Ngày 26.5, Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB – trực thuộc UNESCO) đã chính tức đưa Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) và mũi Cà Mau (Cà Mau) vào danh sách khu dự trữ sinh quyển thế giới.
|
Một góc Cù lao Chàm
|
Quyết định trên được đưa ra trong ngày thứ hai kỳ họp thứ 21 của MAB tại Jeju (Hàn Quốc). Cù lao Chàm và mũi Cà Mau được công nhận vì tính đặc hữu hiếm có.
Có khoảng 3.000 dân sinh sống, khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm rộng gần 40.000ha, được khoanh vùng đến tận khu đô thị cổ Hội An với mô hình sinh quyển - con người - văn hóa.
Riêng đảo Cù lao Chàm cách đô thị cổ Hội An 19km, là một quần đảo bao gồm 8 đảo lớn nhỏ nằm theo hình cánh cung trên diện tích 15km².
Theo các nhà địa chất, Cù lao Chàm là phần kéo dài về phía Đông Nam của khối đá granit Bạch Mã - Hải Vân - Sơn Trà, hình thành cách đây khoảng 230 triệu năm.
Trải qua quá trình biến động, các khe nứt kiến tạo trên đá granit thành những hang có hình thù khác nhau, tạo nên những cảnh đẹp thơ mộng cùng hàng chục bãi biển hoang sơ với nền cát mịn, sạch.
Khoảng 3.000 năm trước, Cù lao Chàm đã có cư dân cổ sinh sống. Trong diễn trình lịch sử, nơi đây còn rất nhiều di tích thuộc các hệ văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt chứng minh mối quan hệ giao lưu giữa Cù lao Chàm với các nước trong khu vực và là điểm dừng chân của thương thuyền các nước trên hành trình “Con đường tơ lụa” trên biển.
Hiện Cù lao Chàm có 135 loài san hô, trong đó có 6 loài lần đầu tiên được ghi nhận ở vùng biển Việt Nam. Theo các nhà khoa học, Cù lao Chàm có 947 loài sinh vật sống trên các vùng nước quanh đảo, trong đó có 178 loài sinh vật biển, hơn 50 loại cá, 56 loài thân mềm như ốc, ngọc trai, nhiều loại nằm trong sách đỏ của Việt Nam.
|
Mũi Cà Mau (Ảnh: Internet)
|
Trong khi đó, mũi Cà Mau có quy mô 371.506ha. Tại đây có rừng ngập mặn giá trị lớn nhất Việt Nam gồm hơn 100 loài động vật quý hiếm. Gần đây nhiều loài chim quý đã xuất hiện trở lại, tạo thành vườn chim lớn ở mũi Cà Mau, trong đó có nhiều loài như sen, chàng bè và diệc móc đã vắng bóng hàng chục năm qua.
Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 8 khu dự trữ sinh quyển Thế giới gồm rừng ngập mặn Cần Giờ (TPHCM), vườn quốc gia Cát Tiên, đồng bằng sông Hồng, quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Cù lao Chàm và mũi Cà Mau.
. Theo NLĐ |