Mùa dông bão, cần biết cách chống sét
10:46', 19/5/ 2009 (GMT+7)
 

 

Trời mưa dông cần tránh xa các vật dụng bằng kim loại đề phòng sét đánh.

TPHCM là khu vực có tần suất sét đánh cao nhất cả nước với 14,9 lần/km² trong một năm (tại huyện Củ Chi) và 13 lần/km2 trong một năm với các quận, huyện khác.

Chiều 16.5, một trận mưa dông lớn kèm theo sấm sét đã cướp đi sinh mạng 6 người của 3 xã Nam Thành, Khánh Thành và Trung Thành thuộc huyện Yên Thành - tỉnh Nghệ An. Đặc biệt trong đó, một nhóm nông dân đã chạy vào chòi trú mưa nhưng vẫn bị sét đánh, khiến 3 người chết và 9 người khác bị thương. Những tai nạn thương tâm từ sét đánh đã khiến nhiều người lo sợ khi mùa mưa, mùa dông bão đã bắt đầu trên cả nước.

Dông sét mạnh nhất từ tháng 4-9

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Khoa học Công nghệ VN), sét là hiện tượng phóng điện trong một đám mây giữa các vùng điện tích trái dấu, giữa các đám mây với nhau hoặc giữa mây với đất. Trong loại sét đánh xuống đất người ta phân chúng ra làm hai loại: sét âm và sét dương. Sét âm (90%) chủ yếu xuất hiện từ phần dưới đám mây đánh xuống đất. Sét dương thường xuất hiện từ trên đỉnh đám mây đánh xuống. Loại sét dương này xuất hiện bất ngờ và đôi khi rất nguy hiểm vì trời vẫn quang và chưa mưa.

VN nằm ở một trong ba tâm dông có hoạt động dông sét mạnh trên thế giới nên hoạt động sét tương đối nhiều trên phạm vi cả nước. Theo thống kê ở nước ta có chừng 2 triệu cú sét đánh xuống đất trong một năm. Mật độ dao động từ 5-15 cú sét đánh trên 1 km² trong một năm. Thời điểm dông sét xuất hiện mạnh nhất là từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Trong 10 năm trở lại đây, rất nhiều công trình, đường dây tải điện, kho tàng, các thiết bị ngành bưu chính viễn thông, thiết bị nghiên cứu khoa học, thiết bị điện tử đã bị sét đánh, gây hư hỏng với thiệt hại rất lớn về kinh tế. Không chỉ vậy, sét còn gây tâm lý hoang mang cho nhiều người.

Theo TS  Nguyễn Đắc Hiền, Phân Viện phó Phân viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật bảo hộ lao động TPHCM, trong những năm gần đây, khí quyển diễn biến phức tạp nên tần số sét đánh khá cao. TPHCM là khu vực có tần suất sét đánh cao nhất cả nước với 14,9 lần/km² trong một năm (tại huyện Củ Chi) và 13 lần/km² trong một năm với các quận, huyện khác. Theo TS Hiền, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do TPHCM tập trung nhiều công ty, nhà máy sản xuất nên thải ra nhiều khói bụi (có chứa các ion kim loại).

Phòng ngừa sét

TS Nguyễn Xuân Anh nhận xét: “Đa phần người dân chỉ khi gặp chuyện rồi thì mới sợ, mới tìm hiểu cách thức phòng tránh, còn thường ngày rất chủ quan”. Đơn cử, hành vi trú dưới gốc cây vẫn diễn ra hằng ngày với hầu hết người dân mỗi khi có mưa, trong khi điều này đã được khuyến cáo trong quy phạm phòng chống sét từ lâu. Theo thống kê, khi sét đánh xuống cây, thì một tia sét có thể giết chết ngay vài người xung quanh. Một khảo sát gần đây của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy hầu hết nhà dân ở khu vực nông thôn chưa được trang bị thiết bị chống sét.

Để tránh những tai nạn thương tâm do sét đánh trên các cánh đồng, TS Nguyễn Đắc Hiền gợi ý chính quyền địa phương nên gắn các thiết bị chống sét cho các căn chòi ở giữa đồng để giúp người dân có chỗ trú ẩn an toàn khi mưa dông kéo đến.  Khi tránh sét, người dân cần đứng hoặc ngồi chụm 2 chân sát nhau tạo thành một điểm duy nhất tiếp xúc với mặt đất, nên ngồi ở giữa chòi hoặc tối thiểu cách tường khoảng 1-2 m, tuyệt đối tránh tựa lưng vào tường. Nên tránh xa các vật bằng kim loại như cuốc, liềm, xe đạp, xe máy... Một lưu ý nữa là tuyệt đối tránh tập trung thành nhóm đông người mà nên tách ra để giảm bớt tỉ lệ rủi ro cho cả nhóm.

Ngoài ra, người dân muốn tìm hiểu thông tin về sét và cách phòng chống, có thể vào website nghiên cứu về dông sét của TS Nguyễn Xuân Anh tại địa chỉ http://www.thunderstorm.org.vn/ để tham khảo thông tin.

Làm sao tránh sét ?

TS Nguyễn Xuân Anh đưa ra những hướng dẫn nhằm giúp người dân tránh rủi ro khi có mưa dông:

Nếu đang ở ngoài trời: Tuyệt đối không trú mưa dưới các cây cao, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt...; ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.

Nếu như bạn cảm thấy lông, tóc bị dựng lên (cảm giác như khi sờ tay trước mặt tivi) thì có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức cúi người xuống, chụm hai chân lại làm một và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Sau khi nghe thấy tiếng sét 30 phút thì có thể trở lại làm việc bình thường.

Nếu đang ở trong nhà: Đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước. Không nên dùng điện thoại. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1 m.

. Theo NLĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tàu ngầm lớp Kilo - sát thủ vô hình dưới biển  (18/05/2009)
Rối loạn phát triển vì... ép ăn  (18/05/2009)
Vaccine ngừa bệnh AIDS trên khỉ  (18/05/2009)
Phát hiện bộ xương giống khủng long ở Bình Thuận  (17/05/2009)
Mạng Internet cộng đồng tấn công giới trẻ  (17/05/2009)
Phụ nữ với vệ sinh an toàn thực phẩm   (17/05/2009)
Phụ nữ khỏe hơn nam giới nhờ hormone tình dục  (15/05/2009)
Cây hoa mười giờ - thuốc tiên chữa bỏng  (15/05/2009)
Mỹ công bố hình ảnh B-2 “phá tường âm thanh”   (15/05/2009)
Bọt biển nước ngọt lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam  (14/05/2009)
Vận động thể chất có thể ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề  (14/05/2009)
Người dùng internet VN thờ ơ với bảo vệ dữ liệu riêng  (14/05/2009)
Phương pháp mới chẩn đoán, điều trị ung thư vú  (14/05/2009)
Mới chỉ “nắm phần ngọn”!  (14/05/2009)
Bê tông có thể uốn cong biết tự liền vết nứt  (13/05/2009)