng thuốc khi không có nước. Tuy nhiên, ngoại lệ có một số loại thuốc chỉ cần dùng một lượng nước nhỏ chừng 30 - 50ml để chiêu thuốc. Ví dụ như kavet hoặc các thuốc dạng gói bột chữa viêm loét dạ dày theo cơ chế giảm toan (antacid), do cần tạo một lượng bột sánh giữ lâu trong dạ dày để tăng tác dụng trung hòa acid.
Các loại đồ uống sau không nên dùng để uống thuốc: Các loại nước hoa quả, nước khoáng kiềm hoặc các loại nước ngọt đóng hộp có gas (vì các loại nước này có thể làm hỏng thuốc hoặc gây hấp thu thuốc quá nhanh); Không dùng sữa để uống thuốc vì bản chất của sữa là caseinat calci. Ion calci có thể tạo phức với nhiều loại thuốc, ví dụ tetracyclin nếu uống cùng với sữa sẽ bị cản trở hấp thu. Chất tanin trong nước chè có thể gây kết tủa nhiều loại thuốc chứa sắt hoặc alcaloid hay cafein có trong cà phê có thể làm tăng độ hòa tan của một số thuốc như ergotamin nhưng lại cản trở hấp thu các loại thuốc liệt thần. Vì vậy không uống thuốc với loại đồ uống này.
. Theo SK&ĐS |