Lo món ngon ngày Tết cho gia đình
19:59', 14/1/ 2012 (GMT+7)

Tết đến, mỗi gia đình đều có một vài món tủ mặn, ngọt, trước là để cúng ông bà, sau nữa là dành đãi người thân và khách khứa đến chơi nhà. Và chẳng ai khác hơn là do “nội tướng” của gia đình đảm nhiệm…

Gìn giữ gia phong

Nhắc đến món truyền thống của nhà mình, chị Phước Lộc, làm việc tại một cơ quan hành chính trầm trồ: “Ngày tôi mới về làm dâu, mẹ chồng tôi cầm tay chỉ việc, dạy tôi nhiều món ăn truyền thống của gia đình, những món ăn trong ngày tết. Theo tôi, chẳng món nào khó bằng gói bánh tét cả”.

 

Tết đến, phụ nữ lại bận bịu hơn khi phải mua sắm thêm các loại bánh mứt, lương thực, thực phẩm.

 

Gói bánh tét, không chỉ khó ở khâu gói làm sao cho bánh chặt tay, nhân thịt mỡ, đậu xanh nằm ở vị trí trung tâm, mà công kỷ cả ở khâu chọn lá, rửa và lau lá, ngâm, đãi vỏ đậu xanh. “Phải mất đến vài ngày chuẩn bị trước khi gói bánh. Trước khi gói, bao giờ tôi cũng phải phơi lá chuối trước để lá dai hơn, dễ gói. Còn nấu thì phải canh lửa, chêm nước thường xuyên. Tính tôi cẩn thận, cầu toàn nên không dám giao cho chồng, con canh lửa vì sợ cháy nồi hoặc bánh nấu không chín đều”- chị Lộc chia sẻ kinh nghiệm 20 năm nấu bánh tét của mình.

Bây giờ, nhu cầu ăn uống của mọi người không nhiều như trước nữa, bánh trái, thịt thà ê hề. Một số món truyền thống của gia đình như tré, bò ngâm mắm, tôm chua… chị Lộc không còn làm nữa. Nhưng gì thì gì, Tết đến, chị phải luôn gói và nấu nồi bánh tét cho cả đại gia đình nhà chồng. Thứ nhất để cúng kính ông bà, tỏ lòng thành với ba má chồng đã mất. Thứ đến là để giữ không khí Tết…

Nhắc đến món ăn truyền thống của gia đình trong dịp Tết, rồi nhớ về mẹ, cô bạn đồng nghiệp của tôi bần thần: “Cá thu dịp Tết đắt lắm, lại khó mua. Ấy vậy nhưng tôi phải cố kiếm được một vài lát cá thu để cúng mẹ ba ngày Tết. Cá thu xốt cà, đậu cô ve xào, canh khổ qua nhồi thịt là những món mà mẹ tôi vẫn thích ăn nhất khi còn sống. Tôi thì nấu, còn chồng và con lăng xăng lau dọn bàn thờ, bày biện mâm cúng trong ngày đầu năm, cảm giác thật ấm cúng…”.

Chẳng cứ gì cô bạn đồng nghiệp, mà trong hầu hết các gia đình người Việt đều vẫn giữ truyền thống cúng cơm ông bà đầy đủ trong “ba mùng”; làm những món mà ông bà lúc sinh thời vẫn thích dùng để dâng cúng. Âu là chút lòng thành hiếu thảo của con cái tưởng nhớ đến tiên tổ, ông bà trong dịp Tết. Chị Hoàng Nhã, nhà ở đường Biên Cương (Quy Nhơn) cho biết, má chị tuy đã hơn 70 tuổi, sức yếu nhưng năm nào cũng tự tay mua nếp, rang, xay để làm bánh in. “Má tôi chuẩn bị các khâu nguội, còn tôi thì dện bánh in. Làm xong, 2 ngón tay cái mỏi nhừ. Nhà tôi cũng ít ai ăn món này, nhưng má tôi bảo vì ba mày sinh thời  thích bánh in nên má làm để cúng. Với lại, cũng để giữ gìn một chút không khí Tết xưa. Người già thường sống hướng về quá khứ mà” - chị nói.

Và làm nên vị xuân

Các dịch vụ ăn theo ngày nay phần nào đã làm nhẹ gánh cho người nội trợ trong dịp xuân về tết đến. Từ lương thực, thực phẩm cho đến hoa quả, bánh mứt tết chỉ cần đi chợ một lúc là xong. Song, nhiều người lại bảo rằng, nếu cái gì cũng cậy vào dịch vụ hết thì chẳng còn gì không khí Tết nữa. Bởi vậy, dẫu bận rộn đến mấy thì nhiều chị em vẫn cố sắp xếp thời gian để làm nên một ít “vị xuân”.

Chị Hải Như, 30 tuổi, nhà ở đường Trần Bình Trọng (Quy Nhơn) khoe rằng, tuy bận bịu hai con nhỏ, đến giờ đã tranh thủ làm được thẩu kiệu ngâm mắm, thịt bò khô và mực ngào tương ớt - vốn là món khoái khẩu của con nhỏ và ông chồng hay có những độ nhậu bất ngờ. “Tôi tranh thủ làm vào buổi trưa, ngày nghỉ và lúc chồng vắng nhà bởi anh ấy không muốn tôi vất vả thêm. Đúng là mệt thật, nhưng tôi lại thấy vui vì thấy có không khí tết. Còn ông xã tôi lại khen vợ đảm đang”- chị Như tâm sự.

Những ngày này ra chợ, hình như phụ nữ nào cũng đều tất bật, bận bịu hơn. Có chị cầm cả một list hàng hóa thật dài để nhớ mọi thứ cần mua. Ghé chợ chọn mua vài bó kiệu tươi, dặn bạn hàng quen để cho vài ký nho, dâu để làm rượu, si rô khai vị trong ngày đầu xuân. Lo sắm sanh thêm nhiều thứ mà hình như mỗi năm chỉ dùng một lần; rồi thì dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa…

Ai đó nói rằng phụ nữ là linh hồn của gia đình, điều đó quả không sai. Cũng bởi muốn làm nên vị xuân cho gia đình mà người phụ nữ, mỗi dịp Tết đến xuân về, lại bận bịu, tất tả hơn. Song, những nỗi niềm mệt nhọc ấy lại được đền bù khi họ thấy các thành viên trong gia đình hồ hởi đón một cái Tết đầm ấm, vui vẻ.

  • THỦY NGUYỆT
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hùn heo Tết   (14/01/2012)
Điều trị xuất huyết tự phát trong não bằng hệ thống dẫn đường SPS  (14/01/2012)
Một gia đình hạnh phúc  (14/01/2012)
Nỗ lực chăm sóc trẻ em đặc biệt khó khăn  (13/01/2012)
Quảng Ngãi cầu cứu Bộ y tế chặn đà tấn công của bệnh da lạ  (12/01/2012)
Đừng để bị ngộ độc rượu  (12/01/2012)
Trồng thử nghiệm nấm linh chi ở Bình Định  (11/01/2012)
Bắc và Trung Bộ tiếp tục rét đậm trong 5 ngày tới  (11/01/2012)
Cấm từ chối cấp cứu bệnh nhân dịp tết  (11/01/2012)
Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có khối u lớn ở chân  (09/01/2012)
16/17 bệnh nhân đã xuất viện  (09/01/2012)
Chỉ có 2.308 cơ sở đủ điều kiện VSATTP  (08/01/2012)
1 người chết nghi do ngộ độc rượu  (07/01/2012)
Chữa dứt bệnh lạ ở Quảng Ngãi  (07/01/2012)
Đoàn kết dân tộc, thắm tình quân dân   (07/01/2012)