An Nhơn kiểm soát cân bằng giới tính:
Tạo động lực bằng nâng cao vị thế phụ nữ
21:23', 6/1/ 2012 (GMT+7)

Quan niệm phải có con trai để “nối dõi tông đường” khiến cho tỉ số giới tính khi sinh tại Bình Định nói chung, thị xã An Nhơn nói riêng chênh lệch theo hướng thừa nam, thiếu nữ. Để kiểm soát tình trạng này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là tác động để nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội.

 

Nơi nào có mức sinh càng thấp thì sự chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh càng cao (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

 

Từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm tỉ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái) của thị xã An Nhơn là 112/100. Trong đó có một số phường, xã tỉ số giới tính khi sinh lên tới 120/100, vượt xa ngưỡng bình quân chung quốc gia, của tỉnh. Đó là những con số báo động của thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGT).

1.

Kết quả hai đợt điều tra do Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình An Nhơn thực hiện tại các phường, xã cho thấy, nơi nào có mức sinh càng thấp thì sự chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh càng cao. 10% người dân được hỏi nêu lý do cần có con trai để làm những ngành nghề truyền thống cần có lao động cơ bắp như nghề rèn, đi biển; 90% còn lại vẫn là sinh con trai để nối dõi tông đường.

Các nhà chuyên môn dự báo MCBGT sẽ tạo nhiều hệ lụy xã hội khó khắc phục. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, vấn đề kiểm soát tình trạng MCBGT càng được ưu tiên. Và Chiến lược chăm sóc sức khỏe sinh sản của quốc gia hiện nay đã thể hiện điều này rất rõ. Các giải pháp vĩ mô cần phải đi đôi với truyền thông, giáo dục nâng cao tính tự giác của mọi người dân về chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình đã được quy định trong hương ước, quy ước của thôn, làng. Đồng thời, việc đưa nội dung kiểm soát MCBGT vào những quy định của các cơ quan, đơn vị cũng là một cách làm để tăng cường hiệu ứng ủng hộ và tuyên truyền tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lao động. Từng bước hoàn thiện bổ sung và ban hành những văn bản pháp luật bảo vệ và nâng cao vị thế của phụ nữ; có các chính sách khuyến khích, động viên phụ nữ trong học tập, lao động, bố trí việc làm…

Năm 2009, An Nhơn là một trong 6 huyện, thành phố của Bình Định được chọn triển khai đề án kiểm soát MCBGT. Sau hơn hai năm triển khai, An Nhơn đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ. Tuy nhiên, các hoạt động của đề án cũng chỉ giới hạn trong các hoạt động truyền thông nhỏ hẹp.

 

Tác động để nâng cao vị thế của phụ nữ là một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát tình trạng MCBGT.

 

2.

Kết quả khảo sát do Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình An Nhơn thực hiện cho kết quả rất bất ngờ - có đến 90% trong số những người được hỏi ý kiến đã khẳng định rằng, mỗi cặp vợ chồng nhất thiết phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường. Chỉ 10% có ý kiến khác. Như vậy, đa số ý kiến người dân đều nghiêng về mong muốn phải có con trai để nối dõi tông đường. Mong muốn đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi dù công tác DS-KHHGĐ đã triển khai được rất nhiều năm.

Như vậy, để tạo chuyển biến thật sự, các cấp, ngành, hội đoàn thể cần tăng cường vận động người dân thay đổi quan niệm tích cực, tiến bộ; thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Pháp lệnh Dân số…

Cùng với nỗ lực truyền thông thay đổi nhận thức, một trong những giải pháp cần được chú trọng nhiều hơn nữa trong thời gian tới là tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi mua bán phụ nữ, hiếp dâm trẻ em, bạo hành gia đình, cố ý gây thương tích phụ nữ và trẻ em nhằm bảo vệ nhân phẩm và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội.

Thực tế nỗ lực kiểm soát cân bằng giới tính ở An Nhơn cho thấy, để các cặp vợ chồng đi theo quy luật sinh sản tự nhiên, không chọn lọc gái - trai, cần nỗ lực của cả cộng đồng. Quá trình đó phải vượt qua rất nhiều rào cản về tâm lý, phong tục tập quán, đặc biệt tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ngấm sâu vào tiềm thức của nhiều người. Để giải quyết tận “gốc rễ” của tình trạng MCBGT đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: tác động điều chỉnh các nội dung pháp luật có lợi cho vị thế của phụ nữ, sử dụng có hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn để giúp cho mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao nhận thức và thay đổi bền vững hành vi.

Theo thống kê, từ năm 2003 đến nay, tỉ số giới tính khi sinh ở tỉnh Bình Định (số bé trai/100 bé gái) bình quân 109-117/100. Nhiều huyện, thành phố trong tỉnh có tỉ số giới tính từ 110 trở lên. Các địa bàn có mức sinh thấp như thị trấn, thành phố thì tỉ số giới tính khi sinh cao hơn vùng khác.

  • NGUYỄN VĂN CHÁNH (Trung tâm DS-KHHGĐ An Nhơn)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xử lý nghiêm những vi phạm về vệ sinh thực phẩm  (06/01/2012)
Thu gom 17 tấn rác thải ứ đọng tại xã Nhơn Hải   (05/01/2012)
Đình chỉ lưu hành 5 loại thuốc không đạt tiêu chuẩn   (04/01/2012)
Một công cụ quản trị mạnh  (04/01/2012)
Kiên quyết xử nghiêm nạn tin nhắn lừa đảo dịp Tết  (04/01/2012)
Hy vọng sống  (03/01/2012)
Sương mù xuất hiện dày đặc ở nhiều địa phương  (03/01/2012)
Xơ vữa động mạch   (03/01/2012)
Nguy cơ sốt rét gia tăng mạnh trong dịp Tết  (02/01/2012)
Nhiều cơ sở kinh doanh thuốc thú y ngoài danh mục  (02/01/2012)
Những em bé chào đời đúng thời khắc giao thừa Tết Dương lịch  (01/01/2012)
Đen mà không tối  (31/12/2011)
“Không biết lấy gì để cảm ơn Hội”  (31/12/2011)
Để Tết đến với mọi người, mọi nhà  (31/12/2011)
Nhiều mẫu quả có dư lượng thuốc BVTV hơn mức cho phép  (30/12/2011)