Trong sự thay da đổi thịt ấy của quê hương Phù Cát có đóng góp rất lớn của những người phụ nữ giỏi làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Tôi biết điều ấy nhưng khi đến với các chị vẫn thấy bất ngờ khi được nghe nhiều lời cảm ơn mộc mạc đến vậy.
|
Chị Phạm Thị Bảy, thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến thoát nghèo nhờ nghề làm bún. |
Thoát nghèo nhờ…Hội
Trước năm 2008, gia đình chị Phạm Thị Bảy, thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến rất khó khăn vì không có nghề nghiệp ổn định. Chồng chị làm nghề mộc, còn chị thì ở nhà quanh quẩn với nghề nông. Công việc vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Năm 2008, được Hội LHPN xã cho mượn ít vốn không lấy lãi, chị mạnh dạn học nghề làm bún. Việc làm bún khá thuận lợi, chị đầu tư thêm nghề nấu rượu và nuôi heo. Chị Bảy tâm sự: “Bước đầu, việc kinh doanh bún cũng khó khăn nhưng nhờ lấy công làm lời, đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu nên thu hút được nhiều khách. Sau đó, gia đình có được chút vốn, đầu tư thêm chăn nuôi, nấu rượu để tận dụng hèm, bột… chí thú làm ăn nên cũng… dễ thở dần”.
Đến năm 2010, Hội LHPN huyện bảo lãnh để gia đình chị Bảy vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng mua máy làm bún. Từ đó, mỗi ngày chị sản xuất gần 2 tạ bún, công việc ngày càng thuận buồm xuôi gió. Hiện tại, chồng chị đã nghỉ hẳn nghề mộc để cùng làm bún. Việc sản xuất bún, nấu rượu, nuôi heo mang lại cho gia đình chị khoản thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Tại huyện Phù Cát, những điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi nhờ nguồn vốn vay từ quỹ tiết kiệm của Hội LHPN và thông qua các kênh khác do phụ nữ quản lý khá nhiều. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Cát Khánh, chị Trần Thị Tám ở xã Cát Tài, chị Nguyễn Thị Quý, Nguyễn Thị Vân ở xã Cát Thắng… Nghe chúng tôi hỏi về con đường thoát nghèo, chị Nguyễn Thị Ấu, xã Cát Tiến thật thà cho biết: “Tôi đầu tư chăn nuôi dê thịt, thu nhập gần 70 triệu đồng/năm. Bắt đầu là nhờ nguồn vốn vay của Hội LHPN huyện. Thiệt tình, giờ nghĩ lại, tôi không biết lấy gì để cảm ơn Hội”.
Chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Chánh Lợi, xã Cát Khánh kể: “Nhờ nguồn vốn vay của Hội LHPN huyện, tôi có điều kiện đầu tư vào trồng hành, chăn nuôi heo, bò. Công việc chăn nuôi lúc đầu khó khăn lắm, vì mỗi vật nuôi có kỹ thuật nuôi, chế độ chăm sóc, cách phòng bệnh khác nhau. Ngay khi vợ chồng tôi muốn học hỏi thêm về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho từng vật nuôi thì Hội LHPN tổ chức các lớp học chuyển giao KHKT, cấp phát tài liệu tham khảo. Thiệt là “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Đến nay các mô hình chăn nuôi đã mang lại cho gia đình tôi mức thu nhập khá”. Kinh tế phát triển, gia đình chị Hồng có điều kiện mở rộng trang trại, xây được nhà kiên cố, tạo điều kiện cho 3 đứa con đi học và học hết đại học.
|
Chị Phạm Thị Bảy, thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến thoát nghèo nhờ nghề làm bún. |
Quản lý vốn tốt, động viên sử dụng tốt
Hiện nay, Hội LHPN Phù Cát quản lý trên 10 nguồn vốn với tổng dư nợ trên 99 tỉ đồng cho hơn 7.200 chị vay, tăng so với 5 năm trước gần 73 tỉ đồng. Nguồn vốn vay ngày càng tăng nhờ công tác quản lý tốt, các tổ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở không để tình trạng nợ quá hạn. Chị Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phù Cát, chia sẻ: “Phải biết huy động và quản lý nguồn vốn tốt. Sở dĩ, Hội LHPN huyện quản lý nguồn vốn tốt là nhờ quy chế cộng đồng trách nhiệm - nếu hội viên trong tổ làm thất thoát thì cả tổ chịu trách nhiệm. Do đó, các hội viên tự giám sát nhau chặt chẽ, động viên, giúp đỡ nhau sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn”.
Để hoạt động xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả cao, hàng năm, các cấp Hội tiến hành khảo sát thực tế để có kế hoạch giúp đỡ cụ thể về vốn, giống, kiến thức làm ăn cho chị em. Hội LHPN các cấp đã phối hợp với các ngành có liên quan để tuyên truyền, vận động hội viên áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.
“Thiệt tình, giờ nghĩ lại, tôi không biết lấy gì để cảm ơn Hội”
Lời chị Nguyễn Thị Ấu ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát – một điển hình thoát nghèo nhờ sử dụng vốn vay của Hội LHPN đầu tư chăn nuôi dê thịt. |
Không chỉ tự mình phát triển sản xuất, làm giàu cho gia đình, các hội viên còn tích cực tham gia có hiệu quả vào phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”. Hội LHPN huyện duy trì và phát triển 9 mô hình CLB doanh nghiệp, CLB tiểu thương với 210 thành viên. Trong 5 năm qua có gần 3.600 chị giúp cho 1.260 chị có hoàn cảnh khó khăn bằng các nguồn lực như giúp vốn 265 triệu đồng, 1.280 kg thóc giống và 486 ngày công.
Đời sống của các hộ gia đình phụ nữ đi lên, các chị em ngày càng tin tưởng và nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội. Nhờ vậy, hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ huyện Phù Cát đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Mỗi người, mỗi gia đình lại có con đường thoát nghèo riêng nhưng nét chung của họ là đều có sự đồng hành của Hội LHPN. Và để làm được điều đó, một nỗ lực, một cách làm khá hay rất đáng ghi nhận của Hội LHPN là – kích hoạt ý chí vươn lên thoát nghèo, giúp hộ nghèo tìm ra lối đi của riêng mình trước khi tham gia tư vấn, hỗ trợ vốn vay.
|