|
Thạc sĩ Lê Quang Hùng |
Đã có 11 tỉnh công bố có dịch với hơn 500 trường hợp mắc tiêu chảy cấp (TCC), trong đó có 53 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Dịch đang có xu hướng lan rộng và bùng phát mạnh. PV Báo Bình Định có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, xung quanh vấn đề này.
* Hiện nay, dịch TCC nguy hiểm nguyên nhân do phẩy khuẩn tả đã lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Khu vực miền Trung cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh TCC ở tỉnh Thanh Hóa. Vậy, ông đánh giá thế nào về nguy cơ của Bình Định?
- Nguy cơ xảy ra dịch luôn tiềm ẩn vì bệnh TCC lây qua đường ăn uống do thói quen ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh, ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước… Đó là chưa kể sự thông thương về du lịch, người mang mầm bệnh, đang trong thời kỳ ủ bệnh, có thể đi bất cứ nơi đâu, trong khi các đoàn tàu khách vẫn thải phân trực tiếp xuống đường sắt. Bình Định là tỉnh đầu mối giao thông có cảng, nhà ga, sân bay, đường bộ… Hơn nữa, hiện nay đang là mùa hè - mùa của bệnh đường tiêu hóa - nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch TCC nguy hiểm.
* Nhiều ca bệnh TCC nguy hiểm được xác định có liên quan đến thịt chó. Nhưng liệu với các thực phẩm khác thì sao?
- Thịt chó không phải là loại thực phẩm phổ biến ở Bình Định như các tỉnh phía Bắc. Do đó, các quán kinh doanh thực phẩm này tại Bình Định có qui mô không lớn, nguy cơ gây dịch cũng giảm thiểu hơn. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là chúng ta đã yên tâm “gác chân” đâu. Bởi, đã nói đến bệnh tiêu hóa, bất cứ thức ăn nào nếu bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh, hoặc ngộ độc thực phẩm.
* Vậy, đến thời điểm này, vấn đề đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) để phòng chống dịch ở tỉnh ta ra sao, thưa ông?
- Ngành Y tế luôn luôn cảnh giác cao với dịch bệnh, nhất là đang trong mùa hè, mưa nắng thất thường. Vấn đề VSATTP của tỉnh vẫn đang còn có rất nhiều vấn đề đáng lo ngại, từ các khâu quản lý nguồn, chế biến, tiêu dùng thực phẩm; ý thức và thói quen của người dân, người chế biến; điều kiện vệ sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, rác thải chưa được kiểm soát tốt… Mặt khác, kinh phí cho chương trình VSATTP quá thấp. Cũng phải nói thêm rằng, tỉ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh và nguồn nước sạch để dùng ở Bình Định cũng còn rất khiêm tốn, có huyện chỉ đạt 30%.
* Để đảm bảo VSATTP, nhằm hạn chế yếu tố nguy cơ của dịch bệnh, ông có đề xuất gì không khi mà sắp tới, tỉnh ta sẽ tổ chức nhiều kỳ thi quan trọng?
- Phòng chống dịch bệnh là một kế hoạch mang tính tổng thể gồm nhiều biện pháp khác nhau, liên hoàn và thống nhất. Nhưng biện pháp hiệu quả nhất thì theo tôi vẫn là nâng cao ý thức và thực hành bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh của người dân. Riêng vấn đề VSATTP, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo cho các đơn vị trong ngành tăng cường công tác thanh kiểm tra về VSATTP, chú trọng đến thanh kiểm tra thức ăn đường phố, nước uống đóng chai…
* Ở thời điểm này, ngành Y tế đang ưu tiên cho hoạt động gì trong phòng chống dịch TCC? Việc dự trữ thuốc điều trị, trang thiết bị, hóa chất… liệu có đáp ứng được nếu dịch xảy ra?
- Tất cả đều sẵn sàng từ khi có thông báo đầu tiên của Bộ Y tế về TCC nguy hiểm cách đây hơn một năm, như: tổ chức các lớp tập huấn, chuẩn bị thuốc, hóa chất, trang thiết bị tại tất cả các cơ sở y tế… để khi có dịch xảy ra thì có thể đáp ứng kịp thời, dập tắt dịch nhanh nhất trong khả năng có thể.
Hoạt động ưu tiên hiện nay vẫn là truyền thông, giám sát dịch bệnh để phát hiện kịp thời ca bệnh đầu tiên, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thuốc men…
* Cảm ơn ông!
Theo báo cáo hàng tuần của ngành Y tế thì số ca TCC của Bình Định dao động 60-80 ca, hội chứng lỵ 30-40 ca. Đã vài lần, ngành Y tế được báo động về một số ca nghi tả. Ngay sau khi nhận thông tin, toàn bộ hệ thống được huy động để chẩn đoán xác định ca bệnh, khai thác tiền sử dịch tễ để thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, bao vây dập dịch kịp thời… Rất may là chưa có ca nào dương tính với phẩy khuẩn tả. |
|