Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) Bình Định lần VII (2010-2011) vừa mới kết thúc, số lượng giải pháp của các tác giả làm việc trong ngành GD-ĐT tham gia khá nhiều - 32/89 giải pháp. Đây là một tín hiệu đáng mừng...
Một trong những điểm đáng ghi nhận là các giải pháp của cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT tham dự Hội thi STKT lần VII không chỉ nhiều về số lượng mà còn rất phong phú về phạm vi áp dụng. Từ các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, chế tạo các thiết bị phục vụ giảng dạy, các giải pháp giúp cho học sinh dễ tiếp thu các môn học như Toán, Lý, Hóa, Anh văn, Ngữ văn… đến các giải pháp giải quyết các vấn đề thực tiễn...
|
Tác giả Huỳnh Văn Huy (Trường Cao đẳng nghề Cơ điện-Xây dựng-Nông Lâm Trung bộ) với mô hình cấu tạo hệ thống phun xăng, đạt giải khuyến khích. |
Đối với các trường nghề, việc tạo ra các mô hình, các thiết bị giúp sinh viên nhanh tiếp thu, kích thích sự ham mê, tìm tòi, nghiên cứu… luôn được đánh giá cao. Để việc giảng dạy có chất lượng, sinh viên thực hành có hiệu quả thì phải có những buổi thực hành với các thiết bị tự động hóa tại các nhà máy, xí nghiệp, hoặc các mô hình phục vụ cho công tác giảng dạy. Do giá thành của các mô hình khá cao, việc thực tập tại các nhà máy tốn thời gian, vì vậy, thạc sĩ Hà Văn Ngọc, giáo viên Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng - Nông lâm Trung bộ đã nghiên cứu lắp ráp, chế tạo “Mô hình hệ thống dây chuyền tự động hóa sản xuất chiết rót chất lỏng phục vụ đào tạo chuyên ngành điện công nghiệp”. Mô hình này giúp cho sinh viên học tập, thí nghiệm với nhiều môn học, đáp ứng các yêu cầu trong đào tạo. Giải pháp này đã đạt giải nhất tại Hội thi STKT lần VII.
Hội thi STKT năm nay, các giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn tích cực tham gia với 4 giải pháp và đều đạt giải Khuyến khích. Những giải pháp có khả năng ứng dụng trong thực tiễn như: “Xây dựng bản đồ 3D GIS phục vụ quản lý đô thị trên địa bàn TP Quy Nhơn năm 2011”, “Nghiên cứu tổng hợp một số vật liệu với kích thước nano mét, ứng dụng xử lý các kim loại nặng trong nước sinh hoạt ở một số huyện trên địa bàn tỉnh Bình Định”…
Ông Trần Ngoạn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Hội thi STKT lần VII, cho biết: “Một trong những điều làm nên thành công của Hội thi lần này là sự tham gia nhiệt tình của ngành GD-ĐT với số lượng giải pháp tham gia nhiều, lực lượng cán bộ, giáo viên tham gia đông đảo, trong đó có rất nhiều giải pháp rất thiết thực. Đội ngũ giáo viên, giảng viên là lực lượng tham gia đông nhất. Đây là một điều đáng mừng vì ngoài việc giảng dạy, các thầy cô giáo đã rất quan tâm đến công tác nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy.”
Ngoài các giảng viên của các trường đại học, cao đẳng nghề, số lượng các thầy cô giáo của các trường PTTH trong tỉnh tham gia cũng rất đông. Có nhiều giải pháp của các giáo viên ở các trường huyện như: Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Phần lớn các giải pháp này giúp cho việc giảng dạy và học tập đạt hiệu quả cao hơn, tăng sự hứng thú cho các em học sinh, như: “Cải tiến và sáng tạo một số đồ dùng dạy học môn Vật lý”, “Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy môn Ngữ văn THPT”, “Giải pháp hoàn thiện kiến thức khi luyện tập Hóa học bậc THCS”… Điều này cho thấy nỗ lực của các thầy cô giáo trong việc không ngừng tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp để đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là giáo viên ở các trường huyện.
Phát biểu tại buổi lễ trao giải, ông Trần Đức Minh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Hàng năm, Sở đã thường xuyên phối hợp với Công đoàn Giáo dục vận động cán bộ, công chức, viên chức tham gia phong trào lao động sáng tạo thông qua Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức về lao động sáng tạo”. Việc xét các ý kiến công nhận hàng năm được duy trì nghiêm túc và có chất lượng. Năm 2009-2010 có 77 sáng kiến cấp ngành, năm 2010-2011 có 125 sáng kiến. Qua gần nửa năm vận động cán bộ, công chức, viên chức tham dự Hội thi STKT lần VII, ngành GD-ĐT đã gặt hái kết quả đáng khích lệ. Đây là một trong những động lực để đội ngũ cán bộ của ngành tích cực hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ giảng dạy.”
|