Các nhà khoa học trường Đại học Michigan (Mỹ) đã phát minh ra một loại bê tông mới có khả năng tự liền lại các vết nứt gãy sau khi gặp nước. Phát minh mới này có thể nhanh chóng được ứng dụng để nâng cao mức độ bảo vệ cầu đường trong tương lai.
Loại vật liệu xây dựng mới này có thể bẻ cong thành hình chữ U khi khô mà không bị gãy, chỉ bị vài vết nứt nhỏ cỡ sợi tóc. Các vết nứt sẽ liền lại sau vài ngày gặp nước mưa vì các thành phần cấu tạo bê tông phản ứng với nước mưa và carbon dioxide trong không khí tạo thành hợp chất calcium carbonate đóng vai trò như “chất tạo sẹo” làm lành vết nứt. Thuộc tính bền dai của bê tông sau khi tự liền các vết nứt vẫn giữ nguyên không đổi.
Bê tông “thông minh” có giá thành cao hơn bê tông thường gấp 3 lần. Tuy nhiên, xét về phương diện lâu dài, nó có tính tiết kiệm nhiều hơn vì giảm đáng kể chi phí duy tu, bảo dưỡng các công trình xây dựng và giảm nhu cầu về năng lượng.
Bê tông thông thường giòn và dễ vỡ khi có động đất hay khi bị sử dụng quá mức chịu lực của nó.
Bê tông mới đã được ứng dụng xây dựng tòa nhà chung cư Osaka cao nhất Nhật Bản với 60 tầng. Nó cũng đã được dùng để xây một cây cầu ở Michigan (Mỹ). Qua sử dụng, người ta ghi nhận ưu điểm của cây cầu xây bằng bê tông “thông minh” là rất êm, không gây ra tiếng ồn khi có xe cộ lưu thông như các cây cầu xây bằng bê tông thường. Người ta đang xem xét để tiếp tục sử dụng nó xây dựng các kênh thoát nước ở Montana (Mỹ).
Đây là công trình nghiên cứu dài 15 năm của nhà nghiên cứu Victor Li và đồng nghiệp Yingzi Yang.
Kết quả nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Nghiên cứu về xi măng và bê tông.
|