Nhiều năm qua, 2 trung tâm phục hồi chức năng Cát Hưng và Cát Tân (Phù Cát) đã giúp cho 10 trẻ khuyết tật vận động có thể đi lại và đến trường như những trẻ bình thường. Dự án hỗ trợ kết thúc, các trung tâm này đang rất cần trợ sức để có thể nuôi dưỡng niềm hy vọng cho trẻ khuyết tật.
Lành đôi tay, mạnh đôi chân
Từ đứa bé nằm liệt một chỗ ngày nào, Phan Lệ (16 tuổi, ở thôn Mỹ Long, xã Cát Hưng) giờ đây đã tự đứng và đi những bước tập tễnh. Bị một khối u ở chân năm lên 2 tuổi, ngược xuôi các bệnh viện để làm phẫu thuật, nhưng Lệ vẫn không đi được. Những ngày được cha mẹ bế trên tay đưa đến trường ngày càng xa dần. Ngày ấy, người dân trong xóm Mỹ Long vẫn thường thấy một cô bé cao ráo, gương mặt dễ thương tập đứng lên, rồi lại ngã dúi dụi như trẻ con.
|
Trẻ khuyết tật được kỹ thuật viên của Trung tâm Phục hồi chức năng Cát Hưng hướng dẫn tập vận động chân. |
Chị Nguyễn Thị Nga, mẹ của Lệ, kể lại: “Cứ mỗi lần ngã, cháu lại tự đứng lên. Cháu không làm chủ được nên bao nhiêu tủ kính đựng đồ bán hàng tạp hóa của mẹ đều bị cháu làm bể!”. Năm 2009, Lệ được đưa đến Trung tâm Phục hồi chức năng Cát Hưng tập vận động chân, tay. Anh Phan Đình Láng, cha của Lệ thì nhớ như in những ngày đầu đưa con đến đây luyện tập. Nhìn thấy con vã mồ hôi, đau đớn, ôm nạng tập đi, mồ hôi chảy ròng trên mặt, lòng anh đau như đứt từng khúc ruột. Thế mà sau 3 năm được các kỹ thuật viên của Trung tâm hỗ trợ rèn luyện, Lệ đã tự đi đứng.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng nỗi đau vẫn còn ám ảnh hàng ngàn gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Chỉ tính riêng huyện Phù Cát đã có hơn 2.000 người khuyết tật do nhiễm chất độc, trong đó có 941 trường hợp là trẻ em. Với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, năm 2005, Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng ở xã Cát Hưng được thành lập. Tiếp đó, năm 2009, Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cát Tân ra đời. Hai Trung tâm này có chức năng triển khai các hoạt động hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật ở 10 xã cánh nam của huyện.
Ông Võ Văn Sáng, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Cát Hưng, cho biết Trung tâm hỗ trợ phục hồi chức năng vận động cho người khuyết tật, trong đó có trẻ em ở Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Tiến và Cát Chánh. 5 xã này có 1.029 người khuyết tật, trong đó trẻ em là 188 cháu và hơn phân nửa là khuyết tật vận động. “Trong số vài chục cháu đến đây tập luyện, nhiều cháu phải ẵm ngửa, sau vài năm được Trung tâm hỗ trợ tập vận động đã có 8 cháu đi lại được và đi học như trẻ bình thường khác”, ông Sáng vui vẻ nói.
|
Trong suốt ba năm qua, anh Phan Đình Láng kiên trì đưa con đến Trung tâm Phục hồi chức năng Cát Hưng tập mỗi ngày. |
Cần được trợ sức!
Năm 2005, cậu bé Đ.T.P. (sinh năm 2002, ở xã Cát Thắng), được bế ngửa vào Trung tâm Phục hồi chức năng Cát Hưng tập vận động. Đến năm 2009, P. tự mình đi lại được và giờ đã có thể đến trường học lớp 1 như bạn bè cùng tuổi. “Sinh con ra không may bị nhiễm chất độc da cam, tôi nghĩ đời con mình thế là chấm hết. Vậy mà, nhờ Trung tâm Phục hồi chức năng ở Cát Hưng hỗ trợ luyện tập từ nhỏ, giờ đây con tôi không những tự chăm sóc bản thân mà còn đi học được ”- cha của P. tâm sự.
P. là một trong 10 trẻ khuyết tật của 10 xã cánh nam huyện Phù Cát được hỗ trợ phục hồi chức năng, từ năm 2005 đến nay. Mỗi buổi sáng, ở hai trung tâm nói trên có nhiều người cha, người mẹ tập cho con những bước đi đầu tiên. Hàng ngày, các kỹ thuật viên tự tay tập cho trẻ, với đầy đủ các dụng cụ tập phục hồi chức năng như xe tập đi, xe đạp, máy kéo giãn cột sống… Anh Phan Đình Láng cho biết: “Trước đây tui cũng tập cho cháu ở nhà, nhưng không được. Hiện nay, mỗi sáng tui chở cháu đến Trung tâm tập từ 7 giờ đến 9 giờ. Cũng muốn cho cháu mau khỏe và đi lại bình thường, nhưng việc tập luyện phải theo quy trình, không thể vội được”.
Ông Vũ Văn Nghiêm, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Cát, cho biết: “Hiệu quả hoạt động phục hồi chức năng vận động cho trẻ khuyết tật của các Trung tâm nói trên là rất rõ. Nhưng từ năm 2011 đến nay, khi các chương trình dự án hỗ trợ kinh phí của hai Trung tâm kết thúc thì hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, phần lớn gia đình của trẻ khuyết tật đều thuộc diện hộ nghèo”.
Theo đó, trước đây, những trẻ đến trung tâm tập vận động đều được hỗ trợ chi phí đi lại và tiền ăn hàng ngày khoảng 40.000 đồng/ngày. Chế độ phụ cấp cho 9 cán bộ khung của hai trung tâm và 20 cộng tác viên tại cộng đồng cũng được chi trả đều đặn. Nhưng từ năm 2011, không còn dự án hỗ trợ, UBND huyện Phù Cát phải trả phụ cấp cho cán bộ Trung tâm và cộng tác viên; còn Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ chi phí đi lại cho trẻ khuyết tật.
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: “Huyện cũng đã có kế hoạch sẽ tiếp tục hỗ trợ phụ cấp cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên cộng đồng. Nhưng điều cần nhất là gia đình trẻ khuyết tật cần được hỗ trợ chi phí trong cả thời gian tập luyện lâu dài. Có như vậy, gia đình các em mới không bỏ dở, trẻ khuyết tật cũng có cơ hội hòa nhập cộng đồng”.
|