Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần VII (2010-2011):
Phong trào sâu rộng, hiệu quả cao hơn
21:27', 13/12/ 2011 (GMT+7)

Giải pháp “Ứng dụng nguyên lý đàn hồi trong thiết kế, chế tạo cơ cấu nâng hạ bảng dạy học” của giáo viên Trương Văn Nga (Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn) đạt giải Nhì ở lĩnh vực giáo dục.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ký quyết định công nhận 34 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII. Trong 34 giải pháp đạt giải, nhiều giải pháp đã và đang được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Ngoạn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Bình Định (LHH), về kết quả cuộc thi.

* Thưa ông, ông có thể cho biết những thành công của Hội thi lần này?

- Ở Hội thi lần này, số lượng giải pháp tham gia vượt dự kiến ban đầu. Đây là Hội thi thành công hơn 6 lần trước đây về số lượng, chất lượng giải pháp tham gia. Có tất cả 89 giải pháp tham gia, gần gấp đôi so với Hội thi lần VI, trong đó có 79 giải pháp hợp lệ (những giải pháp không hợp lệ đa số còn nằm ở dạng ý tưởng hoặc chưa ứng dụng ở Bình Định). Trong 34 giải pháp đạt giải, có 5 giải nhất, 5 giải nhì, 5 giải ba và 19 giải khuyến khích, với tổng số tiền thưởng là 276 triệu đồng.

Không chỉ thành công ở số lượng, Hội thi năm nay còn cho thấy phong trào nghiên cứu, sáng tạo đã lan tỏa rộng rãi hơn. Đối tượng dự thi cũng được mở rộng hơn. Ngoài các tác giả đang công tác tại các viện, trung tâm nghiên cứu; sở, ngành; trường học, còn có các cá nhân, doanh nghiệp tham gia. Nhiều cá nhân, đơn vị tham gia liên tục. Có những người lần thi nào cũng tham gia, lần trước không đạt giải lần này vẫn tiếp tục gửi giải pháp dự thi. Hơn nữa, ở một số ngành, cơ quan, các cán bộ đầu ngành hoặc lãnh đạo đơn vị đều có giải pháp tham dự. Chẳng hạn như Viện Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, Viện trưởng, Viện phó đều có giải pháp tham dự. Đây là một sự khích lệ lớn đối với Hội thi. Các giải pháp kỹ thuật tham gia Hội thi đều có tính ứng dụng cao, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả KT-XH, vì lợi ích cộng đồng.

Để có được những thành công này là nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh đối với phong trào, thể hiện ở việc dành kinh phí thỏa đáng cho Hội thi, hỗ trợ tích cực cho công tác tuyên truyền. Rút kinh nghiệm ở những lần thi trước, ngay từ đầu, Ban tổ chức đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để vận động các cá nhân, đơn vị dự thi. Công tác tuyên truyền được làm tốt, đánh động được nhiều tầng lớp tham gia. Ban giám khảo làm việc công tâm và nhiệt tình…

* Ông đánh giá như thế nào về chất lượng của các giải pháp tham gia Hội thi?

- Hội thi lần này có số lượng giải pháp hợp lệ nhiều, chất lượng được nâng cao, có hiệu quả thiết thực trong đời sống. Điển hình như giải pháp nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy ép bo đáy cầu của kỹ sư Nguyễn Văn Dương, Công ty TNHH Văn Dương, đạt giải Nhất ở lĩnh vực cơ khí tự động hóa, được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Hay giải pháp “Phủ bạt hồ sigar, thu hồi khí metan” của kỹ sư Nguyễn Bình Phương, Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định, đạt  giải Nhì ở lĩnh vực cơ khí tự động hóa, được đánh giá cao về hiệu quả trong sản xuất và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Hội thi lần này có nhiều giải pháp thiết kế đồ dùng, mô hình dạy học tham gia và đạt giải, chứng tỏ phong trào nghiên cứu sáng tạo ở các trường học ngày càng sôi động và hiệu quả ứng dụng của giải pháp ngày càng cao.

* Hội thi lần này còn có những điểm gì cần khắc phục, thưa ông?

- Mặc dù đã có những thành công nhất định nhưng hội thi lần này vẫn còn những hạn chế. Nếu tuyên truyền tốt và sớm hơn ngay từ đầu với thời gian dài, rộng rãi hơn thì sẽ có nhiều người tham gia hơn; vì khi đã kết thúc thời gian nhận giải pháp, vẫn có nhiều người gọi điện đến đề nghị được nộp giải pháp dự thi.

Qua kết quả hội thi, có thể nhận thấy, mặc dù phong trào nghiên cứu sáng tạo đã được phổ biến sâu rộng nhưng chưa đều. Nhiều ngành như nông nghiệp, y tế… có nhiều giải pháp dự thi, trong khi một số ngành quan trọng không kém như: giao thông, thủy lợi… hầu như không có giải pháp tham gia. Qua lực lượng tham gia dự thi, cho thấy, các giải pháp chủ yếu tập trung ở những người thường xuyên tham gia; lực lượng khoa học trẻ tham gia chưa nhiều. Hơn nữa, chất lượng các giải pháp chưa đều, chủ yếu là các giải pháp ứng dụng, còn tính sáng tạo và tính mới vẫn chưa rõ nét.

* Xin cảm ơn ông!

  • MAI HỒNG (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thả 20 con cầy hương về rừng  (13/12/2011)
Quảng cáo phản khoa học  (12/12/2011)
Phương tiện mới phát hiện nhanh chất độc quân sự  (12/12/2011)
Quân đội VN chế tạo thành công nhiên liệu tên lửa  (12/12/2011)
Tại sao xe máy Honda liên tục bị cháy nổ?  (11/12/2011)
Dịch vụ tắm cho trẻ tại nhà  (10/12/2011)
Biết mấy cho cân  (09/12/2011)
Cần sớm có mô hình phù hợp  (09/12/2011)
Nga sản xuất da nhân tạo chữa bỏng và bệnh mắt  (09/12/2011)
Sữa nhiễm phóng xạ không có mặt ở Việt Nam  (09/12/2011)
Sẽ xử lý nghiêm vi phạm về ATVSTP trong dịp Tết  (08/12/2011)
Ngày càng thu hẹp   (07/12/2011)
Thực trạng và trăn trở   (07/12/2011)
Chủ động phòng, chống dịch cúm mới xuất hiện  (07/12/2011)
Sách giáo khoa điện tử sẽ thế chỗ sách truyền thống  (07/12/2011)