Trong khi nhiều dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng con người, thì công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong sản phẩm gia súc, gia cầm hiện mới dừng ở… phần ngọn.
|
Một điểm giết mổ gia cầm trên vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám (Quy Nhơn). Ảnh: Tiến Sỹ
|
* Lò mổ “tại gia”
Hiện Bình Định chỉ có 2 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tại Quy Nhơn, với công suất giết mổ 300-500 con/ngày, cung cấp cho các chợ nội thành, siêu thị và nhà hàng. Bên cạnh đó, 1 cơ sở giết mổ gia súc tập trung cũng đã được hình thành tại Quy Nhơn từ vài năm nay, nhưng… chưa đi vào hoạt động. Vì vậy, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu vẫn do các hộ gia đình thực hiện, với hơn 600 điểm phân bố trong các khu dân cư.
Ông Phan Trọng Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng: “Khi xây dựng lò mổ tập trung, tỉnh cũng đã xây dựng quy trình từng bước. Nhưng, trên thực tế đối với các sản phẩm gia súc, gia cầm thì việc thực hiện quy trình này là không khả thi. Bởi, giết mổ “tại gia”, người sản xuất có lợi nhuận cao, trong khi giết mổ tập trung thì chi phí cao nên người sản xuất không “mặn mà” lắm”.
Trong quá trình thanh kiểm tra VSATTP cùng đoàn thanh tra liên ngành tỉnh, chúng tôi đã nhiều lần tận mắt chứng kiến các vi phạm về vệ sinh môi trường ở các điểm giết mổ gia đình. Các điểm giết mổ kiểu này khá đơn giản, gồm một chuồng nuôi nhốt, một bệ xi măng tại nhà liền với bếp để mổ. Nơi giết mổ chỉ vài mét vuông, lông lá vương đầy. Sản phẩm gia súc, gia cầm vừa giết mổ xong lại đem ngay ra trước cửa nhà để bán. Điều đáng nói là các điểm giết mổ tại gia đều không có kiểm tra vệ sinh thú y nên không phát hiện được dịch bệnh. Trong khi đó, đã có nhiều dịch bệnh lây lan trong quá trình vận chuyển, buôn bán, giết mổ.
* “Nắm phần ngọn”
Theo quy trình, việc quản lý sản phẩm động vật phải bắt đầu từ khâu sản xuất của người chăn nuôi, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật và kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.
Quy trình là vậy, nhưng với cách sản xuất, chế biến phân tán như trên, nên việc quản lý chất lượng VSATTP sản phẩm thịt gia súc, gia cầm rất khó khăn. Do lực lượng thú y tỉnh mỏng, chỉ có 80 cán bộ, nên không thể quản lý nổi các công đoạn chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm theo quy trình. Công tác kiểm soát giết mổ hiện chỉ dừng ở việc kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật, chứ chưa kiểm tra động vật trước, trong và sau khi giết mổ, nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế sự lây lan dịch bệnh, đảm bảo VSATTP. Cơ quan quản lý cũng không thể kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.
Tính đến cuối năm 2008, Bình Định có hơn 326 ngàn con trâu bò, 582 ngàn con heo, 2,2 triệu gia cầm. Với sản lượng thịt gia súc, gia cầm xuất chuồng 51 ngàn tấn, ngoài cung cấp cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng hàng năm, còn cung cấp cho thị trường các thị trường Đà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh. |
Mặt khác, cán bộ tham gia công tác quản lý trong lĩnh vực này hầu hết đều làm kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu từng đợt công tác, chưa được tập huấn, đào tạo chuyên môn về VSATTP. Ngay như Phòng Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, hiện vẫn đang “khuyết” cán bộ làm công tác nông lâm sản. Trang thiết bị phục vụ cho việc xác định tồn dư kháng sinh trong thịt, các tiêu chuẩn vi sinh về nguồn nước trong chăn nuôi, chất lượng thịt, không khí… cũng chưa được trang bị đầy đủ.
Ông Lê Ngọc Pháp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Với tập quán sản xuất, chăn nuôi theo kiểu thủ công và giết mổ phân tán nhỏ lẻ như hiện nay thì việc quản lý về khâu sản xuất nguyên liệu gia súc, gia cầm đang gặp rất nhiều khó khăn. Cơ quan Nhà nước không thể đến từng hộ gia đình để quản lý”.
* Nhà nước và nhân dân phải cùng vào cuộc
Thực trạng trên cho thấy, muốn quản lý được VSATTP trong sản phẩm gia súc, gia cầm, phải có một nhóm hợp tác xã hoặc doanh nghiệp chịu trách nhiệm kiểm tra tất cả các công đoạn, từ lựa chọn giống, quá trình chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Hiện nay, Bình Định đang triển khai các mô hình, rồi sau đó, mới tiến lên xây dựng tổ hợp tác sản xuất; từ đó, đưa ra các quy trình sản xuất, giám sát. Việc xây dựng lò mổ tập trung sẽ phục vụ tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh. Qua đó, lực lượng thú y có đủ điều kiện kiểm tra phát hiện dịch bệnh và ngăn chặn kịp thời.
Hiện, Sở NN-PTNT đã phối hợp các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách khuyến khích giết mổ động vật tập trung. Tuy nhiên, ông Phan Trọng Hổ nhấn mạnh: “Vai trò quản lý của Nhà nước chỉ là một vế nhỏ, người sản xuất và người tiêu dùng mới là người nắm phần quan trọng. Vì thế, cần phải có xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng vào cuộc thì mới quản lý nổi”.
|