Năm nào cũng vậy, cứ đến giữa tháng Chạp, mấy nhà trong xóm đã bắt đầu tính xem “ngã” con heo của nhà nào. Tiêu chuẩn đặt ra là heo “đặc”, tức những con heo nuôi hoài mà chẳng đủ cân, đủ ký để xuất chuồng. Thông thường, chú heo được chọn chỉ nặng tầm 40kg đổ lại, nuôi chừng 3 tháng trở lên nên rất chắc thịt.
Chọn heo xong, bước tiếp theo là dựng “lò”. Lò mổ nghiệp dư chỉ đơn giản là tấm bạt trải trên thềm giếng. Má tôi có thời làm nghề “bảy đáp” ở nhà chồng, nên được tin tưởng giao cho công đoạn lấy tiết heo. Mấy anh thanh niên khỏe mạnh, người túm chân trước người đè chân sau. Các bà, các chị thì nhóm bếp, sẵn sàng dao thớt. Tiếng con heo bị chọc tiết kêu eng éc vang cả xóm, như âm thanh báo hiệu giai đoạn chuẩn bị đón một cái Tết bắt đầu.
Con heo sau khi cạo lông, mổ bụng sẽ được “ra thịt”, chia đều cho những nhà tham gia hùn. Người “ra thịt” phải thật khéo léo để nhà nào cũng có đủ các bộ phận của con heo. Miếng thịt đùi 4 phần nạc một phần mỡ để dành làm lát thịt phê trên mâm cỗ cúng ông bà đầu năm. Miếng thịt vai nửa nạc nửa mỡ để gói bánh tét. Miếng ba chỉ để kho trứng cho tụi con nít. Những khúc xương để nấu nồi nước lèo ăn bún…
Đặc biệt, ngày xẻ heo, nguyên phần đồ lòng (phổi, ruột, phèo, huyết bụng…) được dành để nấu nồi cháo lòng mời bà con chung vui… Bếp quê lại đỏ lửa, khói rơm rạ góp thêm hơi ấm giữa tiết trời lạnh lẽo. Không khí Tết rộn rã đầm ấm hơn.
Hùn heo ngày Tết không chỉ mang lại một cái Tết ấm cúng cho mỗi gia đình, mà còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm đậm đà, chân chất. Thời hiện đại, đường sá thông thương, chợ quê nhóm lên nhiều hơn, tục hùn heo ngày Tết cũng thưa vắng dần. Dù vậy, không khí ngày chia heo vẫn neo trong tâm trí của người dân quê những ký ức ấm áp mỗi khi Tết về…
|