Tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà là dịch vụ đang rất phổ biến, mang lại nhiều tiện lợi cho các bà mẹ. Tuy giá dịch vụ khá cao, nhưng chẳng thấm vào đâu so với an toàn sức khỏe của đứa trẻ mới chào đời…
|
Không chỉ ở bệnh viện, sự chăm sóc của các nữ hộ sinh vẫn rất cần thiết cho cả mẹ và bé khi đã về nhà.
- Trong ảnh: Chăm sóc trẻ sơ sinh tại khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
|
Mẹ cần, con vui
11 giờ, hết giờ làm buổi sáng, chị N.T.N, nữ hộ sinh ở khoa Phụ sản của một bệnh viện đa khoa trên địa bàn TP Quy Nhơn, đến nhà chị Nguyễn Thị P. trên đường Diên Hồng để tắm cho bé Huỳnh Thái Nghi. Rửa tay sạch sẽ, chị lấy chậu pha nước ấm và sữa tắm đem vào buồng kín. Sợ bé mới ngủ dậy dễ bị ọc sữa, chị N. vừa cởi áo cho bé, vừa xoa nhẹ lưng, sau vài giây mới nhẹ nhàng cho bé vào chậu nước ấm. Một tay đỡ đầu và lưng bé, một tay chị N. tắm, vệ sinh mắt, mũi, miệng. Công đoạn này chị chỉ làm vài phút là xong, gọn gàng và nhanh. Vừa tắm xong thì bé Nghi đi ngoài phân đen, chị P. tranh thủ nhờ chị N. tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng. “Quan trọng nhất của bé sơ sinh là chăm sóc rốn, người nhà dù có kinh nghiệm cũng không dám làm”, chị N. nói.
Năm nay 47 tuổi, nhưng chị N. đã có hơn 20 năm làm nữ hộ sinh. Hơn 10 năm nay, chị N. làm thêm dịch vụ tắm bé ngoài giờ cho các sản phụ. Bây giờ, chị N. đã có nhiều mối quen, khách ruột.
Theo chị N, mỗi lần tắm bé kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ, nhưng đó là những trường hợp có người nhà giúp chuẩn bị sẵn sàng nước ấm và đồ tắm cho bé, còn không thì chị đều phải làm tất.
Theo chị P.T.L, 37 tuổi, nữ hộ sinh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đa phần các nữ hộ sinh làm thêm đều tranh thủ thời gian nghỉ trưa. “Con gái tôi mới đi học; ông xã làm ở bưu điện, nên buổi trưa cũng phụ giúp việc gia đình, tôi mới có thời gian chừng 1 tiếng để đi tắm bé tại nhà. Buổi chiều bận bịu, với lại tắm lúc đó sẽ làm bé lạnh nên chẳng ai làm”- chị L. tâm sự.
Có thể nói, dịch vụ tắm tại nhà cho bé đã mang lại lợi ích cho cả hai bên: các nữ hộ sinh tranh thủ thời gian làm ngoài ca trực để có thêm thu nhập; còn các bà mẹ thì có thời gian nghỉ ngơi sau cuộc “vượt cạn”, có người chia sẻ kinh nghiệm mỗi khi sức khỏe của con có “vấn đề”. Sau khi sản phụ từ bệnh viện về nhà, đều đặn hằng ngày, các nữ hộ sinh sẽ tới tắm cho bé. Tùy theo yêu cầu mà họ tắm cho bé cho đến lúc bé rụng rốn (khoảng 7-10 ngày), nửa tháng, hoặc lâu hơn có khi kéo dài tới 6 tháng.
Dù đã sinh con lần thứ hai, chị Nguyễn Thị P. vẫn thuê dịch vụ tắm bé tại nhà. Chị P. cho biết: “Nhà chỉ có hai vợ chồng và một cô con gái đang học lớp 4. Khi sinh bé Nghi, một mình tôi xoay rất cực, nên tôi thuê hẳn người tắm cho bé hơn 1 tháng cho yên tâm. Tôi sợ nhất là bé bị nhiễm khuẩn rốn. Mẹ thì cần, mà con được cô tắm cũng vui hơn!”.
Còn chị Ngô Thu (ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn), 2 lần sinh con gái chị đều nhờ dịch vụ tắm bé tại nhà. Cả mẹ chồng, mẹ ruột đều khỏe mạnh, nhưng chị vẫn muốn có người am hiểu chuyên môn để chăm sóc con trong những ngày đầu chào đời. “Không chỉ tắm cho bé, nữ hộ sinh còn thường xuyên thông báo cho tôi tình hình sức khỏe của bé, như tuần này da bé bắt đầu căng lên, tức bé đang tăng cân; bé bị vàng da cần phải nhập viện; hoặc da bé có nổi những mụn nhỏ do bị viêm da, cần mua thuốc bôi; hay chỉ đơn giản là tư vấn về cách cho bú”- chị Thu vui vẻ cho biết.
Vui - buồn tắm bé tại nhà
Dù tắm bé là công việc hàng ngày các nữ hộ sinh vẫn làm ở bệnh viện, nhưng có bà mẹ thuê người tắm bé một lần đã phải vội đổi người khác. Trong khi tắm nhiều bé thường hay quấy khóc vì sợ nước, các nữ hộ sinh phải tập cho bé thói quen nhìn nước, bé sẽ thích thú khi thấy làn nước lóng lánh và bóng mình trong đó, sự hứng thú sẽ tan biến cảm giác lo sợ của bé.
Với những nữ hộ sinh, công việc ban đầu khi nhận lời giúp các bà mẹ đơn giản chỉ là tắm bé, nhưng làm lâu quen, khách xin số điện thoại rồi nhờ tư vấn luôn cách chăm sóc sức khỏe cho con. Những câu trả lời nhanh chóng, chính xác cho các cuộc điện thoại lúc nửa đêm của các bà mẹ đang hốt hoảng thật sự là “liều thuốc tinh thần” quý giá, nhất là với những người lần đầu làm mẹ…
Làm việc chu đáo, tận tình nên nhiều nữ hộ sinh có khách quen, nhiều người xem họ như người trong nhà, không chỉ trả công bằng tiền mà còn những thứ quà cáp thân tình. Hơn thế, niềm vui của những nữ hộ sinh làm dịch vụ tắm bé tại nhà còn là được tận mắt nhìn thấy từng bé đang lớn mỗi ngày. “Trẻ con xinh như những thiên thần. Có những bé mới 1-2 tháng tuổi đã biết bắt chuyện, dễ thương lắm. Gặp những bé như thế, tôi lại thấy công việc mình đang làm thật ý nghĩa”- chị N. chia sẻ.
Thông thường, tiền công cho mỗi lần tắm bé là 50.000 đồng, khá cao, nhưng không phải ai cũng làm được công việc đòi hỏi sự nhẫn nại này. Những nữ hộ sinh có điều kiện kinh tế đều từ chối những lời mời đến nhà tắm bé. Nhiều nữ hộ sinh mới ra trường thường không chịu nổi “yêu cầu” hay “đòi hỏi” của khách hàng.
Một nữ hộ sinh có thời gian dài tham gia dịch vụ tắm bé tại nhà tâm sự: “Lúc còn ở bệnh viện, các bà mẹ và người nhà phải nghe lời khuyên của nữ hộ sinh. Nhưng về nhà rồi, những người lớn tuổi thường hay “kiêng cữ” quá đà cho bé, mình nói nhỏ nhẹ có người nghe ra, nhưng cũng có người đâm ra khó chịu gắt gỏng”…
|