Công tác DS-KHHGĐ luôn có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, kịp thời theo từng giai đoạn nhất định. 50 năm qua (26.12.1961-26.12.2011), bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiều thách thức đang đặt ra với công tác DS-KHHGĐ.
Năm 1961, khi dân số nước ta mới khoảng 30 triệu người, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Quyết định số 216/CP ngày 26.12.1961 về sinh đẻ có hướng dẫn cho nhân dân. Quyết định 216/CP được coi là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, mang đậm tính nhân văn. Đến năm 1993, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã xác định công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước.
|
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiều thách thức đang đặt ra với công tác DS-KHHGĐ. Vì thế vai trò của truyền thông cần được đề cao hơn. |
Ngày 26.11.2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký và ban hành Quyết định 2161/QĐ-TTg lấy tháng 12 hàng năm là “Tháng hành động quốc gia về dân số” nhằm n âng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam.
Thành tựu của công tác DS-KHHGĐ mà chúng ta đạt được trong thời gian qua rất quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 1.4.2009 cho thấy, tỉ lệ gia tăng dân số bình quân trong 10 năm vừa qua là 1,2%/năm - mức thấp nhất trong suốt 50 năm. Thành công lớn nhất là từ năm 2006, chúng ta đã đạt mức sinh thay thế (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con) và đến nay là 2,03 con, về đích sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII, đã đề ra.
Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, mức sinh thay thế này chưa thật sự bền vững. Nguyên nhân là do phong tục tập quán, tư tưởng muốn có đông con, phải có con trai còn rất nặng nề của một bộ phận người dân, trong khi đó, dự báo của các nhà khoa học và cơ quan quản lý, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng nhanh, mà cụ thể là sẽ đạt cực đại vào năm 2020-2025.
Mặt khác, một số vấn đề mới xuất hiện trong công tác DS trong mấy năm gần đây là tỉ số giới tính khi sinh đã tăng nhanh một cách bất thường. Tỉ số này được hiểu là tỉ số bé trai trên 100 bé gái, bình thường dao động trong khoảng 103-106/100. Tuy nhiên, qua 3 cuộc Tổng điều tra dân số trước đây, tỉ số giới tính khi sinh của tỉnh ta đã tăng từ 105 (năm 1979) lên 106 (năm 1989) và 107 (năm 1999). Từ năm 2006 đến nay, tỉ số này đã tăng nhanh liên tục đến 115/100. Nếu không có giải pháp tích cực, sự mất cân bằng giới tính sẽ để lại những hệ lụy nặng nề, tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội.
Tổng điều tra dân số năm 2009 cũng xác định tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên ở Bình Định 10,8%, cả nước là 9%. Điều này cho thấy tỉ lệ già hóa ở Bình Định đã cao hơn bình quân chung cả nước. Bình Định đã bước vào thời điểm cơ cấu dân số già. Do đó, vấn đề già hóa dân số cần phải được coi là một trong những vấn đề ưu tiên trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Bởi, nếu già hóa dân số chưa được coi là một vấn đề phát triển kinh tế- xã hội thì các nghiên cứu, chính sách và chương trình thích hợp để đáp ứng vấn đề già hóa dân số sẽ không được xúc tiến. Các nhà khoa học đã tính toán, nếu việc chăm sóc sức khỏe cho một đứa trẻ chỉ tốn 1 đồng thì việc chăm sóc một người cao tuổi phải cần tới 8 đồng.
Các nước trên thế giới đã tiến hành sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để nâng cao chất lượng giống nòi từ cách đây trên 50 năm nhưng Việt Nam mới bắt đầu thử nghiệm được 4 năm, còn Bình Định là 2 năm. Chất lượng dân số về thể chất thấp, tỉ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực trí tuệ chiếm tới 1,5% dân số, trong đó số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm khoảng 1,5 - 3% và xu hướng tiếp tục gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, lối sống hoặc phong tục, tập quán lạc hậu và chưa được phát hiện sớm, điều trị sớm. Trong khi số lượng người khuyết tật, tàn tật khá lớn…
(Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh)
|