Hạnh phúc vì được làm mẹ
9:39', 9/5/ 2009 (GMT+7)

Nhiều phụ nữ phải vượt qua bao đắng cay, vất vả mới làm tròn thiên chức của người mẹ. Mẫu số chung của mọi người mẹ là tình thương, sự hy sinh cho con và niềm tự hào được làm mẹ.

Vì công việc, tôi đi nhiều và cũng gặp lắm cảnh trái ngang. Song, sẽ không đủ để tôi thấu tỏ về tình thương và sự hy sinh của người mẹ nếu như tôi chưa được chứng kiến tình cảnh của người hàng xóm có hai đứa con bị di chứng nặng nề của chất độc da cam. Gần 20 năm, chị N.T.B (phường Lê Lợi, Quy Nhơn) chưa có lấy một giấc ngủ trọn vẹn, một bữa cơm ngon. Bởi suốt ngày phải bồng bế, bón từng muỗng cơm, vỗ về giấc ngủ… cho con. Vậy mà, chị chưa bao giờ được nghe con gọi tiếng “Mẹ”. Căn nhà nhỏ của chị ít khi có khách, vì ai cũng hiểu rõ gia cảnh của chị. Chị sợ người lạ phải nhìn thấy hình hài của con mình. Khi hai đứa con lần lượt ra đi, chị ngậm ngùi: “Trước đây, có lúc, tôi đã muốn buông xuôi vì kiệt sức, tủi phận; nhưng giờ lại càng thấy buồn tủi hơn vì không còn được làm mẹ”. Gần đây, chị nhận nuôi một đứa con trai nhỏ. Cảnh mẹ già chăm con mọn cũng lắm gian nan, nhưng gương mặt chị đã rạng ngời hơn vì đã được nghe tiếng gọi “Mẹ”.   

 

Dù vất vả, cực nhọc song hạnh phúc của người phụ nữ vẫn là được làm mẹ (ảnh minh họa). Ảnh: H.P
 

Một lần đi công tác về xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), tôi được nghe chị cán bộ xã kể về cuộc đời của mình. Thời con gái, chị đã cống hiến vì sự độc lập tự do của Tổ quốc. Hòa bình lập lại, chị vượt qua “bia miệng” của người đời, “kiếm” đứa con và cam chịu cảnh khó khăn khi mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn chỉ có một mình. “Có con, cuộc sống của mình gian truân, cực khổ hơn nhiều nhưng được nhìn con cất tiếng khóc chào đời, chập chững bước đi, bi bô gọi mẹ rồi lớn khôn, tôi lại quên đi tất cả khó nhọc” - chị tâm sự. Giờ đây, chị vẫn âm thầm tiếp tục công việc mà 28 năm qua vẫn làm là đi quy tập hài cốt đồng đội về nghĩa trang. Và mỗi khi trở về nhà, đứa con trai đã chuẩn bị sẵn thau nước mát để chị rửa mặt, mâm cơm với đủ món ăn chị thích. Đó là niềm hạnh phúc lớn, với chị.

Ngày của Mẹ được tổ chức vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5. Tại Mỹ, Ngày của Mẹ chính thức trở thành một trong những ngày lễ quốc gia từ năm 1914. Đây cũng là một trong những ngày lễ lớn tại nhiều nước khác như: Australia, Canada, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Ý, Nhật… Tại Việt Nam, Ngày của Mẹ đang dần trở nên phổ biến.

Còn với những người đã từng được làm mẹ đang sống trong Trung tâm Chăm sóc người có công (phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn), thì không ai muốn nhắc đến nỗi đau mất mát tình thương đã được chôn giấu bấy lâu. Dù có hay không trách móc các con, họ vẫn có chung niềm hạnh phúc trong đời vì từng được làm mẹ. Số phận run rủi, nhiều người rơi vào hoàn cảnh “đầu bạc” tiễn “đầu xanh”, thì kỷ niệm về các con vẫn là những ký ức hạnh phúc nhất trong cuộc đời họ.

Ngày mai (10.5) là Ngày của Mẹ. Dù trong lòng nhiều người phụ nữ đã và đang làm mẹ không hề biết có cái ngày này trên đời, thì mỗi ngày trôi qua, là một ngày hạnh  phúc với họ, dẫu để làm tròn thiên chức ấy, họ đã và đang phải nếm trải bao đắng cay, gian khó.              

  • Hồng Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
7 dấu hiệu nên đưa bé đi khám sớm  (08/05/2009)
Những chuyện bí ẩn về não người  (08/05/2009)
Tăng cường hệ miễn dịch để phòng cúm A  (07/05/2009)
Tại sao phải uống thuốc với nhiều nước?  (07/05/2009)
Cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà quản lý  (07/05/2009)
Ngành y tế chủ động ứng phó  (07/05/2009)
Phát hiện nguồn gốc của virus cúm A (H1N1)  (05/05/2009)
Bí mật xác voi ma mút 37.000 năm tuổi  (05/05/2009)
Gene là thủ phạm gây cơn tam bành  (05/05/2009)
Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về tấn công mạng  (04/05/2009)
“Thanh lọc” cơ thể bằng rau quả  (04/05/2009)
Kích thích hệ miễn dịch, tự chữa khỏi ung thư  (04/05/2009)
Việt Nam tự xét nghiệm được cúm A (H1N1)  (04/05/2009)
Ứng dụng đầu tiên máy chụp cộng hưởng từ hiện đại nhất   (03/05/2009)
Không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp   (03/05/2009)