Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân:
Thiếu kỹ năng, “khát” thông tin
20:49', 30/12/ 2011 (GMT+7)

Do nhiều hạn chế về điều kiện làm việc, thời gian và kinh tế… công nhân ở các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh ít được hưởng thụ các hoạt động vui chơi giải trí, ít quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản (SKSS).

Công nhân thiếu kiến thức

T.H.L, 23 tuổi, ở tỉnh Quảng Nam được người chị cùng quê giới thiệu vào bộ phận “làm nguội” cho một công ty gỗ trong KCN Phú Tài, TP Quy Nhơn. Vào làm việc chưa bao lâu, H.L yêu anh H. (quê ở Quảng Trị). Từ đó, H.L luôn phải đối mặt với những nỗi lo mang thai ngoài ý muốn, bởi đã 2 lần cô phải đến phòng khám thai tư nhân ở Quy Nhơn để “kế hoạch” vì “không may bị dính bầu”. “Em lo cho sức khỏe của mình lắm, nhưng cũng không biết phải làm sao”, H.L chia sẻ.

 

Đêm văn nghệ tuyên truyền về DS-KHHGĐ duy nhất được Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn tổ chức cho công nhân ở phường Trần Quang Diệu.

 

Những trường hợp như H.L không hiếm. Đa số công nhân đi làm xa, quen nhau, yêu nhau và sống chung với nhau. Nhiều công nhân xa nhà cho biết, họ sống chung để chia sẻ tình cảm và tiết kiệm được tiền thuê nhà, chi tiêu. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều công nhân cởi mở trong quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhưng lại thiếu kiến thức về SKSS.

Chỉ tính riêng tại KCN Phú Tài và Long Mỹ đã có hơn 84.000 lao động, hơn 90% ở độ tuổi 18-49 thì nhu cầu về chăm sóc SKSS của công nhân là rất cao. Nhưng, điều kiện nơi ở của người lao động còn chật chội và mất vệ sinh. Thời gian làm việc dài và căng thẳng khiến công nhân không còn thời gian dành cho bản thân, từ đó hạn chế cơ hội tìm hiểu thông tin và dịch vụ. Chủ doanh nghiệp ít quan tâm đến sức khỏe của công nhân nhập cư. Ước tính chỉ có chừng 20% số doanh nghiệp thực hiện khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho công nhân.

Chị L.T.T.H, làm công nhân trong một công ty gỗ ở KCN Phú Tài, nói: “Tôi nhớ lâu lắm rồi, chắc cũng được 3-4 năm gì đó, công ty mới cho công nhân tham gia một buổi tuyên truyền về sức khỏe giới tính. Còn khám sức khỏe định kỳ thì hiếm lắm!”.

Ngành chức năng khó tiếp cận

Thấy được sự thiếu thốn và mong muốn chính đáng của công nhân, các ngành, đoàn thể đã nỗ lực đem kiến thức về chăm sóc SKSS đến với họ thông qua các buổi truyền thông tư vấn gần gũi. Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp rất nhiều trở ngại.

Trong năm 2011, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã hợp đồng trách nhiệm với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn kiến thức về SKSS cho công nhân ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Thế nhưng, với đặc thù công việc, phân bổ thời gian của công nhân, để tổ chức một buổi nói chuyện, tư vấn kiến thức cho họ gặp rất nhiều khó khăn.

Về chủ quan, hoạt động tuyên truyền về chăm sóc SKSS chỉ là một trong nhiều hoạt động lồng ghép tuyên truyền công tác dân số, HIV/AIDS và nữ công của Liên đoàn Lao động. Về khách quan, do số lượng công nhân lớn, khả năng, nguồn lực của Liên đoàn Lao động có giới hạn nên số lượng công nhân được tiếp cận tới thông tin SKSS qua các buổi truyền thông còn thấp.

Mặt khác, kiến thức tập huấn cho cán bộ công đoàn các doanh nghiệp do Liên đoàn Lao động tổ chức chưa đủ để cung cấp thông tin và khả năng tư vấn cho công nhân về SKSS. Bên cạnh đó, quá trình triển khai truyền thông tại các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn do thiếu sự ủng hộ từ lãnh đạo doanh nghiệp. Minh chứng là trong tổng số hơn 70 doanh nghiệp ở KCN Phú Tài mà LĐLĐ tỉnh gửi công văn đề nghị tổ chức hoạt động tuyên truyền về SKSS chỉ có… 7 doanh nghiệp đồng ý.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Năm 2011, LĐLĐ mới tổ chức được 10 buổi tuyên truyền lồng ghép về SKSS, sức khỏe bà mẹ trẻ em, HIV/AIDS cho 2.049 lao động của 10 doanh nghiệp; trong khi công nhân trong tỉnh lên đến hàng trăm ngàn. Các chủ doanh nghiệp chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc SKSS cho công nhân. Ngay cả khi một số lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý để chúng tôi tổ chức tuyên truyền về SKSS thì một số đơn vị vẫn đặt ra điều kiện phải trả tiền cho công nhân của họ trong thời gian đi dự (?!)”.

“Những hiểu biết về giới tính, quan hệ tình dục an toàn và SKSS trong công nhân còn rất hạn chế. Trong các buổi tuyên truyền, hầu hết những người được hỏi còn khá mơ hồ thông tin quan hệ tình dục an toàn và không nắm chắc kiến thức về nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục…”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh

 

Trong khi đó, nỗ lực đưa kiến thức chăm sóc SKSS đến với công nhân lao động trong hệ thống ngành dân số cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ truyền thông, Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP Quy Nhơn cho biết, cả năm nay Trung tâm mới làm được… một đêm văn nghệ tuyên truyền về SKSS cho công nhân ở một khu vực của phường Trần Quang Diệu.

Những khó khăn về thu nhập, điều kiện sống, sự tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, thông tin cộng với việc chủ doanh nghiệp thiếu quan tâm chăm sóc SKSS cho công nhân, lao động nhập cư là những yếu tố nguy cơ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân. Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, nhấn mạnh: “Công nhân đảm bảo sức khỏe thì doanh nghiệp cũng được hưởng lợi. Vì thế, hơn ai hết các chủ doanh nghiệp cần phải ý thức trách nhiệm và quyền lợi của mình thông qua các hoạt động chăm sóc SKSS cho công nhân. Chứ còn thực tế số công nhân được tiếp cận với kiến thức và thông tin về chăm sóc SKSS thời gian qua chỉ như “muối bỏ bể”!”.

  • TRÀ - HIỀN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quốc gia đầu tiên trên thế giới không có khí thải  (30/12/2011)
Thu thập mẫu xăng để tìm nguyên nhân cháy xe  (30/12/2011)
235 trường hợp rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm  (29/12/2011)
Tín hiệu đáng mừng từ một cuộc thi   (28/12/2011)
Đề phòng trẻ mắc bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng   (28/12/2011)
Tràn lan sữa Trung Quốc tại Việt Nam  (28/12/2011)
Niêm phong 3 loại chả không đảm bảo VSATTP  (27/12/2011)
Cấm niêm yết giá, quảng cáo thịt bò Kobe  (26/12/2011)
Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm trong dịp Tết  (26/12/2011)
Chuyện vợ chồng mình...   (24/12/2011)
Tạo cơ hội, khơi gợi niềm tin   (24/12/2011)
Nghĩ cũ  (24/12/2011)
Mong cha ốm  (23/12/2011)
Cần được trợ sức!   (23/12/2011)
An toàn thực phẩm - Ý thức của mỗi chúng ta  (23/12/2011)