Phụ nữ vừa là người tiêu dùng, vừa đóng vai trò là người nội trợ, nên thường xuyên tiếp xúc với thực phẩm. Mặt khác, là người vợ, người mẹ nên họ luôn quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Đó là những lý do khiến phụ nữ trở thành một trong những đối tượng được chú trọng khi tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
|
Một tiểu phẩm tuyên truyền về VSATTP tại buổi giao lưu “Phụ nữ với công tác VSATTP”. |
* Giúp chị em hiểu và làm theo
Một chị bán thịt ở chợ khu Sáu (Quy Nhơn) nói rằng chị lấy thịt từ lò mổ và đã qua kiểm dịch, nên chị rất yên tâm khi bán, cũng như khách hàng hãy yên tâm mua mà không sợ gì cả. Đó là điều quan trọng nhất, còn những quy định khi bán thực phẩm tươi sống khác thì chị không biết. Có lẽ bởi vậy, nên sạp để thịt của chị chỉ cách mặt đất chừng 30cm, chị cũng không đeo tạp giề khi bán.
Và không chỉ riêng chủ hàng này mà rất nhiều nữ tiểu thương bán hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ có lẽ cũng không biết đến các quy định này. Ở các hàng cá, cá được bày bán trên các vỉ tre chứ không phải trong các khay như quy định. Sau khi sơ chế cá theo yêu cầu của khách hàng, người bán lại rửa tay vào chính những thau nước ngâm cá…
Chiếm phần lớn trong số người đi chợ cũng là phụ nữ. Và có lẽ, không phải ai trong họ cũng đều biết rằng có nhiều chủ hàng thực phẩm ở chợ chưa tuân thủ các quy định về VSATTP đối với loại hàng họ đang bán.
Mặt khác, hầu hết các quán ăn đường phố hay quầy hàng bán thực phẩm nấu chín đều do phụ nữ đảm trách. Và phụ nữ cũng chiếm một lượng không nhỏ trong số khách hàng đến đây. Song, có lẽ không phải ai trong số những người bán và người mua này biết đến 10 tiêu chuẩn vệ sinh đối với thức ăn đường phố, hay việc sử dụng chất phụ gia trong thực phẩm thì sẽ gây hại gì...
Từ thực tế đó và để thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh với Sở Y tế, cũng như tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” (do Hội LHPN Việt Nam phát động vào tháng 3.2008), Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động.
Trong Tháng hành động vì VSATTP này, tính đến nay, Hội đã và đang tổ chức tuyên truyền cho khoảng 1.000 lượt hội viên phụ nữ tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh và tổ chức 2 điểm giao lưu tìm hiểu kiến thức tại TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn. Các nội dung được tuyên truyền đến hội viên phụ nữ là các quy định của pháp luật về VSATTP, 10 nguyên tắc vàng trong chế biến an toàn thực phẩm, các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, nguyên nhân và cách phòng tránh...
Ngoài ra, tại mỗi buổi giao lưu, Hội cũng vận động 10 gia đình hội viên tại địa phương ký kết thực hiện nội dung 5 không - 3 sạch (không có người thân mắc các tệ nạn xã hội, không có trẻ em bỏ học giữa chừng, không có trẻ em suy dinh dưỡng, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên - sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ).
|
Đại diện các gia đình hội viên phụ nữ phường Nguyễn Văn Cừ (Quy Nhơn) ký cam kết thực hiện “5 không - 3 sạch”. |
* Vì sức khỏe gia đình và cộng đồng
Trước đó, để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Mục tiêu của Cuộc vận động này là tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện một số vấn đề cấp bách của VSATTP hiện nay như: phòng bệnh tiêu chảy cấp và các bệnh lây qua thực phẩm; hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh và hướng dẫn sử dụng an toàn hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm; nâng cao trách nhiệm, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của người sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm; tăng cường vệ sinh ăn uống trong gia đình, quán ăn đường phố, bếp ăn tập thể, cơ sở giết mổ động vật…
Trong một năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hơn 500 buổi tuyên truyền Pháp lệnh VSATTP, 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm, 8 quyền và 5 nhiệm vụ của người tiêu dùng. Ngoài ra còn có các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt lồng ghép, diễn đàn, giao lưu cùng chủ đề trên. Các cấp Hội cũng đã vận động hơn 400 hội viên, chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đăng ký thực hiện tốt công tác đảm bảo VSATTP trong chế biến, sản xuất và các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội còn vận động xây dựng mô hình rau an toàn điểm tại huyện Hoài Nhơn với 60 hộ tham gia và 170 hộ đăng ký. Đầu năm 2009, Hội LHPN TP Quy Nhơn cũng mở đợt phát động xây dựng mô hình này tại phường Ghềnh Ráng.
Đánh giá về kết quả sau một năm hưởng ứng Cuộc vận động này, chị Nguyễn Thị Đàng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nói: “Các hoạt động trên đã giúp người dân, trong đó có phần đông phụ nữ - những người tham gia vào quá trình mua bán, chế biến thực phẩm - có thêm những kiến thức cơ bản về quyền lợi của người tiêu dùng về chất lượng VSATTP. Cuộc vận động cũng giúp nhiều hội viên có ý thức và thay đổi hành vi trong quá trình mua bán, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng nói chung và phụ nữ - trẻ em nói riêng”.
|