|
Ảnh minh họa. |
An toàn thực phẩm không còn là chuyện mới, nhưng vẫn luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận. Cho dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều và cũng đã có không ít bài học đau xót trong thực tiễn cuộc sống, nhưng dường như đối với một bộ phận người tiêu dùng vẫn là điều gì đó xa lạ, nhất là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.
Người ta đã đề cập về nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Có không ít người cho rằng, do sự xuống cấp của một bộ phận những người kinh doanh, những người sản xuất, chỉ vì hám lợi mà làm giả, làm nhái để lừa gạt người tiêu dùng. Lại cũng có người cho rằng, nguyên nhân là do các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương buông lỏng sự quản lý đối với lĩnh vực này... Nói chung, khi sự việc xảy ra thì mỗi người có cách đánh giá khác nhau và vì thế cũng có những nguyên nhân khác nhau. Với tư cách là người tiêu dùng, ở phạm vi bài này chỉ xin bàn đến khía cạnh việc bảo đảm an toàn thực phẩm từ ý thức của chính mỗi người chúng ta.
Trong cơ chế thị trường, người tiêu dùng luôn được xác định ở vị trí trung tâm. Bởi thế, người ta vẫn thường gọi người tiêu dùng là "thượng đế". Khái niệm hãy trở thành người tiêu dùng thông thái không còn là quá mới đối với xã hội hiện đại.
Từ những phân tích nêu trên, việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và trách nhiệm của người tiêu dùng. Bảo đảm an toàn thực phẩm không phải chỉ là việc làm cho xã hội, mà chính là bảo đảm sức khỏe cho chính mình, cho chính người thân trong gia đình mình. Nếu người tiêu dùng không vì sự đơn giản, thiếu hiểu biết cặn kẽ hoặc ham rẻ, thì những mặt hàng kém chất lượng, hàng không đủ tiêu chuẩn không thể có cơ hội để tồn tại. Chính sự hiểu biết và thái độ dứt khoát của người tiêu dùng sẽ góp phần quyết định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cả xã hội.
Cùng với việc nâng cao ý thức và thái độ trách nhiệm của người tiêu dùng, không thể không đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đành rằng, việc quản lý về vấn đề này của các cơ quan quản lý Nhà nước còn gặp không ít khó khăn nhưng không phải là điều quá khó để từng cơ quan làm tròn bổn phận của mình đối với xã hội, đối với người dân. Cần phải nhận thức một cách đầy đủ rằng: Bảo đảm an toàn thực phẩm chính là giải pháp để bảo toàn và phát triển trí tuệ và giống nòi, mà không chỉ đơn thuần là bữa cơm hằng ngày trong mỗi gia đình...
. Theo QĐND |